“Lãnh đạo nhiều khi dựa vào vị thế của mình, cho mình cái quyền thích đến thì đến, không đến thì thôi, rồi đổ cho là bận rộn. Bận rộn thì trên thế gian này có ai không bận rộn, nhiều người họ còn bận kiếm từng bữa ăn nhưng họ còn phải đến, còn lãnh đạo vẫn có quyền dừng việc này việc kia”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nói.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Dư luận bức xúc việc quan chức không chịu đến tòa

Trí Lâm | 28/08/2018, 17:08

“Lãnh đạo nhiều khi dựa vào vị thế của mình, cho mình cái quyền thích đến thì đến, không đến thì thôi, rồi đổ cho là bận rộn. Bận rộn thì trên thế gian này có ai không bận rộn, nhiều người họ còn bận kiếm từng bữa ăn nhưng họ còn phải đến, còn lãnh đạo vẫn có quyền dừng việc này việc kia”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nói.

Theo kết quả giám sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, trong 3 năm 2015 - 2017 cả nước có 11.180 quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ tịch uỷ ban nhân dân, uỷ ban nhân dân bị khiếu kiện đến toà án, chiếm khoảng gần 10% trên tổng số khiếu nại hành chính.

Qua xét xử, tổng số quyết định hành chính, hành vi hành chính bị toà án tuyên huỷ toàn bộ hoặc một phần là 1.194. Có những địa phương tỷ lệ bị tuyên huỷ chiếm tỷ lệ khá cao như An Giang 81%, Quảng Nam 55,76%; Hải Dương 31,58%...

Theo đánh giá của Chính phủ, tỷ lệ chủ tịch uỷ ban nhân dân và người đại diện của uỷ ban nhân dân không tham gia phiên toà có xu hướng ngày càng tăng qua các năm, năm 2017 tăng gấp 3 lần so với trước khi thực hiên luật tố tụng hành chính 2015. Cụ thể, năm 2015 là 10,71%; năm 2016 là 21,93 % và đến 2017 tăng đến 31,69%.

Đáng chú ý, có những địa phương, sau khi luật tố tụng hành chính năm 2015 có hiệu lực thi hành, chủ tịch uỷ ban dân nhân làm văn bản uỷ quyền thường xuyên cho phó chủ tịch tham gia tố tụng, sau đó phó chủ tịch cũng chưa tham gia bất kỳ phiên đối thoại hoặc phiên toà nào.

Điển hình, trong 3 năm, Toà án nhân dân Hà Nội xét xử 189 vụ án nhưng chưa có vụ án nào chủ tịch và phó chủ tịch uỷ ban tham gia tố tụng. Tại TP.HCM, năm 2017 có 260/260 vụ không tổ chức đối thoại được do chủ tịch và đại diện uỷ ban nhân dân vắng mặt tại toà án thành phố.

Có những địa phương, sau khi nhận được thông báo thụ lý vụ án của toà án, chủ tịch hoặc phó chủ tịch được uỷ quyền có văn bản gửi toà án được đề nghị vắng mặt trong tất cả các hoạt độngtố tụng mà toà án triệu tập.

Lý do vắng mặt không tham gia tố tụng được uỷ ban nhân dân các địa phương nêu đều do "bận công tác" và do luật thu hẹp phạm vi người được uỷ quyền tham gia tố tụng so với Luật Tố tụng hành chính năm 2010 dẫn đến khó khăn.

Báo cáo giám sát nêu rõ, thực tiễn triển khai thi hành Luật Tố tụng hành chính cho thấy, có những địa phương, số lượng án hành chính lớn nhưng chủ tịch và người đại diện uỷ ban vẫn bố trí tham gia tố tụng nghiêm túc.

Chẳng hạn Đồng Tháp trong 142 vụ chủ tịch và người đại diện tham gia 100% phiên đối thoại và 96,5% phiên toà. Ngược lại, có những địa phương số lượng án rất ít, nhưng chủ tịch và người đại diện thường xuyên xin vắng, thậm chí có tỉnh vắng 100% số vụ. Như, Hải Phòng vắng 17/17 vụ, Bắc Giang vắng 53/56 vụ...

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng,Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng những cán bộ không đến tòa khi người dân khiếu kiện là ý thức chính trị không cao.

“Lãnh đạo nhiều khi dựa vào vị thế của mình, cho mình cái quyền thích đến thì đến, không đến thì thôi, rồi đổ cho là bận rộn. Bận rộn thì trên thế gian này có ai không bận rộn, nhiều người họ còn bận kiếm từng bữa ăn nhưng họ còn phải đến, còn lãnh đạo vẫn có quyền dừng việc này việc kia”, ông Nhưỡng nói.

Cũng theo đại biểu này, đôi khi có quan chức còn có tâm lý việc đến dự một phiên tòa không quan trọng bằng đi họp hành, thi công, khởi công, khánh thành… “Cứ cảm giác phải đến những nơi trang trọng mới xứng đáng với tầm cỡ của anh, nhưng đó là sai. Anh chưa hiểu hết được rằng quan chức là công bộc của dân, đã nhận quyền lực trước nhân dân thì phải thực hiện trách nhiệm trước dân, nhưng các anh không hoàn thành được vế thứ 2”.

“Người dân hoàn toàn có quyền nghi ngờ về thái độ trách nhiệm, chính trị của lãnh đạo. Dư luận rất bức xúc trước báo cáo của Ủy ban Tư pháp về thái độ của một số quan chức của chúng ta”, ông Nhưỡng nói.

Lý giải cho vấn đề này, ông Nhưỡng cho rằng ngoài nguyên nhân từ nhận thức chính trị thì còn do thể chế với việc lãnh đạo theo cấp ủy, mà chánh án tòa án còn nhỏ hơn vị các lãnh đạo như chủ tịch, bí thư tỉnh. Do đó, nhiều khi lãnh đạo tỉnh không đến tòa thì chánh án cũng khó mà yêu cầu phải đến.

“Chúng ta nhiều khi lẫn lộn giữa chính trị và quản lý nhà nước, nên dẫn đến những hậu quả xấu trong công tác quản lý, lãnh đạo”, ông Nhưỡng nêu.

Do đó, đại biểu này cho rằng cần phải điều chỉnh lại vấn đề này, thực hiện theo đúng luật. Nếu quan chức không ra tòa, nếu không có lý do chính đáng thì phải bị xử lý. Đây cũng coi là không hoàn thành nhiệm vụ.

Nói về vấn đề này tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Tư pháp, Chủ nhiệm ủy ban Lê Thị Nga cho hay, đến thời điểm hiện nay, báo cáo của Chính phủ cho biết còn 36 bản án, quyết định chưa được chủ tịch uỷ ban và uỷ ban nhân dân thi hành. Cơ quan giám sát cho rằng việc này gây bức xúc cho người được thi hành án, dẫn đến tiếp tục khiếu nại, khiếu kiện phức tạp. Thậm chí có bản án có hiệu lực từ năm 2011 đến nay nhưng vẫn chưa được thi hành.

"Đối tượng phải thi hành án loại này là cơ quan và người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước, đây là đối tượng cần nghiêm túc, gương mẫu nhất trong việc thực thi pháp luật. Tuy nhiên, việc tồn đọng án hành chính chưa thi hành là một hạn chế lớn và đã tồn tại qua nhiều năm, cho thấy việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương còn chưa nghiêm, làm giảm lòng tin của nhân dân", đoàn giám sát nhấn mạnh.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
9 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Dư luận bức xúc việc quan chức không chịu đến tòa