Phát biểu của Bí thư thành ủy TP. HCM Đinh La Thăng về chuyện cấm dạy thêm đang làm cho dư luận chú ý đặc biệt.Có nên cấm dạy thêm không? Nếu không cấm thì làm thế nào để hạn chế tác hại của nó?

Dạy thêm: Phí sức lực trò, uổng tài năng thầy

12/06/2016, 05:49

Phát biểu của Bí thư thành ủy TP. HCM Đinh La Thăng về chuyện cấm dạy thêm đang làm cho dư luận chú ý đặc biệt.Có nên cấm dạy thêm không? Nếu không cấm thì làm thế nào để hạn chế tác hại của nó?

Những hệ lụy của dạy thêm, học thêm
Dạy thêm - học thêm và những hệ lụy đi kèm của nó không phải là vấn đề mới xuất hiện gần đây.

Nó chỉ là một trong những biểu hiện khủng hoảng của nền giáo dục đang đứng trước nhu cầu phải cải cách thật sự.

Dạy thêm - học thêm ở nước nào cũng có, tuy nhiên ở Việt Nam nó có một đặc trưng rất đáng chú ý.

Đó là trong rất nhiều trường hợp dạy thêm, học thêm diễn ra ngay trong chính ngôi trường phổ thông thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Những người dạy thêm cũng chính là các giáo viên chính quy làm việc ở những ngôi trường này và học sinh học thêm cũng chính là học sinh ở đây.

Ngay cả trường hợp giáo viên dạy thêm ở nhà riêng hay ở các trung tâm bồi dưỡng kiến thức (trung tâm luyện thi) thì học sinh ở đó vẫn có cả những học sinh ở lớp họ dạy hàng ngày.

Tính chất “nhị trùng” này đã tạo ra rất nhiều hệ lụy. Nhẹ nhất nó cũng dẫn tới trạng thái tinh thần “chân ngoài dài hơn chân trong” ở người giáo viên.

Nghĩa là người giáo viên sẽ phải chia sẻ sức khỏe, trí tuệ, thời gian cho việc dạy thêm ngoài hoạt động giáo dục chính thức ở trường học.

Trong rất nhiều trường hợp, thu nhập từ việc dạy thêm lớn hơn lương giáo viên nhận từ công việc giảng dạy chính thức ở trường nhiều lần vì thế ngay cả đối với những giáo viên có lương tâm dần dần trong vô thức, tâm sức họ cũng sẽ bị chi phối bởi chuyện dạy thêm.

Tệ hơn, khi người giáo viên không làm chủ được bản thân dạy thêm, học thêm sẽ dẫn tới những chuyện nghiêm trọng khác như phân biệt đối xử đối với những học sinh không đi học thêm hoặc những vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Kết quả là, giống như một trò chơi đuổi bắt vòng quanh, phụ huynh vừa ghét học thêm vừa phải gắng sức tạo điều kiện cho con đi học để khỏi tụt lại phía sau bạn bè và nuôi hy vọng đỗ vào những trường “điểm”, những trường đại học danh tiếng.

Vòng quay ấy qua mỗi năm học lại nhanh thêm và làm cho cả giáo viên và phụ huynh trượt ra xa khỏi mục tiêu, ý nghĩa tốt đẹp ban đầu của giáo dục.

Không thể cấm dạy thêm

Dạy thêm, học thêm mặc dù gây ra rất nhiều hệ lụy như trên nhưng thực tế không thể cấm.

Lý do thực sự không nằm ở chỗ “có cung thì ắt có cầu” như nhiều giáo viên nêu ra.

Lý do nằm ở chỗ biện pháp dùng mệnh lệnh hành chính để “cấm” dạy thêm sẽ không có hiệu quả trong thực tế thậm chí sẽ làm cho tình hình rối loạn hơn khi nó tạo ra hiệu ứng ngược.

Dạy thêm, học thêm với những biến tướng của nó chỉ là triệu chứng của một căn bệnh nặng.

Muốn chữa khỏi bệnh hoàn toàn thì phải cải cách giáo dục thực sự bắt đầu từ triết lý giáo dục trở đi. Cụ thể hơn, để dạy thêm, học thêm không còn lý do tồn tại, ít nhất sẽ cần tới hai điều kiện.

Một là giáo viên phải có mức lương đủ để sống một cuộc sống trung bình, giản dị.

Mức lương này đủ để đảm bảo giáo viên yên tâm làm việc trọn đời trong ngành giáo dục. Mức lương đó sẽ tăng theo thâm niên công tác và sự chuyên nghiệp trong công việc của họ.

Hai là tách rời hoạt động dạy thêm, học thêm khỏi hệ thống trường phổ thông. Nghĩa là chấm dứt vai trò “nhị trùng” của cả giáo viên và học sinh.

