“Xử lý đối với người chưa thành niên không nên bằng thái độ quá nóng. Điều quan trọng là khi sửa luật phải tự hỏi trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội đến đâu trong sự việc vi phạm của các em”, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nói.
Tại phiên thảo luận về Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 14, do còn có nhiều ý kiến khác nhau về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169), theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin ý kiến Quốc hội về 2 phương án:
Phương án 1: Giữ như quy định của BLHS năm 2015, theo đó đối với 03 tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169) thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng.
Phương án 2: Giữ như dự thảo Luật do Chính phủ trình, theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng đối với 3 tội danh nêu trên.
Phát biểu về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) ủng hộ phương án quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng đối với 03 tội danh Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169).
Đại biểu này phân tích, trong thực tế có rất ít các em ở độ tuổi từ 14 đến dưới 16 phạm vào 3 tội này. Đối với những vụ án do người chưa đủ tuổi vị thành niên phạm tội gây bức xúc trong dư luận thời gian vừa qua hầu như không thuộc độ tuổi này, mà lại thuộc độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi. Trong khi đó Bộ luật hình sự 2015 lại mở rộng phạm vi xử lý với các em, đại biểu cho rằng vấn đề cần phải được cân nhắc thêm.
Về nguyên nhân, đại biểu này cho rằng chủ yếu là do các em chưa tìm được chỗ dựa từ mái ấm gia đình. Cụ thể có tới 10% là trẻ mồ côi, 11% có bố mẹ ly hôn, 5% bị bố mẹ từ chối nuôi dưỡng hoặc bố lẫn mẹ đều có tiền án tiền sự; môi trường văn hóa giải trí chưa thực sự an toàn khi các trang web có nội dung xấu tràn ngập trên mạng…
Theo bà Thủy, xử lý như Bộ luật Hình sự năm 2015 là rất nặng cho trẻ em và dường như không còn sự phân hóa giữa trẻ em phạm tội với người lớn phạm tội. Lý do là độ tuổi từ 14 đến dưới 16 là độ tuổi diễn ra nhiều sự thay đổi nhất về tâm sinh lý, như tò mò, hiếu động, hành động bột phát, thích bắt chước những điều mới lạ, cùng với đó là sự thiếu hiểu biết về xã hội, hạn chế trong nhận thức pháp luật, dễ dẫn tới các em có những hành vi lệch chuẩn.
“Xử lý đối với người chưa thành niên không nên bằng thái độ quá nóng. Điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ cưng chiều, dung dưỡng cho những vi phạm của các em, điều quan trọng là khi sửa điều luật này chúng ta phải tự hỏi trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội đến đâu trong sự việc vi phạm của các em”, bà Thủy nói.
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Danh Huế, ủng hộ phương án thứ nhất. Thực tế trong những năm qua ở nước ta, số người trẻ phạm tội tăng lên rất nhiều đã gây lo ngại cho xã hội. Tội phạm được trẻ hoá trong đó nhiều vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng nhưng do người phạm tội là người chưa thành niên nên không thể xử ở mức án cao nhất đã gây bất bình cho nhiều người.
“Tuy nhiên chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan rằng việc tăng nặng hình phạt không đồng nghĩa với việc tội phạm sẽ giảm. Thực tế đã chứng minh ở các tội danh về ma tuý hay giết người, dù án phạt đã ở mức cao nhất nhưng tội phạm ở các tội danh này vẫn tăng trong những năm qua”, ông Huế nói.
Theo ông Huế, trẻ em dưới 16 tuổi thì nhận thức chưa đầy đủ. Để hạn chế những đối tượng này phạm tội thì chúng ta cần có những giải pháp đồng bộ trong đó chú trọng đến việc giáo dục tại gia đình và nhà trường, đồng thời tạo cho trẻ có một môi trường sống lành mạnh, để trẻ tham gia vào nhiều hoạt động bổ ích thì sẽ hạn chế được tội phạm.
Luật sư này cũng cho rằng, việc thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi của BLHS 2015 phù hợp với xuthế chung của các quốc gia tiến bộ và có nền luật pháp hoàn thiện.
Theo đó, mở rộng xử lý hình sự những đối tượng này không những không nhất quán với chính sách hình sự của BLHS 2015 mà còn đi ngược lại với xu thế văn minh và tiến bộ trên thế giới.
“Trẻ em phạm tội có rất nhiều nguyên nhân nhưng dù là nguyên nhân gì thì trách nhiệm chính vẫn thuộc về những người lớn, thuộc về gia đình, nhà trường và cả xã hội trong quản lý, giáo dục. Nếu mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm của đối tượng này thì đồng nghĩa với việc đẩy trách nhiệm của chúng ta sang cho những người trẻ có nhận thức chưa đầy đủ”, ông Huế nhấn mạnh.
Luật sư Huế cũng bày tỏ: “Những người làm luật cần có cái nhìn khách quan và bao dung. Cần đặt vấn đề dưới nhiều góc cạnh khác nhau để xem xét, tránh bị cảm xúc chi phối”.
Trong báo cáo tiếp thu, giải trình tại phiên họp củaUB Thường vụ Quốc hội trước đó, cơ quan này cho rằng, để bảo đảm phù hợp với chính sách chung của BLHS năm 2015, quan điểm của Đảng, Nhà nước ta và phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì nên sửa đổi khoản 2 Điều 12 của BLHS năm 2015 theo hướng: Chỉ xử lý hình sự người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.