Meta Platforms bổ nhiệm Joel Kaplan, chính trị gia nổi bật thuộc đảng Cộng hòa, làm Chủ tịch phụ trách đối ngoại toàn cầu, thay thế Nick Clegg.
Sự thay đổi ở nhóm chính sách và truyền thông của Meta Platforms diễn ra trước khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ hôm ngày 20.1 tới. Meta Platforms đang cố gắng hàn gắn rạn nứt với nhà lãnh đạo từng chỉ trích cách tiếp cận của công ty với nội dung chính trị và đe dọa sẽ bỏ tù Gám đốc điều hành Mark Zuckerberg.
Joel Kaplan trước đây báo cáo công việc cho Nick Clegg, người từng là Phó thủ tướng Anh và là lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do.
Kevin Martin, Giám đốc lâu năm ở Meta Platforms có nền tảng chính trị từ đảng Cộng hòa, sẽ đảm nhận vai trò cũ của Joel Kaplan, điều hành chính sách toàn cầu.
"Khi năm mới bắt đầu, tôi nhận ra rằng đây là thời điểm thích hợp để rời vai trò là Chủ tịch phụ trách đối ngoại toàn cầu tại Meta. Joel Kaplan rõ ràng là người phù hợp nhất cho công việc đó vào thời điểm này – lý tưởng để định hình chiến lược của công ty khi những kỳ vọng xã hội và chính trị với công nghệ tiếp tục thay đổi", Nick Clegg cho hay.
Nick Clegg gia nhập Meta Platforms vào năm 2018, đã lãnh đạo các vấn đề như chính sách nội dung và bầu cử, gồm cả việc thành lập ban giám sát độc lập của công ty.
Joel Kaplan gọi sự thay đổi này là "tin buồn vui lẫn lộn" trong bình luận dưới bài đăng trên Facebook của Nick Clegg.
Joel Kaplan từng là phó chánh văn phòng phụ trách chính sách trong chính quyền cựu Tổng thống George W Bush (thuộc đảng Cộng hòa), gia nhập Meta Platforms vào năm 2011. Khi làm việc tại Meta Platforms, Joel Kaplan phải đối mặt với cáo buộc rằng ông rao giảng về sự trung lập chính trị trong khi đề cao chương trình nghị sự bảo thủ, một cáo buộc mà công ty phủ nhận.
Ví dụ, các tài liệu do người tố giác Facebook công bố vào năm 2021 cho thấy một số nhân viên đã cáo buộc Joel Kaplan đưa ra ngoại lệ với các quy tắc nội dung để làm hài lòng các nhân vật chính trị của đảng Cộng hòa.
Nhân viên Meta Platforms từng phản đối khi Joel Kaplan tham dự một phiên điều trần tại Thượng viện vào năm 2018 về cáo buộc tấn công tình dục nhắm vào Brett Kavanaugh, người sau đó được xác nhận làm thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ. Meta Platforms đưa ra tuyên bố thừa nhận "những sai lầm trong việc xử lý sự kiện".
Các doanh nghiệp khắp nơi đã nhanh chóng đảm bảo mối quan hệ thuận lợi với Trump kể từ khi ông chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11.2024. Meta Platforms đã quyên góp 1 triệu USD cho quỹ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Trump, sự thay đổi so với thông lệ trước đây.
Mark Zuckerberg cũng bày tỏ sự hối tiếc về các quyết định nội dung không được lòng phe bảo thủ trong quá khứ và ca ngợi phản ứng của ông Trump sau vụ ám sát hụt hôm 13.7.2024.
Những lời này dường như đã làm giảm căng thẳng trong mối quan hệ giữa ông Trump và Meta Platforms. Trước đó, công ty chọc giận Trump bằng cách cấm ông sử dụng Facebook, Instagram vào năm 2021 sau vụ bạo loạn tại Điện Capitol do những người ủng hộ Trump gây ra vào ngày 6.1.2021. Lúc đó, Mark Zuckerberg cho biết: "Rủi ro nếu cho phép Tổng thống tiếp tục sử dụng dịch vụ của chúng tôi trong thời điểm này là quá lớn". Hai năm sau, công ty đã khôi phục tài khoản Facebook và Instagram của ông Trump.
Ngoài ra, ông Trump từng cáo buộc Meta Platforms ngăn chặn nội dung có thể gây tổn hại cho Biden trong cuộc bầu cử năm 2020 và chỉ trích các khoản quyên góp của Mark Zuckerberg để củng cố cơ sở hạ tầng bầu cử.
Mark Zuckerberg chuẩn bị cho Meta Platforms hoạt động dưới chính quyền Trump thứ hai
Có một số cách diễn giải về sự thay đổi nhân sự ở cấp cao nhất của Meta Platforms khi Joel Kaplan thay Nick Clegg. Joel Kaplan đã dành nhiều thời gian hơn tại Meta Platforms và có mối quan hệ sâu rộng với đảng Cộng hòa – vốn sẽ nắm quyền kiểm soát Nhà Trắng cuối tháng 1 này.
