Hiện nay, vùng ĐBSCL vào cao điểm mùa lũ và triều cường, khá nhiều trường hợp người bị rắn cắn khi sản xuất và sinh hoạt.
Ở thời điểm này, nhiều khu vực vùng ĐBSCL bị ngập nước do lũ về và triều cường dâng cao. Các loài rắn không còn nơi ở phải ra ngoài môi trường tự nhiên, đeo bám các thân cây cỏ. Rắn còn vào nhà, chui vào những nơi khuất, kín như gầm giường, tủ, bàn ghế. Trong lao động sản xuất, sinh hoạt, con người dễ dàng tiếp xúc với rắn độc, nguy cơ bị chúng cắn rất cao.
Chỉ riêng tại Khoa Điều trị rắn cắn thuộc Trung tâm nghiên cứu, nuôi trồng, chế biến dược liệu (thuộc Cục Hậu cần Quân khu 9, đặt tại xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) mỗi ngày nơi này tiếp nhận điều trị 5 - 7 ca bị rắn độc cắn. Bệnh nhân đến từ các tỉnh Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp..., tăng gấp 2 lần so với trước khi lũ về. Đa số bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Đây là loài rắn độc, nếu cứu chữa không kịp thời nạn nhân sẽ tử vong. Tính từ đầu năm đến nay, Khoa Điều trị rắn cắn đã cứu chữa thành công 940 ca bị rắn độc cắn, đạt 100% bệnh nhân được cứu sống so với tổng số ca đến điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn, Chủ nhiệm Khoa Điều trị rắn cắn khuyến cáo người dân nên cẩn trọng với rắn độc vào mùa mưa lũ. Nếu bị rắn cắn phải khẩn trương xử lý. “Khi bị rắn cắn phải hết sức bình tĩnh, cần quan sát xem coi rắn gì cắn. Thông tin từ bệnh nhân giúp thầy thuốc nhận biết loại rắn cắn, giúp cho việc điều trị thuận lợi hơn. Sau đó, bệnh nhân nhanh chóng rửa sạch chỗ rắn cắn, đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu kịp thời. Nếu ngoài khả năng điều trị thì cơ sở y tế sẽ chuyển đến nơi có chuyên khoa điều trị hợp lý. Bà con không nên cố tìm bắt cho được con rắn, sẽ kéo dài thời gian, ảnh hưởng tính mạng”, bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn hướng dẫn.