“Tội phạm ma túy là tội phạm quốc tế và Việt Nam rất gần trung tâm sản xuất ma túy là tam giác vàng. Tình hình ma túy trên thế giới rất phức tạp, người nghiện ma túy lớn nên nguồn cung trong nước cũng lớn và ngày càng tăng lên", Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay.

ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Công an từ bùng phát tội phạm ma túy đến tình trạng bảo kê

Bùi Trí Lâm | 04/06/2019, 09:19

“Tội phạm ma túy là tội phạm quốc tế và Việt Nam rất gần trung tâm sản xuất ma túy là tam giác vàng. Tình hình ma túy trên thế giới rất phức tạp, người nghiện ma túy lớn nên nguồn cung trong nước cũng lớn và ngày càng tăng lên", Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay.

Sáng 4.6, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm là người đầu tiên trả lời chất vấn Quốc hội liên quan đến các vấn đề về an ninh trật tự, an toàn xã hội, tập trung vào công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm về sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy; công tác đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan tới hoạt động tín dụng đen, băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, tổ chức đường dây mang thai hộ xuyên quốc gia, xâm hại phụ nữ, trẻ em.

Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, thời gian qua, tội phạm ma túy đã lợi dụng Việt Nam để vận chuyển ma túy sang nước thứ 3. Công tác quản lý người nghiện ma túy phức tạp. Tội phạm liên quan đến tín dụng đen được kiềm chế, nhiều nơi tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng; tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em có nhiều dạng thức mới như buôn bán bào thai qua biên giới; việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông phức tạp, cần sự chung tay của cả xã hội…

Tội phạm ma túy chọn Việt Nam làm nơi trung chuyển?

Nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm về sự gia tăng của tội phạm ma túy, đến nỗi không còn tính bằng gram mà bằng tấn, việc Việt Nam trở thành nơi trung chuyển ma túy… Vậy nguyên nhân là gì? Trách nhiệm của Bộ Công an ở đâu? Việc phòng, chống ma túy được thực hiện thế nào? Liệu do yếu kém về đạo đức hay nghiệp vụ?...

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay, việc đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy rất quyết liệt trong thời gian vừa qua. Lực lượng công an đã dự báo được trước những vấn đề này và năm qua đã ngăn chặn được một lượng rất lớn ma túy như Tây Bắc, Sơn La. Các tội phạm ma túy chuyển dần vào miền Trung, Tây Nguyên và có sự tham gia của người nước ngoài.

“Tội phạm ma túy là tội phạm quốc tế. Chúng ta rất gần trung tâm sản xuất ma túy là tam giác vàng, đường biên giới rất dài, việc kiểm soát chỉ ở cửa khẩu còn các lối mòn thì tội phạm vẫn lợi dụng. Tình hình ma túy trên thế giới rất phức tạp, người nghiện ma túy lớn nên nguồn cung trong nước cũng lớn và ngày càng tăng lên. Hơn nữa, tội phạm về việc sử dụng ma túy đã được đưa ra khỏi luật hình sự, chúng tôi đang có những giải pháp điều chỉnh về vấn đề này”, ông Lâm nói.

Bộ trưởng Bộ Công an cho hay, ASEAN đã có tuyên bố chung cấp Bộ trưởng về phòng, chống mà túy, cả ASEAN không hợp pháp hóa ma túy, cùng đoàn kết đấu tranh với loại tội phạm này. Bộ Công an cũng đang phối hợp với Lào để thực hiện trấn áp tội phạm ma túy ở tuyến biên giới. "Với quyết tâm cao, chúng tôi sẽ ngăn chặn Việt Nam không trở thành nơi trung chuyển ma túy của khu vực".

Theo ông Lâm, để làm được điều này cần vừa chặn nguồn cung, vừa giảm nhu cầu trong nước. Hơn nữa, việc nhập cảnh, thông quan hàng hóa ở Việt Nam hiện nay khá thông thoáng, thuận lợi nên tội phạm ma túy lợi dụng điều này. Ví dụ họ chuyển 3 chuyến, 2 chuyến bị bắt, chỉ lọt 1 chuyến nhưng họ vẫn có lời nên vẫn làm. Do đó, thời gian tới cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, bộ, ngành liên quan, cùng với sự ủng hộ của nhân dân để Việt Nam không trở thành nơi trung chuyển ma túy.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc phòng, chống ma túy không chỉ riêng của ngành công an mà của toàn xã hội, của từng gia đình. "Ngay như mới hôm qua đây, một chiến sĩ biên phòng đã hy sinh, 2 chiến sĩ khác bị thương nặng vì tội phạm ma túy".

