Nhu cầu sử dụng nước sạch sinh hoạt vào mùa khô của người dân ở vùng ĐBSCL rất cao. Tuy nhiên, sự phân bổ mạch ngầm nước ngọt không đồng đều nên có nơi dồi dào, nơi chỉ toàn phèn mặn.

ĐBSCL 'khát' nước sạch sinh hoạt vào mùa khô - Bài 2: Nơi thừa, nơi thiếu

Trần Khải | 23/03/2023, 16:50

Nhu cầu sử dụng nước sạch sinh hoạt vào mùa khô của người dân ở vùng ĐBSCL rất cao. Tuy nhiên, sự phân bổ mạch ngầm nước ngọt không đồng đều nên có nơi dồi dào, nơi chỉ toàn phèn mặn.

ĐBSCL "khát" nước sạch sinh hoạt vào mùa khô - Bài 1: Nỗi niềm của người dân mùa khô hạn

Nơi nguồn nước dồi dào…

Vào mùa khô, nhiều nơi ở vùng ĐBSCL thiếu nước sạch trầm trọng. Người dân “khát” nước ngọt để phục vụ cho sinh hoạt và được gột rửa sạch làn da khô mốc vì phải tắm nước nhiễm phèn lâu ngày. Thế nhưng, mạch ngầm nước ngọt không phải chỉ cần đặt máy khoan là có. Tại một số khu vực, từ hàng chục năm nay, người dân kiên trì khoan giếng ở nhiều vị trí khác nhau nhưng chỉ có nguồn nước bẩn không sử dụng được. Trái lại, ở một số nơi, chỉ cần đặt máy khoan từ vài chục mét là đã có nước sạch.

Như tại thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau), dù là vùng ven biển nhưng rất dễ dàng khoan tìm mạch ngầm nước ngọt. Ngoài ra, địa phương luôn chủ động tìm nguồn nước ngọt để phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày của người dân.

dan-2...jpg
Trạm cấp nước Vườn quốc gia U Minh Hạ đang được kiểm tra

Ông Huỳnh Thanh Đảm, Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, cho biết: “Trên địa bàn thị trấn không thiếu nước sinh hoạt bởi địa phương được đầu tư 1 nhà máy cấp nước tập trung với 3 trạm cung cấp. Ở những nơi không có hệ thống cấp nước đi qua, người dân khoan giếng để sử dụng. Tuy là địa phương ven biển nhưng trước giờ người dân trên địa bàn sử dụng nước rất thoải mái, nước ngọt có quanh năm”.

Chị Nguyễn Thúy Như, một người dân ngụ xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau chia sẻ: “Nước sạch sinh hoạt ở đây không thiếu. Trước đây, khi nhà nước chưa đầu tư hệ thống cấp nước thì gia đình tôi sử dụng nước giếng khoan, nguồn nước có quanh năm. Còn bây giờ, có hệ thống cấp nước nên nước sinh hoạt lúc nào cũng đầy đủ, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt của người dân địa phương”.

dan-2.jpg
Để có nước sinh hoạt, người dân phải sử dụng máy bơm nước 

Trong khi đó, ông Trần Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã Định Thành, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu cho hay, nước sinh hoạt trên địa bàn xã vẫn đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu sử dụng của người dân. Vào mùa khô, nhu cầu sử dụng nước tăng mạnh nên ở một vài khu vực cuối nguồn thường xảy ra tình trạng nước được cung cấp hơi yếu, tuy nhiên vẫn đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bà con.

… nơi mỏi mòn trông ngóng

Tuy nhiên, không phải ở đâu người dân cũng may mắn được đầu tư trạm cung cấp nước sinh hoạt tập trung hoặc có giếng khoan nước ngọt để sử dụng. Tại phường Nhà Mát, TP.Bạc Liêu, dù không xa trung tâm thành phố nhưng từ hàng chục năm qua, hàng trăm hộ dân ở các khóm Chòm Xòi, Bờ Tây vẫn sống trong cảnh “khát” nước sạch sinh hoạt. Việc sử dụng motor điện bơm nước giếng khoan là cách phổ biến của người dân nơi đây.

