Hiện nay, nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại địa bàn các tỉnh ĐBSCL thiếu nguồn cung. Không ít phương tiện vận tải không mua được nhiên liệu hoặc chỉ mua được số lượng rất hạn chế đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nguồn cung xăng dầu cho ĐBSCL đang rất nóng bỏng.
Gia đình ông H.V.H, tại TP.Mỹ Tho có 7 sà lan tự hành chuyên kinh doanh vận chuyển hàng hóa trên sông. Dù các phương tiện đã gần cạn dầu nhưng vẫn chưa mua được nhiên liệu để cho tàu hoạt động mấy ngày tới. Ông H.V.H cho biết, đã đến nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn đổ nhiên liệu nhưng chỉ được phục vụ “nhỏ giọt”, tình trạng này kéo dài chắc đoàn tàu của ông tạm ngừng hoạt động: “Tôi cần số lượng dầu nhiều, vì anh em trong nhà tới 7 chiếc sà lan. Cần khoảng 10.000 lít nhưng mua không được do hết nguồn cung”.
Thật vậy, khó khăn nhất là đối với đoàn tàu đánh bắt xa bờ, các sà lan có trọng tải lớn, khi nhổ neo hoạt động cần đến vài nghìn lít dầu. Trong khi đó, lượng xăng dầu dự trữ tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đang cạn dần. Các doanh nghiệp đầu mối chậm cung ứng hàng hóa. Ông T.V.T, chủ một cửa hàng chuyên cung cấp dầu cho tàu cá tại cồn Thới Sơn, TP.Mỹ Tho chia sẻ: "Đây là tình hình chung chứ không phải của riêng công ty nào hết. Mấy ngày nay họ tập trung lại cửa hàng tôi mua xăng dầu. Sáng nay tôi xin công ty cấp cho vài nghìn lít để bán, đại diện công ty trả lời tàu chưa về kịp”.
Một số cửa hàng xăng dầu ở Sóc Trăng chấp nhận bán lỗ hoặc hoa hồng 0 đồng nhưng khó mua được nhiên liệu từ các đầu mối trong nhiều ngày.
Ngày 30.8, ông Nguyễn Hùng Em, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Sóc Trăng, trực tiếp đi kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn khi có thông tin nhiều cửa hàng hết nhiên liệu để bán. Theo ông Hùng Em, toàn tỉnh có hơn 450 cửa hàng xăng dầu nhưng gần 100 cửa hàng chỉ nhận được nhiên liệu nhỏ giọt từ doanh nghiệp đầu mối.
Theo ghi nhận của PV, vào chiều 30.8, trên quốc lộ 1 đoạn qua Sóc Trăng có nhiều xe máy chở các can xăng, dầu loại 20 lít. Số nhiên liệu này được di chuyển từ cửa hàng xăng dầu hướng phường 10 (TP.Sóc Trăng) đến cửa hàng khác tại xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên.
Chủ cửa hàng xăng dầu gần chùa Chén Kiểu (xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên) cho biết, bà không nhận được xăng dầu từ đầu mối trong 3 ngày liên tiếp. Trưa 28.8, cửa hàng chỉ nhận được khoảng 1.000 lít xăng, dầu nên vừa bán vừa cho nhân viên đi mua lẻ thêm tại các cửa hàng khác.
“Nhiều chủ cửa hàng xăng dầu cho biết, có ngày mở cửa chứ không có xăng dầu bán. Trước đây mỗi ngày đều được nhận xăng, dầu nhưng hiện nay 3-4 ngày mới có. Mấy hôm nay chúng tôi phải dùng can nhựa mua xăng, dầu tại một số cửa hàng khác, mang về bán cho khách quen để họ chạy máy bơm nước ruộng”, chủ cửa hàng xăng dầu ở ngoại ô TP.Sóc Trăng chia sẻ
Ông Phạm Văn Rư, Giám đốc Công ty TNHH Dư Hoài (huyện Châu Thành, Sóc Trăng) cho biết ông có hơn 10 cửa hàng xăng dầu nhưng thiếu hụt nhiên liệu để bán suốt 9 ngày qua. Theo ông Rư, nếu như tháng trước hệ thống xăng, dầu Dư Hoài bán hơn 1 triệu lít thì tháng này chỉ nhận được khoảng 700.000 lít nên không đáp ứng nhu cầu của người dân.
Để đảm bảo đủ xăng, dầu cho người dân, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng lên kế hoạch cùng Cục Quản lý thị trường (QLTT) làm việc với các doanh nghiệp đầu mối cung ứng xăng, dầu.
Cục trưởng Cục QLTT Sóc Trăng Nguyễn Hùng Em cho rằng, doanh nghiệp xăng, dầu không phải ghim hàng nhưng nhập về nhiều sẽ lỗ nhiều. Vì vậy, một số đại lý chấp nhận hoa hồng 0 đồng, lỗ thêm chi phí vận chuyển nhưng vẫn không mua được hàng để bán.
Theo giới kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp nhập khẩu mua xăng dầu với giá cao, trong khi giá bán lẻ trong nước không tăng để tránh lạm phát. Từ đó, họ lỗ 2.000 đồng/lít. Một chủ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho rằng: “Hệ thống của tôi trên 10 trạm xăng, mỗi tháng bán hơn 1 triệu lít. Bây giờ chỉ được cấp 600.000 – 700.000 lít. Nhiều trạm xăng hết 2-3 giờ vì nhiên liệu về không kịp. Mua không đã lỗ 400 đồng/lít, vận chuyển từ kho của họ về lỗ thêm 200 đồng/lít là 600, chi phí công nhân cùng các thứ bán buôn lỗ thêm 200 đồng nữa tức lỗ 800 đồng/lít dầu. Thế nhưng bán lỗ mà đóng cửa không được. Hàng không có nhưng vẫn phải mở cửa, lúc thì có dầu không có xăng, lúc có xăng lại hết dầu. Tình trạng này kéo dài khoảng 10 ngày nay”.
Tại Cần Thơ, tình hình một vài trạm xăng dầu do hụt nguồn cung nghỉ bán trong ngày hoặc vài giờ cũng có xảy ra. Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Cục Trưởng Quản lý thị trường – Sở Công thương TP.Cần Thơ cho biết: “TP.Cần Thơ có 306 trạm cung cấp xăng dầu. Trong giai đoạn cả ĐBSCL xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung xăng dầu cục bộ nhiều nơi, chúng tôi thường xuyên tổ chức đi kiểm tra, nắm tình hình, ghi nhận xử phạt những chủ cửa hàng găm hàng, tạo ra khan hiếm giả. Tình trạng xăng khan hiếm xảy ra trong tháng 4, tháng 5, và lặp lại từ giữa tháng 8 đến nay. Lãnh đạo Văn Phòng Bộ Công thương phía Nam đang tăng cường chỉ đạo, kiểm tra ở các địa phương để giải quyết vấn đề khó khăn mới phát sinh này”.