Xử lý hơn 2.500 vụ việc liên quan “tín dụng đen”

Bộ Công an đã chỉ đạo mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc, trong đó trọng tâm là triệt phá các băng nhóm tội phạm có tổ chức liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Năm 2018, Công an các đơn vị, địa phương đã xử lý hơn 2.500 vụ việc liên quan đến “tín dụng đen”; trong đó khởi tố 34 vụ, với 66 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo Điều 201 - Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và 2.353 vụ án khác có liên quan (84 vụ giết người, 855 vụ cố ý gây thương tích, 105 vụ cướp tài sản và 1.309 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến “tín dụng đen”).

Trong 5 tháng đầu năm 2019, lực lượng Công an đã triệt phá 933 băng, nhóm tội phạm (riêng đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm từ 16.12.2018 đến 15.2.2019, đã triệt phá 436 cơ sở, khởi tố 12 vụ, 358 bị can liên quan “tín dụng đen”); trong đó, đã chủ động đồng loạt ra quân, đấu tranh triệt phá nhiều đường dây, băng nhóm cho vay lãi nặng, siết nợ, đòi nợ thuê.

Điển hình như: Vụ phá đường dây cho vay lãi nặng, tạm giữ hình sự 11 đối tượng, thu giữ 11 tỉđồng, 3 xe ô tô tại Hà Nội; vụ triệt phá nhóm đối tượng hoạt động tín dụng đen núp dưới danh nghĩa Công ty Tài chính Nam Long, bắt giữ 18 đối tượng thuộc 32 chi nhánh ở nhiều địa phương tại Thanh Hóa... Những kết quả này đã kiềm chế, làm cho hoạt động của tội phạm có tổ chức nói chung, các băng nhóm liên quan đến “tín dụng đen” nói riêng không còn manh động, công khai như trước.

Năm 2018 và quý 1/2019, lực lượng công an đã khởi tố hơn 244 vụ, 330 bị can về tội mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi. Tổ chức xác minh, giải cứu, tiếp nhận gần 1.900 trường hợp, trong đó, xác định 577 trường hợp là nạn nhân bị mua bán.

Bên cạnh đó,tình hình tội phạm giết người vẫn diễn biến phức tạp, năm 2018 xảy ra 1.074 vụ giết người (giảm 0,19%); 43 vụ giết người nhằm mục đích cướp tài sản (tăng 13,16%). Riêng 5 tháng đầu năm 2019, xảy ra 447 vụ giết người (tăng 3,47%); 15 vụ giết người cướp tài sản (tăng 15,38%) so với cùng kỳ năm 2018; đáng lưu ý, xảy ra nhiều vụ giết người với hành vi gây án dã man, tàn bạo (giết nhiều người, giết người vứt xác, chặt xác, đốt xác, giết phụ nữ và trẻ em...).

Phân tích các vụ giết người cho thấy có khoảng 15-17% là các vụ người thân trong gia đình giết hại lẫn nhau; 60-70% các vụ giết người là do mâu thuẫn bộc phát, nhất thời, đối tượng phạm tội lần đầu; xuất hiện ngày càng nhiều vụ giết người do đối tượng bị bệnh tâm thần hoặc bị ảo giác do sử dụng ma túy tổng hợp (“ngáo đá”) gây ra.

Liên quan đến những vụ việc tội phạm tâm thần, theo ông Lâm, điểm chung của tội phạm này là bất ngờ, khó lường, nạn nhân hầu hết là những người thân thiết. Qua khảo sát, những người bị tâm thần có khả năng gây án cao gấp 6 lần người bình thường. Do đó, Bộ Công an đã phối hợp với các cơ quan liên quan để quản lý người không làm chủ được hành vi của mình.

Tội phạm xâm hại tình dục gia tăng do đâu?

Về tội phạm xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em, theo báo cáo của Bộ Công an, 5 tháng đầu năm 2019 xảy ra 289 vụ hiếp dâm phụ nữ, trẻ em (trong đó có 162 vụ hiếp dâm người dưới 16 tuổi); 5 vụ cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144 Bộ luật hình sự); 244 vụ giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145 Bộ luật Hình sự); 114 vụ dâm ô với người dưới 16 tuổi (Điều 146 Bộ luật Hình sự)…

ĐB Nguyễn Thanh Thủy, Phú Thọ chất vấn, thời gian qua, tội phạm xâm hại tình dục có gia tăng hay không? Hay là do thời gian qua các vụ việc được phát hiện nhiều hơn do sự vào cuộc của cơ quan chức năng, các cơ quan truyền thông?

