Bắt đầu từ năm học 2021 - 2022, lớp 6 sẽ tích hợp ba môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thành môn Khoa học tự nhiên và hai môn Lịch sử và Địa lý gộp thành một môn Lịch sử và Địa lý.
Thông tin trên khiến các bậc phụ huynh xôn xao. Môn sử và địa tích hợp cũng dễ chấp nhận vì dù sao đây cũng chỉ là những môn học thuộc lòng, không cần nhiều tư duy. Tuy nhiên, việc tích hợp 3 môn tự nhiên là Vật lý, Hóa học, Sinh học thành môn Khoa học tự nhiên thật sự gây băn khoăn.
Trên diễn đàn và mạng xã hội, không ít người đã đặt câu hỏi: Dạy tích hợp lý, hóa, sinh: Một giờ dạy cả ba giáo viên cùng lên lớp? Câu hỏi này tưởng chừng vô lý nhưng lại khá thực tế vì lý, hóa, sinh có những đặc thù khác nhau, quy luật khác nhau và tư duy khác nhau thì liệu có phải cần đến 3 người có chuyên môn khác nhau lên truyền tải kiến thức hay không.
PGS.TS Mai Sỹ Tuấn, chủ biên chương trình giáo dục phổ thông môn khoa học tự nhiên, tổng chủ biên sách giáo khoa khoa học tự nhiên lớp 6 bộ Cánh Diều cho biết: “Một số người ở trên mạng mô tả là một giờ học khoa học tự nhiên sẽ có 3 thầy cô giáo cùng lên lớp dạy. Tôi khẳng định không có chuyện đó. Mỗi giáo viên chỉ dạy một giờ”.
Nhưng từ trả lời của ông Tuấn thì chúng ta có thể hiểu rằng trong môn tích hợp 3 trong 1 đó, không có chuyện 3 giáo viên cùng xuất hiện trong một giờ nhưng có thể mỗi giờ lại có một giáo viên khác nhau. Nói tóm lại, một môn học lại có 3 giáo viên giảng dạy thì liệu có đảm bảo sự thống nhất hay không? Từ việc truyền tải kiến thức đến... chấm điểm.
Theo đánh giá thầy Nguyễn Quốc Ngọc trên VTC, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, môn tích hợp Khoa học tự nhiên của các lớp 6, 7, 8, 9 đều có ba phần tương ứng với kiến thức thuộc lĩnh vực Vật lý, Sinh học, Hóa học được sắp xếp theo trình tự thời gian chi tiết. Theo đó lớp 6: Hóa học (20%) - Sinh học (38%) - Vật lí (32%). Lớp 7: Hóa học (24%) - Vật lý (28%) - Sinh học (38%). Lớp 8: Hóa học (31%) - Vật lý (28%) - Sinh học (31%). Lớp 9: Vật lý (30%) - Hóa học (31%) - Sinh học (29%).
Riêng học sinh lớp 6 sắp được triển khai học 3 trong 1 thì sẽ học 3 phần gồm Hóa học (20%) - Sinh học (38%) - Vật lí (32%) và phân chia Hóa học sẽ được dạy nửa đầu học kỳ I, Sinh dạy nửa cuối học kỳ I còn môn Lý sẽ được dạy nửa cuối học kỳ II.
Khoan chưa nói việc các em tiếp nhận kiến thức như thế nào mà thử nghĩ về việc điểm số là phụ huynh đã hoa mắt. Do tích hợp 3 trong 1 nên môn khoa học tự nhiên chỉ có duy nhất một điểm trung bình bộ môn, lại do 3 giáo viên dạy, mỗi giáo viên lại có một sổ điểm đánh giá riêng biệt. Hết mỗi học kỳ, hay hết mỗi năm học thì phụ huynh nhìn điểm số khó biết con mình giỏi hay yếu môn nào trong các môn tự nhiên để có kế hoạch kèm cặp, phụ đạo.