Nick Clegg đến Meta Platforms vào năm 2018, khi công ty này còn được gọi là Facebook và đang choáng váng vì những cáo buộc rằng bị Nga cùng những thế lực xấu khác lợi dụng để tác động đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Nick Clegg phải đối mặt với các nhà làm luật Mỹ giận dữ (công ty đã phải trả khoản phạt 5 tỉ USD liên quan đến vụ bê bối Cambridge Analytica) nhưng một phần lý do ông được tuyển dụng là để giúp Mark Zuckerberg điều hướng các quy định khắt khe tại châu Âu, nơi các cơ quan quản lý thường cứng rắn hơn so với Mỹ trong việc xử lý hãng công nghệ lớn.
Giờ đây, Mark Zuckerberg sẽ phải dành nhiều thời gian để cố gắng làm hài lòng hoặc ít nhất là không khiến Donald Trump và các đồng minh của ông tức giận.
Có thể thấy sự thừa nhận ngầm của Mark Zuckerberg về thực tế mới này trong chuyến thăm sau cuộc bầu cử đến khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump và khoản đóng góp 1 triệu USD cho lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ đắc cử.
Mar-a-Lago là khu nghỉ dưỡng và câu lạc bộ tư nhân nằm ở Palm Beach, bang Florida, Mỹ. Nơi này được xây dựng vào những năm 1920 bởi nữ doanh nhân giàu có Marjorie Merriweather Post và ông Donald Trump mua lại năm 1985. Mar-a-Lago vừa là nơi ở cá nhân của ông Trump vừa là câu lạc bộ thành viên dành cho giới thượng lưu. Sau khi kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ vào tháng 1.2021, ông Trump thường xuyên cư trú ở Mar-a-Lago. Đây cũng là nơi tổ chức các sự kiện lớn và cuộc gặp gỡ quan trọng của ông Trump.
Joel Kaplan dường như là lựa chọn nội bộ phù hợp nếu Meta Platforms muốn làm hài lòng đảng Cộng hòa. Ông dành nhiều năm làm việc cho chính quyền George W. Bush và là cầu nối giữa Meta Platforms với các chính trị gia và nhân vật bảo thủ trong một thời gian dài.
Quan trọng hơn, Joel Kaplan đã làm việc tại công ty từ năm 2011 và được Mark Zuckerberg tin tưởng.
Một dấu hiệu khác cho thấy vị thế nội bộ của Joel Kaplan là ông có một vai diễn trên sân khấu tại tiệc sinh nhật Mark Zuckerberg lần thứ 40.
Song đừng suy diễn quá nhiều về việc Joel Kaplan thăng chức và sự ra đi của Nick Clegg.
Meta Platforms đang phải đấu tranh với một vụ kiện chống độc quyền liên bang do chính quyền Trump thứ nhất đệ đơn. Vụ kiện này khó có thể kết thúc bất kể ai là người đứng đầu chính sách toàn cầu. Việc điều hướng các quy định tại châu Âu sẽ tiếp tục là điều quan trọng với Meta Platforms. Hơn nữa, Nick Clegg đã thảo luận về việc rời khỏi Meta Platforms từ rất lâu trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hôm 5.11.2024, theo một người quen thuộc với các cuộc trò chuyện của ông.
Song đây cũng là trường hợp mà một trong những công ty lớn nhất thế giới đang chuẩn bị cho nhiều năm hoạt động dưới thời chính quyền Trump thứ hai. Có lẽ đó là cách mà cả Mark Zuckerberg lẫn ông Trump đều mong muốn.
Trước đó, Mark Zuckerberg tuyên bố không ủng hộ bất kỳ ứng cử viên nào trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 7.2024, tỷ phú 40 tuổi người Mỹ cho rằng phản ứng mạnh mẽ của ông Trump sau khi bị ám sát hụt tại cuộc vận động ở bang Pennsylvania (Mỹ) hôm 13.7 là "rất ấn tượng".
Tháng 11.2024, Mark Zuckerberg đã đến thăm Tổng thống đắc cử Trump tại khu nghỉ dưỡng của ông ở Mar-a-Lago để dùng bữa tối Lễ Tạ ơn.
Ông Trump đã chọn Elon Musk và doanh nhân Vivek Ramaswamy lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ, nơi đề xuất việc tinh gọn bộ máy chính phủ để giảm thâm hụt ngân sách. Elon Musk đã có ảnh hưởng trong các cuộc thảo luận chính sách với ông Trump và có vẻ Mark Zuckerberg cũng muốn tham gia.
"Mark rất muốn đóng vai trò tích cực trong các cuộc tranh luận mà bất kỳ chính quyền nào cũng cần có về việc duy trì vị thế dẫn đầu của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ và đặc biệt là vai trò then chốt của trí tuệ nhân tạo (AI)", Nick Clegg nói với các nhà báo đầu tháng 12.2024, theo trang The Verge.
Nick Clegg từ chối tiết lộ chi tiết về các cuộc thảo luận, nhưng cho biết "những cuộc trò chuyện ở giai đoạn này rõ ràng vẫn ở mức khá chung chung".