Mặc dù vậy, việc bơm lấy nước cũng rất khó khăn do mực nước ngầm của khu vực bị sụt giảm. Nhiều hộ dân muốn lấy nước sử dụng nhưng không bơm được, hộ nào may mắn bơm được thì nước cũng rất yếu.

Ông Nguyễn Văn Ên, nhà ở khóm Bờ Tây, phường Nhà Mát cho biết, cứ mỗi lần muốn bơm nước sử dụng là ông phải chuẩn bị từ 3 đến 4 xô nước dự trữ sẵn để mồi. Công đoạn này không chỉ làm mất thời gian mà đôi khi nước bơm vẫn không lên được.

dan-2..jpg
Việc bơm lấy nước cũng rất khó khăn do mực nước ngầm của khu vực bị sụt giảm

Không chỉ vậy, đa phần giếng ở đây dù được khoan sâu xuống lòng đất nhưng nước vẫn bị nhiễm phèn. Các hộ dân không dám sử dụng nguồn nước này cho việc ăn uống nên tự trang bị bồn trữ nước mưa để dành sử dụng. Trong trường hợp không có mưa hoặc nhu cầu sử dụng nhiều, người dân mua nước lọc về sử dụng cho việc nấu nướng, ăn uống. Điều này khiến các hộ gia đình vốn đã khó khăn càng thêm gánh nặng kinh tế.

"Mùa khô nào cũng vậy, tiền mua nước đôi khi còn nhiều hơn tiền mua gạo", ông Ên than thở.

Còn ở thị trấn Gành Hào, huyện Ðông Hải, tỉnh Bạc Liêu, trong nhiều năm qua, hơn 14.000 cư dân đều sử dụng nước giếng khoan. Ngoài việc các hộ dân tự khoan giếng riêng lẻ, thị trấn Gành Hào có 4 nhà cung cấp nước dưới dạng hộ gia đình. Các hộ này có điều kiện đứng ra khoan giếng nước sâu, sau đó truyền ống, lắp đồng hồ cho các hộ khác sử dụng. Một số trường hợp khác chia theo cụm 5 - 7 hộ, một hộ đứng ra khoan giếng rồi chia sẻ cho các hộ xung quanh. Tiền nước tính theo giá bán nước sạch mặc dù không bảo đảm vệ sinh, không qua lắng lọc.

Ông Nguyễn Hoàng Phong, quản lý Trạm nước Vườn quốc gia U Minh Hạ thuộc ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho biết, mặc dù địa phương được đầu tư trạm cấp nước nhưng do nhu cầu sử dụng cao nên trạm không đáp ứng đủ.

“Tôi quản lý cấp nước sinh hoạt cho 530 hộ dân thuộc 2 xã Trần Hợi, Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời và một phần xã Khánh An, huyện U Minh. Khó khăn hiện nay là nguồn nước của trạm cung cấp không đủ nên một số hộ dân không có nước ngọt sử dụng. Khoan giếng thì nước bị nhiễm phèn. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nước sạch sinh hoạt của người dân rất cao nên rất cần được cấp có thẩm quyền quan tâm đầu tư, nâng cấp mở rộng hệ thống cấp nước”, ông Phong chia sẻ. 

Ông Phong cho biết thêm, do cần nước sinh hoạt nên có hơn 10 hộ dân ở ấp Minh Hà B, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời lấy nước từ người dân vùng lân cận để sử dụng. "Nhà nào nghèo thì chèo xuồng đổi từng xô nước về xài. Hộ có điều kiện hơn thì mua ống nước rồi kéo về sử dụng, vất vả lắm. Mỗi hộ như vậy phải đóng cho chủ hộ khoảng 200.000 đồng/tháng".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐBSCL 'khát' nước sạch sinh hoạt vào mùa khô - Bài 2: Nơi thừa, nơi thiếu