Nhật Bản: Lương giáo viên 40 triệu, tách bạch dạy thêm - học thêm

Ở Nhật, có thể dễ dàng nhìn thấy những em học sinh mặc đồng phục đi học thêm và trở về nhà rất muộn.

Một khi trong giáo dục còn có sự lựa chọn dựa vào thi cử, chừng ấy sẽ còn có học thêm.

Tuy nhiên, cần phải nói rõ rằng ở các nước, các hoạt động dạy thêm, học thêm diễn ra độc lập với hệ thống các trường phổ thông.

Ví dụ như ở Nhật, theo quy định của luật pháp các giáo viên đang giảng dạy tại các trường phổ thông thuộc hệ thống giáo dục quốc dân không được phép dạy thêm hoặc làm thêm nghề phụ ngoại trừ các nghề phụ đặc biệt có tác dụng hỗ trợ cho hoạt động chuyên môn (nghiên cứu, viết báo, dịch thuật).

Vì vậy, ở trường phổ thông sẽ không có hoạt động dạy thêm. Các hoạt động dạy thêm, học thêm sẽ được diễn ra ở các trường “dự bị” (yobiko) hoặc các trung tâm luyện thi (juku).

Giáo viên ở các trung tâm luyện thi hay trường “dự bị” này là giáo viên tự do hoặc là giáo viên trực thuộc các tổ chức này.

Công việc của họ đơn thuần là cung ứng dịch vụ giáo dục phục vụ nhu cầu của học sinh và phụ huynh.

Phụ huynh muốn bổ túc cho con môn học nào, muốn luyện thi vào trường nào sẽ có lớp và giáo viên phù hợp đáp ứng.

Chính nhờ quy định trên, nên cho dù chuyện dạy thêm-học thêm ở Nhật khá phổ biến vẫn không gây ra các hệ lụy trực tiếp ở trường phổ thông và tác động xấu đến hình ảnh người thầy cũng như mối quan hệ thầy trò.

Nhiệm cụ của các giáo viên ở trường phổ thông là chuyên tâm vào công việc giáo dục học sinh.

Ngoài giảng dạy họ còn phải tham gia nghiên cứu khoa học (thông qua công bố các thực tiễn giáo dục của bản thân) và hướng dẫn học sinh tham gia hoạt động trong các câu lạc bộ, các hoạt động tình nguyện, thể thao…

Đương nhiên, lương của giáo viên Nhật đủ sống. Một giáo viên chính thức được tuyển dụng sẽ nhận được mức lương khởi điểm khoảng 20 vạn yên/tháng (tương đương 40 triệu VNĐ).

Mức lương này sẽ tăng dần theo thâm niên. Giáo viên làm việc trong các trường phổ thông ở Nhật được coi là “công vụ viên” và họ cũng sẽ được thưởng năm hai lần giống như nhân viên ở các công ty thuộc khối kinh tế khác.

Cho dù ở Nhật đang diễn ra hiện tượng nhiều giáo viên trẻ bỏ nghề sau ba năm làm việc vì sức ép tinh thần lớn do bận rộn và bị phụ huynh chỉ trích quá mức, trở thành giáo viên vẫn là ước mơ của rất nhiều sinh viên.

Dạy thêm ở Việt Nam: Lãng phí tài năng của thầy

Ở Việt Nam hiện tại, khi cải cách hành chính giáo dục theo hướng phân quyền chưa diễn ra và sự bất hợp lý trong chế độ tiền lương của giáo viên chưa được giải quyết, việc cấm dạy thêm sẽ càng gây ra những hệ lụy khó lường.

Ví dụ như, làm thế nào để đảm bảo hoạt động thanh tra, xử lý dạy thêm, học thêm công bằng và minh bạch? Làm thế nào để ngăn chặn cái “bắt tay” giữa những người đi kiểm tra và các giáo viên dạy thêm?

Thay vì cấm hãy tạo ra môi trường tốt, chế độ đãi ngộ xứng đáng để giáo viên yên tâm làm việc và coi đó là điều kiện tiên quyết để tách hoạt động dạy thêm, học thêm ra khỏi hệ thống trường học phổ thông.

Sự tồn tại của dạy thêm, học thêm như hiện nay nếu không được giải quyết sớm và hợp lý sẽ ngày càng tạo ra sự lãng phí lớn cả về thời gian, tiền bạc của phụ huynh, giáo viên và học sinh.

Không chỉ thế, dạy thêm, học thêm mà chủ yếu là luyện thi vào các trường “điểm”, luyện thi đại học sẽ làm cho tài năng của nhiều giáo viên bị lãng phí.

Đơn giản vì mục tiêu của giáo dục trường học không phải chỉ là đưa học sinh đỗ vào một trường danh tiếng nào đó và hoạt động giáo dục không phải chỉ đơn thuần là “luyện” và “thi”.

Nguyễn Quốc Vương/VNN

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dạy thêm: Phí sức lực trò, uổng tài năng thầy