Ông Giang Chấn Tây cho rằng một năm qua, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phải dùng tiền túi để bù lỗ nhằm duy trì hoạt động kinh doanh, nhiều doanh nghiệp bị kiệt quệ về tài chính, có người phải bán cả, đất đai, thậm chí cầm cố tài sản để bù lỗ.

Để bù lỗ, DN bán lẻ xăng dầu than phải bán đất đai, cầm cố tài sản, kiệt quệ tài chính

Hoài Lam | 06/03/2023, 10:10

Ông Giang Chấn Tây cho rằng một năm qua, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phải dùng tiền túi để bù lỗ nhằm duy trì hoạt động kinh doanh, nhiều doanh nghiệp bị kiệt quệ về tài chính, có người phải bán cả, đất đai, thậm chí cầm cố tài sản để bù lỗ.

Bán cả đất đai để bù lỗ

Tại Tọa đàm trực tuyến “Kinh doanh xăng dầu và bài toán đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia - Tiếng nói người trong cuộc” ngày 6.3, ông Lê Văn Báu, Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Bảo Dương (TP.HCM) nêu hàng loạt câu hỏi cho các cơ quan quản lý.

Cụ thể, doanh nghiệp bán lẻ không được nhận thù lao chiết khấu, phải bỏ tiền túi trả lương cho người lao động, vậy Bộ Công Thương, Bộ Tài chính có giải pháp nào giải quyết cho nhà cung cấp trước việc không trả lương cho nhà bán lẻ có vi phạm pháp luật không? Để cho doanh nghiệp bán lẻ vì thù lao thấp, chỉ được 100-200 trăm đồng/lít, hoặc âm chiết khấu, phải đóng cửa tạm thời có vi phạm pháp luật không? Doanh nghiệp lỗ nên không còn tiền trả lương người lao động. Như vậy có vi phạm pháp luật không? Người lao động không nhận lương tự nghỉ việc có vi phạm pháp luật không?

Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) - cho rằng, chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ luôn là đề tài nóng, bởi vì hơn một năm qua, họ phải dùng tiền túi để bù lỗ nhằm duy trì hoạt động kinh doanh.

“Sự việc này các doanh nghiệp bán lẻ chỉ nghĩ rằng sẽ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng không ngờ nó diễn ra hơn một năm qua, đã làm cho doanh nghiệp bán lẻ lỗ nặng nề, bị kiệt quệ về tài chính, có người phải bán cả ruộng vườn, đất đai, thậm chí cầm cố tài sản để bù lỗ. Để phục vụ bình ổn thị trường theo mệnh lệnh hành chính, dù lỗ vẫn phải bán. Đây là hình thức cưỡng bức doanh nghiệp bán lẻ”, ông Tây nói.

Ông Tây cũng chia sẻ rằng: “Một số người nói kinh doanh có lúc lời lúc lỗ. Tuy nhiên, tôi cho rằng phát biểu như vậy là chưa chuẩn, bởi vì doanh nghiệp nào cũng quyết toán năm tài chính là trọn 1 năm, mà khi quyết toán thì 20% nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và phân chia các quỹ khen thưởng, phúc lợi và bù lỗ các năm trước còn lỗ. Nên doanh nghiệp bán lẻ cũng không còn nguồn lực tài chính để gánh lỗ kéo dài hơn 1 chu kỳ kinh doanh”.

tay.jpg
Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh)

Đại diện doanh nghiệp cũng cho rằng sau ngày 14.2.2023, hội nghị góp ý sửa đổi Nghị định 95 về xăng dầu được tổ chức ở VCCI thì chiết khấu xăng dầu bắt đầu tăng lại từ 1.000 - 1.500 đồng/lít, tùy khu vực.

“Đây là hiện tượng không bình thường. Vậy chiết khấu này từ đâu mà có trong khi nghị định chưa sửa lại và diễn biến thị trường không hề thay đổi? Phải chăng do không phân chia rõ chi phí lưu thông và lợi nhuận định mức ở các khâu, nên doanh nghiệp đầu mối lợi dụng gom hết phần này? Nay thấy không thể thâu tóm được tất cả nên phải trích ra cho doanh nghiệp bán lẻ?”, ông Tây nêu.

