ĐBQH Trần Thị Thanh Lam cho rằng năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần và chỉ bằng 1/5 Malaysia và Thái Lan.
Năng suất lao động chỉ bằng 1/5 Thái Lan
Thảo luận tại Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) cho rằng năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn thấp. Để trở thành nước có thu nhập cao, Việt Nam cần nâng cao năng suất lao động, trong đó không chỉ đầu tư về cơ sở vật chất, chương trình đào tạo mà cần có định hướng phát triển nguồn nhân lực.
Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế, Tổ chức Năng suất châu Á thì năng suất lao động của Việt Nam vẫn thuộc nhóm thấp nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương; thấp hơn Nhật Bản 11 lần, thấp hơn Hàn Quốc 10 lần. So với các nước trong khu vực thì Việt Nam chỉ bằng 1/5 Malaysia và Thái Lan.
Để thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 mà Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng đề ra cũng như Chiến lược phát triển kinh tế đã hướng đến, bà Lam cho rằng phải nâng cao năng suất lao động ở mức cao hơn và tốc độ tăng bình quân ở mức tiệm cận 7% năm, trong khi mức tăng cao nhất thời gian qua chỉ khoảng 5,3 %/năm.
Đại biểu Trần Thị Thanh Lam cho rằng, riêng năm 2022, 14/15 chỉ tiêu kinh tế xã hội đạt mục tiêu kế hoạch được Quốc hội giao và đây là chỉ tiêu còn lại không đạt được mục tiêu của kế hoạch (khoảng 4,7 đến 5,2% trong khi kế hoạch là 5,5%).
“Thực tế, nguồn nhân lực lao động ở nước ta trong bối cảnh hiện nay thì tỷ lệ tham gia lao động và tỷ lệ có việc làm không thể tăng nhiều so với giai đoạn trước đây, mặc dù chúng ta đang tận dụng thời kỳ dân số vàng và còn phải đối mặt với việc già hóa dân số theo dự báo. Mặt khác, những vấn đề tồn tại vì kỹ năng nghề, kỹ năng số, cơ sở dữ liệu, kết nối các thông tin vẫn chưa được cải thiện”, bà Lam nêu.
Ngoài ra, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27% cho thấy, các yếu tố hỗ trợ tăng năng suất lao động cũng có tốc độ tăng nhưng rất chậm. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng.
Đại biểu Lam đề nghị Chính phủ cần quan tâm cân nhắc thấu đáo cho nội dung này trong quy hoạch tổng thể quốc gia và có giải pháp căn cơ hơn để định hướng trong tổ chức thực hiện. Trong đó, không chỉ là vấn đề đầu tư cơ sở vật chất, thay đổi mô hình đào tạo, phương thức đào tạo mà là cần có một chiến lược đột phá, phong trào cải thiện năng suất lao động mang tính quốc gia để thực sự y tế tăng trưởng, duy trì, phát triển, nâng cao hiệu quả, chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.
Năm 2030 có 45 triệu đến 50 triệu lượt khách quốc tế khó khả thi
Đại biểu Trần Quang Minh cho rằng, quy hoạch cần lấy phương châm ưu tiên phát huy những lợi thế, tiềm năng sẵn có hơn là ưu tiên xây dựng, hình thành hành lang mới; nhất là quy hoạch các sân bay, cảng biển cần phải thận trọng, tránh lãng phí, không hiệu quả và cần làm rõ hơn những định hướng liên kết của sáu vùng theo nghị quyết đã đề ra.
Về vấn đề về du lịch, ông Minh cho rằng cần được quy hoạch đậm nét và có chiều sâu để tạo được lợi thế trong tương lai. Theo đại biểu này, Việt Nam đang có lợi thế lớn về mọi mặt của du lịch, dư địa còn nhiều, do đó cần phải tạo được sự khác biệt để thu hút nhiều hơn du khách quốc tế và trong nước.
Ngoài ra, dự thảo có nêu định hướng thiết lập hành lang liên kết du lịch vùng Đông Nam Á và quy hoạch các vùng du lịch trọng điểm. Đại biểu Trần Quang Minh nêu rõ, việc phối hợp để tạo nên những tour, tuyến hấp dẫn, đa dạng, phong phú giữa các vùng là điều rất quan trọng. Vì vậy, cần phải có nguyên tắc cơ bản quy định cho liên kết các vùng du lịch trong nước làm cơ sở liên kết các vùng với các địa phương.
Đại biểu Trần Quang Minh cũng cho rằng cần xem xét các định hướng mang tính thực chất và khả thi hơn. Ví dụ như phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam có đến 45 triệu đến 50 triệu lượt khách quốc tế. Chỉ tiêu đưa ra trong 8 năm tới gấp 13 đến 15 lần hiện tại và gấp 3 lần so với thời điểm cao nhất. Đại biểu khẳng định đây là vấn đề khó khi năm 2022, Việt Nam là nước mở cửa du lịch gần như sớm nhất, tỷ lệ tiêm vắc xin cho người dân đạt rất cao nhưng chỉ đón được 3,5 triệu lượt khách.
Thêm vào đó, định hướng không còn hộ nghèo là vấn đề phi thực tế bởi chuẩn nghèo theo từng giai đoạn sẽ được nâng lên khi kinh tế ngày càng phát triển. Thực tế có những hộ nghèo, bất khả kháng... Do đó, đại biểu đề nghị tập trung định hướng xây dựng hệ thống phúc lợi xã hội, đảm bảo cho nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và chủ động hỗ trợ tốt cho đời sống nhân dân khi có sự cố xảy ra.
Phải tạo ra được động lực phát triển mới
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để triển khai các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch khác, cũng như để thu hút đầu tư cho các các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.
Về các quan điểm phát triển và những trọng tâm, trọng điểm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, quan điểm mới và quan trọng của quy hoạch lần này là phải hướng đến phát triển có trọng tâm, trọng điểm để tạo ra được động lực phát triển mới, đồng thời phải đảm bảo các vấn đề về an sinh xã hội và môi trường.
Theo đó, phân chia ra 2 giai đoạn. Giai đoạn trước 2030 phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi để hình thành các vùng động lực, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng; thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo quan tâm các vấn đề về an sinh xã hội, môi trường... Giai đoạn sau năm 2030 sẽ hướng đến phát triển cân bằng, hài hòa và bền vững giữa các vùng miền và địa phương.
Ông Dũng cho biết, trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay để lựa chọn một số địa bàn có vị trí, điều kiện thuận lợi như có cảng biển, cảng hàng không quốc tế, khu kinh tế ven biển, tiềm lực về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao được kết nối với các cửa khẩu quốc tế… sẽ xác định là 4 vùng động lực, sau đó có 4 cực tăng trưởng.
Bộ trưởng cũng cho biết thêm, trong quá trình phát triển, nếu thấy đủ điều kiện sẽ điều chỉnh và bổ sung các vùng động lực mới để phát huy được tối đa tất cả các lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của các vùng, các địa phương chứ không bó hẹp.