Từ thời xa xưa, con người đã biết cách phát huy năng lực của trẻ nhỏ, bằng chứng là ở những trường Terakoya, người ta dạy bằng sách “Đồng tử giáo”.

Dạy con lễ phép và ham thích việc đọc sách từ bé

FN | 19/04/2019, 13:21

Từ thời xa xưa, con người đã biết cách phát huy năng lực của trẻ nhỏ, bằng chứng là ở những trường Terakoya, người ta dạy bằng sách “Đồng tử giáo”.

Lớp “Đồng tử giáo” này sẽ dạy cho trẻ những điều mà xã hội ngày nay gọi là đạo đức, vốn là tiền đề để nuôi dạy một đứa trẻ thành người tử tế.

Dạy con biết chào hỏi, trả lời và sống có trách nhiệm ngay từ nhỏ

Từ thời xa xưa, con người đã biết cách phát huy năng lực của trẻ nhỏ, bằng chứng là ở những trường Terakoya* , người ta dạy bằng sách “Đồng tử giáo”. Lớp “Đồng tử giáo” này sẽ dạy cho trẻ những điều mà xã hội ngày nay gọi là đạo đức, vốn là tiền đề để nuôi dạy một đứa trẻ thành người tử tế.

Ở các lớp “ Đồng tử giáo”, trẻ sẽ được dạy về các chuẩn mực đạo đức của xã hội, thông qua đó trẻ học được việc phải kính trọng cha mẹ, kính trọng người bề trên, biết cách chào hỏi lễ phép, trẻ cũng được dạy để hiểu về lòng biết ơn, biết phân biệt đúng sai, biết những gì nên làm, những gì nên tránh. Vậy, đối với trẻ em ngày nay, cha mẹ nên hướng dẫn bé tuân theo những quy chuẩn lễ giáo nào là tốt nhất?

Có ba quy tắc cơ bản nhưng rất quan trọng mà cha mẹ cần dạy con cái mình từ khi con còn nhỏ:

Mỗi sáng sớm hãy nói “ Chào buổi sáng” với người thân trong gia đình và những người con gặp. Cha mẹ hãy làm một tấm gương tốt cho con, hãy luôn nói “Chào buổi sáng” với con mỗi ngày. Dạy con trả lời “Dạ/vâng” khi được gọi.

Dạy con tự sắp xếp thật gọn giày dép của mình, khi ngồi ghế xong phải đẩy ghế lại chỗ cũ. Vậy, cách tốt nhất để cha mẹ truyền dạy cho con 3 quy tắc trên là gì? Câu trả lời là “Cha mẹ phải làm tấm gương cho con noi theo”. Con trẻ thường học được từ những gì cha mẹ làm nhiều hơn từ những gì cha mẹ nói. Vì vậy, cha mẹ nhất định phải làm hình mẫu cho con nhìn thấy và học theo.

Để dạy con biết nói “ Chào buổi sáng” thì mỗi sáng thức dậy, cha mẹ phải là người chủ động nói “Chào buổi sáng” với con trước, khi đó con sẽ chào lại, và cứ thế, dần dần con sẽ quen với việc này và biết chủ động chào cha mẹ trước. Như thế thì việc nói “Chào buổi sáng” mỗi khi thức dậy đã trở thành thói quen của con rồi. Một khi đã biết nói “Chào buổi sáng” với mọi người mỗi khi thức dậy, con sẽ trở thành một đứa trẻ lễ phép, và mối quan hệ của con với mọi người sẽ tốt hơn.

Tương tự, để dạy con biết nói “ Dạ/ Vâng” mỗi khi được gọi, thì mỗi khi con hoặc ai đó gọi mình, cha mẹ cũng phải trả lời “Vâng/ Dạ” khi được gọi. Cha mẹ luôn là tấm gương quan trọng nhất để con noi theo, thế nên muốn con học tốt các quy tắc, cha mẹ nhất thiết phải chú ý làm mẫu cho con.

Quy tắc thứ ba cần dạy trẻ chính là biết sắp xếp, dọn dẹp giày dép của chính mình. Thông qua việc hình thành thói quen xếp gọn giày dép của chính mình, dần dần trẻ sẽ có ý thức về một nếp sống gọn gàng sạch sẽ, đồng thời, trẻ cũng sẽ được rèn luyện về tinh thần trách nhiệm. Khi cởi giày ra, trẻ phải biết tự xếp gọn giày dép của mình; khi ngồi ghế xong, trẻ phải biết đẩy ghế vào trong bàn một cách ngay ngắn; và khi chơi xong thì trẻ phải biết tự mình dọn dẹp đồ chơi gọn gàng, ngay ngắn.

Nếu trẻ học được những quy tắc ứng xử này thì trẻ sẽ không thích gì làm nấy và luôn có trách nhiệm với mọi việc mình làm.

