Ở nhiều nơi, nước sạch sinh hoạt được xem là điều bình thường, dễ khai thác nên nhiều người cứ mặc nhiên sử dụng thoải mái, hoang phí. Thế nhưng tại một số địa phương ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu có một thực trạng là người dân mong ngóng nước sạch từ hàng chục năm qua nhưng đến nay ước muốn ấy vẫn chưa thành hiện thực.
Tắm giặt, nấu ăn bằng nước… lợ
Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa khô hạn là người dân tại nhiều địa phương ở các tỉnh vùng ĐBSCL lại thấp thỏm, đứng ngồi không yên vì phải sống trong cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt. Để có nước sạch, người dân phải chở từ nơi khác về hoặc “chia hơi” dẫn từ nơi có hệ thống nước sạch về sử dụng. Tuy nhiên, việc “chia hơi” này đối với người dân cũng chẳng dễ dàng gì do giá cả đắt đỏ, vui thì người ta cho, còn buồn thì… người ta cúp nước.
Trong cái nắng hanh khô của những ngày cuối tháng 3, thời điểm này vùng ĐBSCL đang bước vào cao điểm mùa khô nên nhu cầu sử dụng nước sạch trong sinh hoạt gia đình của người dân càng lên cao. Dẫu vậy, nhu cầu có nước sạch tưởng chừng như đơn giản ấy lại trở nên khó khăn với người dân ở ấp Minh Hà B, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau).
Được sự hướng dẫn của cán bộ địa phương, chúng tôi men theo con đường bê tông nhỏ ở vùng nông thôn sâu để đến nhà của các hộ dân đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Nhìn xung quanh, cây cối khô cằn, con người vì thế cũng trở nên cằn cỗi, màu da sạm đen, mốc cời... Để có nước ngọt, người dân đã tìm mọi cách để khoan giếng, có hộ khoan gần chục lần vẫn không tìm được mạch ngầm nước ngọt. Bí bách, họ buộc phải bỏ tiền đi “chia hơi” từ người khác để có nước sạch sinh hoạt. Tình trạng này kéo dài hàng chục năm nay nên người dân rất cần được đầu tư mạng lưới hạ tầng để cung cấp nước sinh hoạt, phục vụ nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.
Bà Huỳnh Thị Hơn, 80 tuổi, ngụ ấp Minh Hà B, xã Khánh Bình Đông nói rằng, trước đây, muốn có nước ngọt sử dụng bà phải lặn lội đi chở nước từ nơi khác về sử dụng. Giờ do tuổi già, việc đi lại khó khăn nên bà Hơn đã tìm cách khoan giếng với mong muốn tìm được nguồn nước ngọt. Tuy nhiên, sau 8 lần khoan, chỉ được 1 điểm có mạch nước lợ chứ không ngọt.
“Nấu ăn tệ lắm, tắm thì rít chịt chứ không được thoải mái. Tình trạng này kéo dài đã nhiều năm. Ước muốn của tôi là mong nhà nước đầu tư hạ tầng, để kéo nước sạch cung cấp cho ngươi dân. Vì ở đây không khoan giếng được, bà con rất khổ sở vì thiếu nước sạch sinh hoạt”, bà Hơn chia sẻ.
Tương tự, bà Trần Thị Út, ấp Minh Hà B, xã Khánh Bình Đông cũng chẳng khả quan hơn, thiếu nước sinh hoạt nên bà Út buộc phải giặt giũ quần áo bằng nước mặn, sau đó xả lại bằng nước lọc. “Đồ trắng, mới tinh chỉ sau vài lần giặt nước mặn đã bị ố vàng. Tình trạng thiếu nước sạch vào mùa khô ở đây đã kéo dài hàng chục năm”, bà Út chia sẻ.
Đồng thời, bà Út cho biết, ngay cả việc tắm cũng bằng nước mặn hoặc lợ, khi đã xong xuôi, bà mới xả lại bằng duy nhất 1 ca nước ngọt. “Nước ngọt khan hiếm, nên gia đình phải tiết kiệm, quý dữ lắm”, bà Út nói.
