Sau vụ quân khủng bố IS tấn công Paris, Pháp vào tối thứ sáu ngày 13 (13.11) khiến 129 người chết và 352 người bị thương, việc theo đuổi một trật tự ở ở Trung Đông đòi hỏi những nỗ lực lớn của cộng đồng quốc tế, mà người đứng mũi chịu sào không ai khác chính là Mỹ.
Từ sau vụ khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9.11.2001, phản ứng của Mỹ chống Hồi giáo cực đoan gồm 2 giai đoạn.
Trong những năm đầu sau vụ tấn công này, chính quyền Tổng thống Bush xem khủng bố Hồi giáo là một mối đe dọa có thực, là triệu chứng của một sự rối loạn chính trị - kinh tế ở Trung Đông.
Trong giai đoạn này, Washington không chỉ củng cố an ninh nội địa, săn lùng Al-Qaeda và các nhánh của chúng, mà còn cố gắng lật đổ nhà nước tài trợ khủng bố.
Chính quyền ông Bush tính toán rằng Trung Đông lúc ấy, giống như châu Âu và Đông Á sau Thế chiến 2, có thể trở thành một khu vực bình thường.
Nhưng Mỹ đã phải sửa đổi bài toán khi đối mặt với chi phí quá lớn ở Afghanistan và Iraq, cùng các cuộc xung đột tôn giáo ở khu vực này.
Thời Tổng thống Obama, Mỹ duy trì chính sách cứng rắn về an ninh nội địa và chống khủng bố, nhưng chọn cách chuyển hóa khu vực một cách thụ động: rút quân khỏi Iraq, hỗ trợ tối thiểu phe đối lập ở Syria, dẫn đến việc hình thành các phe cánh sau khi lật đổ lãnh tụ Gaddafi ở Libya.
Mỹ để lại khoảng trống quyền lực cho các phe phái bạo lực và cuồng tín trong khu vực tranh giành, đổ xăng vào lửa các xung đột sắc tộc và cho phép quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) chiếm đoạt những vùng đất đai ở Syria và Iraq.
Dù Al-Qaeda ở Iraq bị đánh bại, việc Mỹ không giải quyết những vấn đề ở nước này đã cho phép IS - “con” của Al-Qaeda - nổi lên.
Tại Syria, Mỹ thất bại trong việc ủng hộ các nhóm nổi dậy đòi lật đổ chế độ Tổng thống Bashar Assad. Dựa vào phản ứng thụ động của Mỹ, Iran hỗ trợ chế độ Assad và triển khai các tay súng cực đoan dòng Hồi giáo Shiite như Hezbollah để điều hành cương lĩnh phân biệt tôn giáo.
Nhằm tranh đua với Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Saudi càng tích cực bảo bọc nhánh Hồi giáo Sunni. IS có lợi khi các điều kiện càng trở nên cực đoan. Chúng sử dụng mạng xã hội hiệu quả, trong bối cảnh làn sóng khổng lồ người tỵ nạn Syria, đã khiến IS trở thành một nỗi đe dọa toàn cầu còn hơn cả Al-Qaeda…
Sự chỉnh sửa này nên bắt đầu bằng việc thừa nhận sự hỗn loạn ở Trung Đông mà nguyên nhân là nạn khủng bố, chủ nghĩa cực đoan.
Các biện pháp chiến thuật cứng rắn hơn có thể đánh bại IS, nhưng sự thất bại hoàn toàn của tổ chức khủng bố Hồi giáo đòi hỏi một sự nỗ lực dài hơi, một chiến lược của các cường quốc, các đồng minh khu vực và đối tác bản địa, nhằm bình thường hóa Trung Đông.
Mức độ đòi hỏi nỗ lực này phải ngang tầm cỡ mà Mỹ từng tổ chức để ổn định châu Á và châu Âu suốt thời Chiến tranh lạnh.
Về ngắn hạn, nỗ lực này liên quan 5 bước sau:
-Nỗ lực tăng cường an ninh nội địa Mỹ: Hạn chế người tỵ nạn, nhất là từ các nước không đòi hỏi visa, điều này là cần thiết để chặn IS tuyển quân ở phương Tây.
-Tăng cường đánh IS: Không kích mạnh hơn, tăng thêm quân đặc nhiệm trên bộ, điều phối chặt với các đồng minh khu vực. Người Kurd cần đặc biệt nhận sự hỗ trợ nhiều hơn. Việc lập các vùng an toàn sẽ cho phép Mỹ và đồng minh đào tạo các lực lượng phối hợp và giúp đỡ người chạy loạn.
-Hỗ trợ nhân đạo cho người tỵ nạn: Việc này cùng các biện pháp khác sẽ làm giảm sức ép tỵ nạn ở châu Âu.
-Tập hợp liên minh quân sự để dánh IS: NATO nên vận dụng điều khoản 5 (nước đồng minh bảo vệ nước đồng minh bị tấn công) bởi thách thức này cần sự hợp tác của tất cả các cường quốc.
Một lực lượng liên quân dưới cờ Liên Hợp Quốc, gồm Mỹ, Nga, các cường quốc châu Âu và Trung Quốc cùng các nước liên quan có thể thể hiện tinh thần đoàn kết chống mối đe dọa IS.
Một chiến lược đa phương là cần thiết, để phát triển và gây quỹ cho một chương trình cải tổ chính trị - kinh tế, cùng hỗ trợ các nước trong khu vực vốn ủng hộ sự ổn định và hòa bình.
Hiện tại, triển vọng đạt được một thỏa thuận giữa các cường quốc là điều có thể thực hiện, hơn là giữa các nước trong khu vực với nhau.
Nếu Mỹ - Nga đạt được một công thức có thể chấp thuận cho một sự chuyển giao chính trị ở Syria, trong đó bảo vệ tất cả các cộng đồng, tôn giáo, thì các cường quốc có thể mời các nước trong khu vực, nhất là Ả Rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran vào bàn thương lượng.
Xem ra vào lúc này, các giải pháp hứa hẹn nhất là hệ thống liên bang ở Iraq và Syria, với sự chia sẻ quyền lực ở trung ương, các cộng đồng tự trị, bảo đảm nhân quyền.
Thương lượng về cuộc khủng hoảng bởi IS được tổ chức ở Vienna là sự khởi đầu thuận lợi, nhưng điều kiện tiên quyết cho thương lượng thành công là tính hiệu quả của sự phối hợp giữa Mỹ với Nga.
Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) lập giữa thập niên 1960 đã thể hiện là một tổ chức khu vực ổn định, làm chất xúc tác cho sự hợp tác và hội nhập ở một mức độ mà nhiều nước từng cho rằng là không thể có được.
Ngày nay, ASEAN đang trên đường trở thành một cộng đồng an ninh - kinh tế vững mạnh, phát triển.
Các cuộc thương lượng về Iraq và Syria có thể tạo nên nền tảng cho một diễn đàn đối thoại khu vực mới, để bắt đầu điều hòa tính đối kháng tôn giáo, sắc tộc, bằng sự chấp thuận và hiểu biết.
Theo đuổi một trật tự mới ở Trung Đông sẽ cần một nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, mà gánh nặng này sẽ choàng lên Mỹ.
Vụ tấn công Paris đã làm rõ tại sao không thể bỏ quên những vấn đề cốt tử ở Trung Đông. Nay là lúc Washington cần tranh thủ cơ hội, xây dựng sự ủng hộ cho một tiến trình chuyển hóa khu vực dài hơi.
Vĩnh Thụy (lược dịch)