Dạy con thói quen đọc sách trong thời đại công nghệ thông tin

Chúng ta đang sống trong một thời đại đầy biến động, giá trị quan của con người đang thay đổi từng ngày, và thế giới thì bị cuốn theo những trào lưu mới. Một thực tế đang diễn ra ở hầu hết các cơ quan hiện nay chính là vấn đề giảm biên chế. Trước đây chúng ta vốn quen với lối mòn suy nghĩ “Chỉ cần vào được một cơ quan nào đó là có thể yên tâm rồi”, nhưng hiện nay và cả về sau mọi thứ sẽ không còn đơn giản như vậy nữa. Lối suy nghĩ cho rằng: “ Làm một nhân viên bình thường cả đời cũng tốt” đã không còn phù hợp với xã hội hiện đại ngày nay nữa.

Chính từ thực tế này, ngày nay chủ đề được bàn bạc hằng ngày trên tivi và báo chí chính là tình trạng học sinh phổ thông và sinh viên đại học sau tốt nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm. Trong tình thế xã hội hiện nay, việc nuôi dạy để hình thành cho con trẻ khả năng tự lập là vô cùng quan trọng và cần thiết. Hơn nữa, giáo dục còn cần phải đặc biệt chú trọng nuôi dưỡng ở trẻ một cá tính riêng, bởi thời đại chúng ta đang sống là thời đại coi trọng cái tôi cá nhân.

Chính cách giáo dục dựa trên điểm số và quá coi trọng sự khách quan, đã buộc trẻ phải vứt bỏ cá tính và suy nghĩ riêng của mình. Kết quả là, những đứa trẻ không thỏa hiệp, không chịu vứt bỏ cá tính riêng của mình, không suy nghĩ giống những người xung quanh sẽ bị bạn bè xa lánh, thậm chí trở thành nạn nhân bị bắt nạt.

Tuy nhiên ngày nay, việc giáo dục nên những người có chính kiến riêng, có năng lực cá nhân mới là điều quan trọng. Vì vậy, đối với giáo dục sớm cho trẻ, cha mẹ nhất thiết phải chú trọng vào năng lực cá nhân, cho trẻ tự do phát triển chính kiến của mình. Vậy, đâu mới là cách giáo dục đúng đắn để trẻ trở thành một người có cá tính riêng, có khả năng tự lập? Có hai mặt cần được ưu tiên, chú trọng phát triển ở trẻ, đó là: Năng lực giao tiếp. Năng lực biểu đạt.

Năng lực giao tiếp chính là khả năng kết nối với người khác, tạo dựng được những mối quan hệ tốt đẹp với người xung quanh. Để làm được điều này, trẻ phải hiểu được cách nắm bắt tình cảm và tâm lí của người mà trẻ tiếp xúc. Thời đại máy tính như hiện nay đã khiến năng lực giao tiếp của trẻ sẽ bị hạn chế rất nhiều. Những đứa trẻ hàng xóm tụ tập chơi cùng nhau thường sẽ chỉ chơi game, rất hiếm khi chúng rủ nhau ra ngoài chơi các trò chơi vận động ngoài trời. Số người nghiện máy tính ngày một càng tăng lên và sự kết nối giữa các mối quan hệ xã hội đang ngày càng trở nên lỏng lẻo. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng phạm tội gia tăng ở giới trẻ.

Năng lực biểu hiện chính là khả năng truyền đạt suy nghĩ, cách nhìn của mình theo cá tính riêng của trẻ. Đây là một năng lực rất quan trọng và cần thiết trong suốt con đường trưởng thành, cũng như trong suốt cuộc đời mỗi người. Vì vậy, cha mẹ không được xem nhẹ việc bồi dưỡng năng lực này trong suốt quá trình giáo dục ấu thơ. Cha mẹ có thể cho con rèn luyện năng lực làm văn hoặc tham gia các cuộc thi khác nhau để củng cố và phát triển năng lực này.

Nếu muốn có một nền tảng kiến thức bền vững, chúng ta phải biết thu nhận thông tin từ những nguồn đầy đủ và chính xác hơn. Việc đọc sách là rất quan trọng, vì trong sách có chứa những thông tin quan trọng có thể không được đăng tải lên phương tiện truyền thông. Hơn nữa, thông tin trong sách thường là những thông tin chính xác và bổ ích nhất.

Việc cha mẹ chọn lọc thông tin để con tiếp cận có vai trò rất quan trọng trong việc giúp trẻ phát triển cách nhìn, cách suy nghĩ riêng của mình. Vì vậy, khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ nên lưu ý không để trẻ tiếp xúc quá nhiều với máy tính, tivi, dẫn đến nghiện những công nghệ này.

Thay vào đó, hãy bằng những phương pháp thích hợp, gieo vào trẻ sở thích và thói quen đọc sách, việc này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho con đường trưởng thành của trẻ sau này. Thế kỷ XXI này là thời đại của những bộ não, của trí tuệ và thông tin. Vì vậy, cha mẹ hãy lưu tâm đến việc giáo dục để con có năng lực thu thập và xử lý thông tin.

Trích sách 70 thói quen tốt trong việc nuôi dưỡng con theo phương pháp Shichida
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Làm việc với Công an Phú Thọ, Thủ tướng nhấn mạnh cần chuyển đổi số từ cơ sở
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Công an tỉnh Phú Thọ cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn nữa trong triển khai Đề án 06, theo hướng tổng thể, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dạy con lễ phép và ham thích việc đọc sách từ bé