Nỗi niềm “chia hơi” nước ngọt
Quê miệt tỉnh Bến Tre về địa phương lập nghiệp từ năm 1990, ông Nguyễn Văn Dân (61 tuổi), ngụ ấp Minh Hà B, than rằng, đối với ông không gì khổ hơn bằng việc thiếu nước sạch. Không có nước ngọt sử dụng, mọi sinh hoạt trong gia đình ông Dân cũng bị xáo trộn.
“Nhà có mấy đứa cháu nội nheo nhóc, do tắm nước mặn hoài nên các cháu nổi mẩn ngứa tội nghiệp lắm. Ngay cả việc nấu ăn, mình không cần nêm muối mà khi ăn các cháu hỏi ông nội bỏ muối sao mặn quá, nghe vậy mình xót xa lắm. Có lu nước mưa trữ dùng nấu ăn giờ đã cạn, không biết khi nào trời mới mưa. Đời sống chỉ có ăn uống, giờ có ăn mà không có uống thì phải làm sao”, ông Dân than.
Nhìn ra con kênh trước nhà, ông Dân chỉ tay về phía bờ kênh: “Bên đó, nhà nước đầu tư hệ thống nước sạch rồi đó. Còn bên đây, chờ hoài mà chưa thấy. Để có nước sinh hoạt, tôi phải đi nài nỉ người ta cho chia hơi, rồi mua ống dẫn về. Mà vui thì người ta cho sử dụng, buồn người ta cúp nước mấy ngày liền mình cũng chẳng làm gì họ được”, ông Dân cho biết thêm.
Ông Từ Thanh Tùng, Trưởng ấp Minh Hà B, xã Khánh Bình Đông, cho biết: “Trên địa bàn ấp có 160 hộ nhưng đã có 59 hộ thiếu nước sạch sử dụng. Số còn lại, bà con sử dụng nước giếng khoan, chứ chưa có nước từ hệ thống trạm nước sạch đi qua, tình trạng này kéo dài khoảng 30 năm nay. Bà con cũng muốn khoan giếng, nhưng khoan thì tốn kém nhưng cũng chẳng tìm được nguồn nước ngọt”.
Theo ông Tùng, nước giếng khoan ở địa phương chỉ được người dân dùng để rửa chén đĩa, chứ không nấu ăn, uống gì được. Muốn nấu ăn, bà con trữ nước mưa hoặc mua nước lọc để sử dụng. “Về nguyên nhân khoan không có nước ngọt, trước đây, cũng có nhà nghiên cứu địa chất đến lấy mẫu, nhưng đến giờ địa phương không biết được kết quả ra sao. Chúng tôi rất mong nhà nước đầu tư hệ thống cấp nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày để điều kiện sống của người dân tốt hơn”.
Nhiều nơi ở tỉnh Bạc Liêu cũng cùng cảnh ‘khát’ nước sạch phải thường xuyên sử dụng nguồn nước giếng khoan bị nhiễm phèn, mặn. Như thành thông lệ, nắng hạn gây gắt nhiều tháng qua đã khiến cho nguồn nước ngầm bị sụt giảm đáng kể, ở một số nơi như xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình tỉnh Bạc Liêu, người dân gặp khó khăn trong việc sử dụng nguồn nước sinh hoạt. Nguồn nước giếng khoan không đảm bảo, người dân nơi đây phải tìm mọi cách để có nguồn nước đảm bảo sinh hoạt khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn.
Bà Lâm Thị Sang, ngụ xã Vĩnh Hậu A chia sẻ: “Hầu hết người dân đều xài nước sinh hoạt từ giếng khoan, bơm lên bằng motor điện hàng chục năm nay. Tuy nhiên, cả cái ấp này không nhà nào dám dùng nước giếng khoan để ăn uống vì nước bẩn và có phèn. Nước bơm lên chỉ dùng để tắm, giặt. Mặc dù tốn kém nhưng vì lo cho sức khỏe gia đình nên nhiều gia đình đành bỏ tiền mua nước bình đóng sẵn để dùng trong ăn uống. Có hộ khá hơn thì mua bình lọc nước để xài”.