Bộ trưởng Tô Lâmcho hay, ngành công an cũng phối hợp với các cơ quan liên quan để đấu tranh với tội phạm này. Hiện nay, Bộ đã ban hành quy trình xử lý thống nhất trong toàn quốc nên thời gian qua đẩy mạnh xử lý được tội phạm này.

Vừa qua, việc phát hiện nhiều vụ việc là do sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng khiến người dân tin tưởng, nên họ mạnh dạn hơntrong việc lên án, tố cáo hành vi vi phạm.

Gian lận thi cử: Vì sao nơi thì Bộ, nơi thì tỉnh điều tra?
Đã làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng, nâng điểm cho 244 thí sinh. Việc làm rõ trách nhiệm của phụ huynh trong việc nâng điểm này, việc đưa – nhận tiền vẫn đang được điều tra, củng cố chứng cứ.

Vậy vì sao thẩm quyền điều tra các vụ lại khác nhau khi ở Hòa Bình Bộ Công an điều tra còn 2 địa phương khác thì cơ quan công an địa phương điều tra? Bộ trưởng Tô Lâm lý giải, vụ gian lận ở Hòa Bình là vụ án với loại tội phạm mới nên Bộ Công an điều tra, còn về cơ bản thì những vụ việc này thuộc thẩm quyền của công an địa phương.

Về ý kiến Bộ Công an cần trực tiếp vào cuộc điều tra, không để địa phương làm, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay Bộ vẫn tiếp tục giám sát chặt chẽ vấn đề này và đến nay chưa thấy có dấu hiệu không khách quan của cơ quan công an địa phương.

Trả lời về việc trong nhiều vụ án đã để đối tượng vi phạm rồi trốn ra nước ngoài, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, nhiều trường hợp đề phòng bắt nhầm, bắt oan nên không cho phép lực lượng công an bắt đối tượng trong trường hợp khẩn cấp khi chưa khởi tố theo trình tự, một người chưa được xác định là tội phạm thì không được bắt. Nguyên tắc là không được để lọt tội phạm nhưng cũng không gây hàm oan cho người vô tội, nên vấn đề này sẽ tiếp tục được nghiên cứu để giải quyết.

Cũng trả lời chất vấn về số liệu về tai nạn giao thông theo báo cáo của Bộ Công an chỉ bằng ½ so với báo cáo của Bộ Y tế, Bộ trưởng Công an cho hay, thống kê của cơ quan công an là người chết ở hiện trường, còn ngành y tế thống kê trong bệnh viện. Nhiều trường hợp ở hiện trường mới bị thương, nhưng vào viện mới qua đời nên con số có sự chênh lệch.

Có sự bảo kê tội phạm của công an thoái hóa, biến chất?
Theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Bến Tre, cử tri cho rằng việc bắt được khối lượng ma túy rất lớn của chiến công của ngành công an, nhưng cũng không thể không tính đến trách nhiệm của lực lượng tại chỗ khi để tội phạm ma túy tập kết, đóng gói được một số lượng lớn hàng như vậy. Vậy ngành công an xử lý cán bộ liên quan thế nào?

Việc băng nhóm tín dụng đen hoành hành, bảo kê, gần đây nhất ở phường Cẩm Châu, Hội An có hàng chục người rằn ri vào khách sạn, gọi công an không tới. Người ta cho rằng việc này có sự bảo kê của một số công an thoái hóa, biến chất. Quan điểm của Bộ trưởng Bộ Công an thế nào?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết lực lượng công an có trách nhiệm trong vấn đề này và thời gian qua ngành công an đã có chỉ đạo chấn chỉnh.

Với hành động bảo kê, tội phạm có những diễn biến phức tạp, với lực lượng chức năng, chúng không từ mối quan hệ nào, từ dụ dỗ, làm quen, mua chuộc, đe dọa… Không chỉ các chiến sĩ mà còn cả gia đình, vợ con các chiến sĩ. Trong đó, có những chiến sĩ không chống được cám dỗ, bảo kê, làm ngơ cho tội phạm hoạt động, thậm chí hợp tác với tội phạm. Chủ trương của ngành là kiên quyết loại trừ, loại bỏ những cán bộ này.
“Thời gian qua, ngành công an cũng đã xử lý nghiêm nhiều vụ việc này, không có vùng cấm, bất kể cấp nào. Chúng tôi kiên quyết chống sự bảo kê tội phạm trong lực lượng công an”, ông Lâm nói.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
11 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Công an từ bùng phát tội phạm ma túy đến tình trạng bảo kê