Phim nào sẽ đoạt giải Bông Sen Vàng tại lễ bế mạc LHP Việt Nam 2017 diễn ra tối nay, 28.11? Đây là câu hỏi có lẽ nhận được nhiều sự quan tâm nhất đối với những khán giả của điện ảnh Việt Nam. Trước thềm lễ trao giải, Trưởng ban giám khảo LHP, NSND- Đạo diễn Đặng Nhật Minh nhận định năm nay không có phim nào nổi bật, trong khi nền điện ảnh Việt Nam nói chung thì đang “trẻ hóa”!

ĐD Đặng Nhật Minh: 'Điện ảnh Việt đang 'trẻ hóa' nhưng đa phần nói chuyện yêu đương'

28/11/2017, 12:24

Phim nào sẽ đoạt giải Bông Sen Vàng tại lễ bế mạc LHP Việt Nam 2017 diễn ra tối nay, 28.11? Đây là câu hỏi có lẽ nhận được nhiều sự quan tâm nhất đối với những khán giả của điện ảnh Việt Nam. Trước thềm lễ trao giải, Trưởng ban giám khảo LHP, NSND- Đạo diễn Đặng Nhật Minh nhận định năm nay không có phim nào nổi bật, trong khi nền điện ảnh Việt Nam nói chung thì đang “trẻ hóa”!

Đạo diễn Đặng Nhật Minh, Trưởng ban giáo khảo LHP Việt Nam lần thứ 20

PV: Thưa ông, ông nhận định thế nào về phim tham dự LHP năm nay?

ĐD Đặng Nhật Minh: Đa số phim tranh giải năm nay là phim giải trí. Trong 16 phim tranh giải thì có đến 10 phim giải trí. Ăn khách, hay hay dở gì thì cũng là phim giải trí, mà đã là phim giải trí thì không thể giao lưu được với thế giới. Có một điều các nhà báo nên nhớ là phim giải trí dù có thu được rất nhiều tiền nhưng không nước nào mời giao lưu. Vì điện ảnh thế giới chỉ giao lưu qua các phim nói về văn hóa, tâm hồn con người của một đất nước. Không ai rước mấy phim giải trí về để xem nước người ta giải trí như thế nào cả.

Đa số các phim tranh giải thuộc dòng phim giải trí phục vụ khán giả trẻ

Qua đây tôi thấy điện ảnh Việt Nam có vẻ như đang trẻ lại, đạo diễn trẻ, diễn viên trẻ, vấn đề cũng phục vụ giới trẻ, không có gì khác là yêu đương. Nói chuyện sâu sắc mà làm gì, họ quay lưng lại ngay. Nói cách khác, điện ảnh Việt Nam đang “trẻ hóa”, không có những thứ như Cánh đồng hoang, Chị Tư Hậu, Bao giờ cho đến tháng 10…

Ông dùng từ “trẻ hóa” xem ra có vẻ rất tâm tư. Nhưng có lẽ do bối cảnh xã hội đã thay đổi nhiều nên điện ảnh cũng phải thay đổi theo, không thể cứ khai thác mãi những đề tài như Cánh đồng hoang, hay Chị Tư Hậu được…

Đương nhiên, cô nói chính xác. Tôi thấy những chuyển biến này rất hợp quy luật.

Nếu đã đúng quy luật rồi thì theo ông liệu chúng ta có thể làm gì khác được?

Không, cái đấy thì tôi không biết được. Cứ từ từ rồi sẽ đến lúc có một anh đạo diễn trẻ nào đó điên tiết lên, không chịu làm phim giải trí đơn thuần nữa và sẽ nghĩ ra thứ gì đó hay ho hơn. Hiện tại cũng đã có một số đạo diễn phim độc lập không chấp nhận theo xu hướng thị trường. Chuyện này phải từ từ, không thể ngày một ngày hai được.

Ông cũng nói đề tài phim Việt Nam toàn khai thác chuyện yêu đương. Đạo diễn Kim Ki-Duk cũng làm rất nhiều phim về tình yêu, nhưng ông ấy vẫn được xem như một tượng đài của điện ảnh Hàn Quốc và cả thế giới…

Cũng là đề tài tình yêu nhưng cách đặt vấn đề nghiêm chỉnh, có ý nghĩa, mà dòng phim giải trí đơn thuần không có được. Đương nhiên những phim đó vẫn có thể giải trí nhưng mục đích mà nhà làm phim đặt ra không nhằm để giải trí. Đấy, cần phân biệt rõ như vậy.

Còn nếu chỉ xét trong khuôn khổ giải trí thì ông thấy chất lượng những phim năm nay ra sao?

Những phim này đáp ứng được nhu cầu của giới trẻ tuổi mới lớn. Điểm sáng là năm nay không còn phim hài nhảm. Hài năm nay đã dễ chịu hơn, bớt đi yếu tố ngoại hình, không còn tìm tiếng cười ở những cô béo, mập, những anh lùn, dị dạng... Còn cách thể hiện thì đương nhiên, các nhà sản xuất gần đây đã chịu bỏ tiền thuê máy móc tốt, chuyên viên nước ngoài tốt nên phim của họ cũng đạt được chuẩn đưa vào “siêu thị” chứ không phải hàng bán “vỉa hè”, tức là chất lượng đã được nâng cao.

Cô Ba Sài Gòn - phim thuộc đề tài xã hội được yêu thích gần đây

Nếu trừ ra 10 phim giải trí thì còn 6 phim, ông xếp vào nhóm phim nghệ thuật?

6 phim còn lại là những phim đặt vấn đề xã hội. Có những phim hay, phim không hay nhưng không phải là để giải trí. Những phim này đều mang một ý nghĩa xã hội nào đó, như Cha cõng con, Cô Ba Sài Gòn, Đảo của dân ngụ cư... Nó không đề cập chuyện yêu đương, loanh quanh kiểu anh này thất tình với cô kia, cô kia hiểu lầm anh nọ. Dù sao những phim này cũng không bằng được phim xã hội của những năm 90.

Trong số 16 phim dự thi, ông đánh giá cao bộ phim nào?

Nhìn tổng thể thì không có phim nổi trội. Có những LHP xem một cái thì tôi biết ngay Bông Sen Vàng là phim này rồi, không có gì phải tranh cãi, nhưng năm nay thì không có.

Trở lại với vấn đề giao lưu điện ảnh quốc tế, theo ông vì sao chúng ta thiếu vắng những bộ phim có thể thực hiện sứ mệnh này?

Phim văn hóa, nghệ thuật sâu sắc thì cần được nhà nước hỗ trợ. Ở nước ngoài cũng thế thôi, phim đứng đắn, đoạt giải ở Cannes, Oscar cũng không có đông người xem. Nhưng để khuyến khích dòng phim này phát triển, các nước họ đều có chính sách hỗ trợ, như miễn thuế, thậm chí còn hỗ trợ tiền cho những rạp nào chịu chiếu phim nghệ thuật, rồi giáo dục thẩm mỹ điện ảnh cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Chẳng qua là không chịu làm, chứ nếu quyết làm thì thiếu gì cách. Nhà nước muốn thế nào thì nhà nước sẽ làm được thôi.

Xin cảm ơn ông.

Kim Vân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
7 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐD Đặng Nhật Minh: 'Điện ảnh Việt đang 'trẻ hóa' nhưng đa phần nói chuyện yêu đương'