Giám đốc Sở Xây dựng TP.Cần Thơ Mai Như Toàn cho rằng, nếu không sớm tháo gỡ những khó khăn về pháp lý, về chính sách và nguồn vốn cho bất động sản (BĐS) thì có thể tương lai không xa, chủ đầu tư sẽ "chết" trên dự án của mình.
Điều này đã xảy ra ở TP.Cần Thơ làm cho các chủ đầu tư như "ngồi trên lửa" vì nhiều dự án được UBND TP.Cần Thơ thống nhất chủ trương đầu tư nhưng vướng quy định dự án khu dân cư có trên 10ha đất lúa phải trình thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Điều 58 - Luật đất đai). Điều này khiến những dự án phải chờ đợi rất lâu. Ngoài ra, một số dự án đã có quyết định cho đầu tư của UBND TP.Cần Thơ nhưng việc triển khai bồi thường, tái định cư gặp nhiều khó khăn và kéo dài nhiều năm.
Một số dự án hoàn thành cơ sở hạ tầng nhưng thành phố chậm định giá đất để chủ đầu tư nộp tiền sử dụng đất. Điều này dẫn đến chủ đầu tư sẽ không làm được sổ đỏ, không giao dịch được. Nguồn vốn vay cho mua nhà đất nhà đất hiện nay đang xiết chặt, lãi suất cao khiến thị trường nhà đất đứng im.
Từ những bức xúc như trên, Hiệp hội Bất động sản TP.Cần Thơ đã ban hành Tờ trình số: 03/2023/TTr.HH.BĐS TPCT về việc sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bức xúc tại các dự án BĐS trên địa bàn TP. Kiến nghị này được gởi lãnh đạo TP.Cần Thơ, Chính phủ và các bộ ngành liên quan.
Các kiến nghị với lãnh đạo thành phố Cần Thơ:
1. Sớm ban hành Quyết định thẩm định: Về giá đất, tiền sử dụng đất, tiền đất, giá nền tái định cư, giá bồi thường các dự án BĐS trên địa bàn TP.Cần Thơ trong quý 2/2023, để các chủ đầu tư dự án khu đô thị mới thực hiện tốt nghĩa vụ đóng thuế với Nhà nước đã bị kéo dài trong nhiều năm qua (có khoảng 40/79 dự án nhà ở, khu đô thị mới). Việc này gây thiệt hại lớn về tài chính cho các doanh nghiệp BĐS, nguồn thu lớn ngân sách của thành phố trong thời gian qua.
2. Khẩn trương, tích cực tham mưu lãnh đạo thành phố rà soát, phân theo từng nhóm đang vướng thủ tục pháp lý… của các dự án BĐS trên địa bàn TP, theo chủ trương của UBND TP.Cần Thơ về việc rà soát pháp lý các dự án vốn ngoài ngân sách tại Quyết định số 805/QĐ-UBND ngày 16.4.2021.
3. Kiến nghị lãnh đạo thành phố xem xét, có hướng giải quyết sớm đối với từng dự án cụ thể để làm cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp triển khai hoàn thành dự án. Trước mắt, tập trung họp doanh nghiệp giải quyết những khó khăn, vướng mắc các dự án BĐS thuộc thẩm quyền của TP; những vấn đề vượt quá thẩm quyền của TP thì tổng hợp kiến nghị, xin ý kiến của Trung ương như cách TP.HCM đang xử lý hiện nay.
4. Đẩy nhanh thủ tục hành chính trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người dân trong các dự án nhà ở, khu đô thị mới trên địa bàn TP.Cần Thơ đã đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận theo quy định, tránh để xảy ra tình trạng gây bức xúc, thưa kiện kéo dài trong nhân dân…
5. Phối hợp chặt chẽ trong việc hướng dẫn, cấp phép đủ điều kiện cho các chủ đầu tư dự án bán nhà ở, căn hộ chung cư… hình thành trong tương lai và công khai trên Cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng và Hiệp hội BĐS TP.Cần Thơ.
6. Đề nghị các sở, ngành TP.Cần Thơ liên quan và Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng quận, huyện hỗ trợ giúp đỡ chủ đầu tư dự án đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất, tiến độ giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án nhà ở, khu đô thị mới tại quận, huyện. Xem xét gia hạn thời gian thực hiện các dự án bị chậm trễ trong việc triển khai do vướng thủ tục đền bù, giải phóng mặt, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất... mà không phải do lỗi của các chủ đầu tư dự án.
7. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp ban, ngành TP.Cần Thơ, quận, huyện trong việc kiểm tra, giám sát thị trường BĐS thường xuyên, kịp thời. Đặc biệt là kiểm tra tiến độ triển khai các dự án quy mô lớn, góp phần minh bạch hóa thông tin thị trường bất động sản. Tổ chức công bố, công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để các quy hoạch được thực hiện một cách nghiêm túc, đúng quy định pháp luật. Kiểm soát, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, thổi giá dẫn đến tình trạng “sốt đất ảo”.
8. Quy chế quản lý, kiểm tra, giám sát: TP.Cần Thơ quy định chế độ định kỳ 3 tháng/lần Thường trực UBND TP.Cần Thơ làm việc với Hiệp hội BĐS địa phương, chủ đầu tư dự án nhằm nắm bắt thông tin để kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc bức xúc về thủ tục pháp lý, nghĩa vụ tài chính…
9. Xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân: Ưu tiên giao các doanh nghiệp BĐS là Hội viên của Hiệp hội BĐS TP.Cần Thơ có kinh nghiệm, năng lực tài chính; có trách nhiệm đóng góp, tích cực tham gia xây dựng khoảng 20.000 căn hộ, góp phần cùng TP.Cần Thơ hoàn thành mục tiêu đề án của Bộ Xây dựng giao các tỉnh, thành trong cả nước đạt ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, từ nay đến năm 2030.
Để các dự án đầu tư xây dựng khu dân cư trên địa bàn được triển khai nhanh chóng, kịp tiến độ như đã cam kết. Kiến nghị với lãnh đạo TP.Cần Thơ chấp thuận cho chủ đầu tư dự án được thực hiện song song hoàn thiện các thủ tục pháp lý của dự án
Các kiến nghị gởi đến Chính phủ và các bộ ngành:
1. Khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan lĩnh vực bất động sản như: luật Đất đai, luật Đầu tư, luật Nhà ở, luật Kinh doanh BĐS, luật Đấu thầu, luật Xây dựng, luật Quy hoạch đô thị… để đảm bảo đồng bộ thống nhất; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo khung pháp lý, điều kiện để thị trường bất động sản không ngừng phát triển, đồng thời tăng cường quản lý thị trường bất động sản. Đây là giải pháp có tính quyết định để thực hiện mục tiêu phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.
2. Về quyết định giao đất: Điều chỉnh quy định các dự án bất động sản, các cơ quan có thẩm quyền địa phương thực hiện các quyết định giao đất theo từng giai đoạn, tiến độ giải phóng mặt bằng đạt tỷ lệ từ 70% trở lên, nhằm tạo điều kiện cho Chủ đầu tư có thể triển khai theo giai đoạn, đem lại hiệu quả cao nhất cho dự án. Vì theo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi, bổ sung) thì Chủ đầu tư chỉ được giao đất khi hoàn thành việc đền bù, giải phóng mặt bằng 100% diện tích đất là không phù hợp thực tiễn hiện nay, gây ách tắc, chậm tiến độ triển khai dự án BĐS.
3. Hình thành và tạo điều kiện các định chế tài chính phát triển trong nước, nhằm thu hút các nguồn vốn cho thị trường BĐS, điều chỉnh chính sách tín dụng linh hoạt, tạo điều kiện về vốn cho các chủ thể tham gia thị trường BĐS. Trong đó, có cơ chế, chính sách tín dụng linh hoạt, tạo hành lang pháp lý các ngân hàng thương mại có thể huy động được các nguồn vốn trung, dài hạn với lãi suất ổn định, nhằm cung cấp tín dụng kịp thời các doanh nghiệp BĐS thực hiện tốt các nghĩa vụ thuế với nhà nước; các dự án đảm bảo yếu tố pháp lý, được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…
4. Sớm ban hành thống nhất áp dụng trong cả nước “Cẩm nang quy trình chuẩn” về trình tự, thủ tục đầu tư dự án BĐS. Quy định rõ đầu tư dự án bất động sản trong bao lâu – thời gian chấp thuận chủ trương đầu tư; thời gian việc hoàn thành giải phóng mặt bằng, thời gian giao đất, thời gian hoàn thành toàn bộ dự án…
Cùng với những kiến nghị, Hiệp hội BĐS TP.Cần Thơ mong muốn lãnh đạo TP.Cần Thơ, Chính phủ và các Bộ ngành quan tâm xem xét, chỉ đạo sớm tháo gỡ những khó khăn, bức xúc của các dự án bất động sản, nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.