Theo ông Giang Chấn Tây, Bộ Công Thương luôn giải thích chiết khấu là do “thỏa thuận để tạo công bằng, cạnh tranh”, tuy nhiên những gì diễn ra suốt hơn 1 năm qua đã chứng minh điều ngược lại, chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ là do sự “ban phát” từ doanh nghiệp đầu mối. Trong khi đó, chiết khấu 0 đồng thì chắc chắn là sẽ có khâu khác gom hết của doanh nghiệp bán lẻ.

Đề nghị quy định lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp bán lẻ không dưới 5-6%/giá bán

Vì vậy, các DNBL đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương thành lập hội đồng để phân chia 1.350 đồng này xem doanh nghiệp bán lẻ nhận được bao nhiêu đồng? Để làm cơ sở cho việc phân chia chi phí cơ bản này trong Nghị định mới và làm cơ sở quay ngược lại truy thu phần mà doanh nghiệp bán lẻ bị chiếm đoạt.

“Mức nhận được của doanh nghiệp bán lẻ là 900 đồng/lít mà mới nhận được có 100 đồng/lít thì đề nghị yêu cầu doanh nghiệp đầu mối hoàn trả lại cho doanh nghiệp bán lẻ thêm 800 đồng/lít nữa và thống kê tổng số lượng hàng hóa bán ra để tính ra tổng mức mà doanh nghiệp đầu mối phải chi trả bổ sung cho doanh nghiệp bán lẻ. Nếu không, doanh nghiệp bán lẻ chúng tôi sẽ đồng loạt làm đơn gửi Chính phủ yêu cầu giải quyết”, ông Tây nói.

xang-dau.png
DN bán lẻ đề nghị quy định lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp bán lẻ không dưới 5-6%/giá bán

Ông Giang Chấn Tây cũng cho rằng, từ sự việc bất công và bất thường trên, ông kiến nghị sửa Nghị định 95 và Nghị định 83 về xăng dầu cần định vị lại doanh nghiệp bán lẻ. Cụ thể, trong Nghị định mới, nên dùng từ doanh nghiệp bán lẻ chứ không dùng từ là đại lý bán lẻ.

“Chính vì không quan tâm đến doanh nghiệp bán lẻ, nên bán lẻ luôn thua lỗ, dẫn đến nhà nước không thể thu thuế thu nhập doanh nghiệp và kể cả Thuế Giá trị gia tăng. Đây là nguồn thu rất lớn”, ông Tây nói.

Dẫn Điều 166, Luật thương mại quy định “Đại lý thương mại là đại lý bán hàng để hưởng thù lao”, ông Tây cho biết, trong hơn 1 năm qua, có tháng chúng tôi bán hàng với mức thù lao 0 đồng, thậm chí âm. Như vậy, về bản chất đây không phải là hoạt động đại lý.

“Do vậy, chúng tôi đề nghị doanh nghiệp bán lẻ được lấy hàng ở nhiều nguồn, áp dụng theo Luật Cạnh tranh, sẽ góp phần điều tiết nguồn hàng theo quy luật cung cầu để không bị chèn ép về thù lao, về nguồn hàng nhằm khắc phục tình trạng đầu mối găm hàng để hưởng chênh lệch giá”, ông Tây nói.

Ngoài ra, theo ông Tây, phần chi phí lưu thông và lợi nhuận định mức này cần phải phân chia rõ ở 2 khâu là bán buôn và bán lẻ theo tỷ lệ phần trăm phải được quy định trong Nghị định sửa đổi bổ sung mới, riêng khâu bán lẻ phải đạt giá trị từ 5-6%/giá bán lẻ.

Theo ông Tây, muốn thị trường xăng dầu hoạt động ổn định và duy trì hệ thống hoạt động xuyên suốt, kể cả lễ và Tết, thì phải có điều kiện cần và đủ là quy định chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp bán lẻ không dưới 5-6%/giá bán lẻ tùy theo thời điểm. Cùng với đó là quy định cho doanh nghiệp bán lẻ lấy hàng ở nhiều nơi để đảm bảo nguồn hàng và có thù lao tăng thêm từ cạnh tranh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược
9 giờ trước Sự kiện
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ba Lan, sáng 17.1, tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Tổng hợp Warsaw, nhấn mạnh về việc đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược, vì hòa bình và phát triển của hai khu vực Đông Nam Á và Trung Đông Âu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để bù lỗ, DN bán lẻ xăng dầu than phải bán đất đai, cầm cố tài sản, kiệt quệ tài chính