ĐB Nguyễn Thiện Nhân cho rằng năm 2022, tổng vốn đầu tư công không được sử dụng là gần 130.000 tỉ. Nếu sử dụng phần ngân sách này để cắt lỗ do phương pháp điều tiết giá của Nhà nước gây ra thì EVN sẽ chuyển sang một giai đoạn phát triển mới.

Đề nghị chuyển 130.000 tỉ đầu tư công chưa sử dụng sang “cắt lỗ” cho EVN

Hoài Lam | 24/05/2023, 05:00

ĐB Nguyễn Thiện Nhân cho rằng năm 2022, tổng vốn đầu tư công không được sử dụng là gần 130.000 tỉ. Nếu sử dụng phần ngân sách này để cắt lỗ do phương pháp điều tiết giá của Nhà nước gây ra thì EVN sẽ chuyển sang một giai đoạn phát triển mới.

Thiếu nguồn lực tài chính công hoặc dự trữ hàng hóa để điều tiết giá

Thảo luận về Luật Giá (sửa đổi) tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TP.HCM) cho rằng, theo lý luận về kinh tế vi mô từ hơn 100 năm nay, giá thị trường hàng hóa, dịch vụ được hình thành trên cơ sở cân bằng cung cầu hàng hóa, dịch vụ trong điều kiện cạnh tranh sẽ đem lại hài hòa 4 loại lợi ích: Lợi ích của đất nước, lợi ích của người tiêu dùng, người mua, lợi ích của doanh nghiệp, người bán và lợi ích của Chính phủ qua thu thuế.

“Điều này tạo động lực cho phát triển kinh tế đất nước và phát triển doanh nghiệp mà không cần sự can thiệp của Nhà nước, không cần ai ra lệnh cho các doanh nghiệp phải sản xuất cái gì, sản xuất bao nhiêu và bán với giá nào”, ông Nhân nói.

Theo ông Nhân, ở các nước, việc cung cấp điện cho người dân và doanh nghiệp theo cơ chế thị trường. Năm 2022 khi giá dầu, giá than, giá khí tăng làm cho chi phí sản xuất, cung cấp điện tăng, để người tiêu dùng và doanh nghiệp vẫn có thể sử dụng điện ở mức cần thiết mà không phải trả thêm tiền điện quá khả năng chi trả thì có 2 cách giải quyết.

Một, như ở Nhật Bản cứ 1kW điện tiêu dùng hộ gia đình Chính phủ trả 7 Yen, còn lại gia đình phải trả, qua đó giảm 20% hóa đơn tiền điện các hộ phải thanh toán theo giá điện cao hơn của các công ty điện.

Hai, như ở Pháp các công ty điện tăng giá điện khi giá dầu, giá khí đốt tăng, song mức giá thực tế giảm 4% năm 2022 và 15% năm 2023 so với mức giá các công ty sản xuất hiện đề xuất, vì Chính phủ Pháp trợ cấp cho các doanh nghiệp điện 49 tỉ USD từ ngân sách.

qh-2.jpg
ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân (TP.HCM)

“Tức là khi Chính phủ muốn công ty điện bán điện với giá thấp hơn giá thị trường theo quan hệ cung cầu điện, khi chi phí sản xuất tăng thì Nhà nước phải hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất điện để họ không bị lỗ, có lợi nhuận tối thiểu, duy trì sản xuất bình thường, bền vững”, ông Nhân nói.

Tuy nhiên, ông Nhân cho hay, Luật Giá 2012 của Việt Nam và dự thảo Luật Giá 2023 đều không có nguyên tắc điều tiết giá của Nhà nước là Nhà nước phải có nguồn lực tài chính công hoặc dự trữ hàng hóa để điều tiết giá. Trong trường hợp Nhà nước điều tiết giá điện ở Việt Nam, chỉ có một giải pháp là bằng mệnh lệnh hành chính, Nhà nước quy định giá điện qua Bộ Công Thương và Chính phủ.

“Nếu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thấy cần tăng giá điện trên 3%, không có nguồn ngân sách nào được chuẩn bị để hỗ trợ Tập đoàn Điện lực khi họ bị lỗ vì không được tăng giá điện, trong khi giá đầu vào là giá dầu, giá khí, giá than tăng rất mạnh. Tức là chúng ta điều tiết giá điện bằng mệnh lệnh hành chính chứ không chi một đồng nào”, ông Nhân dẫn ví dụ.

Kết quả là năm 2021, EVN lỗ trong sản xuất, bán điện 981 tỉ; năm 2022 là 36.294 tỉ và năm 2023 dự kiến lỗ 63.620 tỉ, dù từ tháng 5.2023 giá bán điện bình quân tăng 3%. Tổng lỗ sản xuất điện 3 năm 2021-2023 dự kiến khoảng hơn 100.000 tỉ, bằng 49% vốn điều lệ 205.390 tỉ của EVN. Nếu tính đến thu nhập của tập đoàn qua các hoạt động không sản xuất kinh doanh điện và hơn 10.000 tỉ thì tổng lỗ giảm còn hơn 90.000 tỉ, tức bằng 44% vốn điều lệ của tập đoàn.

Ngoài ra, tập đoàn đang nợ khách hàng của mình 19.700 tỉ đồng đến hạn phải trả nhưng không có tiền để trả. Một doanh nghiệp mất 44% vốn điều lệ không thanh toán được gần 20.000 tỉ đồng cho khách hàng sẽ gặp hai khó khăn đe dọa sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Chuyển 130.000 tỉ vốn đầu tư công không sử dụng để “cắt lỗ”?

Ông Nhân cho rằng điều này khiến doanh nghiệp không có tiền để duy tu, thay thế các thiết bị, máy móc vì không thu được khấu hao, do đó năng lực sản xuất sẽ giảm. Ngoài ra, doanh nghiệp rất khó vay các ngân hàng để có tiền trả nợ cho khách hàng và đầu tư mới.

Đến năm 2024 nếu giá điện không tăng thì dự báo tổng lỗ tích lũy qua 4 năm sẽ khoảng từ 112.000-144.000 tỉ, tức là mất 54-70% vốn điều lệ của tập đoàn. Còn nếu giá điện tăng 3% năm 2024 thì dự kiến lỗ từ 94.000-126.000 tỉ đồng, tức là mất 46-61% vốn chủ sở hữu.

Đầu tháng 5,2023, Chính phủ đã chỉ đạo EVN xây dựng đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025, yêu cầu tập đoàn phải trở thành một tập đoàn mạnh trong lĩnh vực năng lượng, kinh doanh hiệu quả, bền vững, bảo tồn và phát triển nguồn vốn của Nhà nước.

Tuy nhiên, theo ông Nhân, nếu Luật giá 2013 được thông qua với các nguyên tắc điều tiết giá của Nhà nước như dự thảo thì năm 2024, EVN với lỗ dự kiến khoảng 94.000 đến 126.000 tỉ, mất khoảng 46% đến 60% vốn chủ sở hữu sẽ không thể hết lỗ trong năm 2025, không thể là một tập đoàn mạnh và phát triển bền vững như Chính phủ yêu cầu.

“Năm 2022, GDP của Pháp là 3.128 tỉ USD. Số chi ngân sách hỗ trợ các công ty điện là 49 tỉ đô để họ không tăng giá điện nhiều khi chi đầu vào lại tăng mạnh, tức là Chính phủ Pháp chi hỗ trợ bằng 1,5% GDP. Cuối năm 2024, lỗ của EVN dự báo khoảng 128.000 tỉ, bằng 1,4% GDP của Việt Nam. Như vậy, tình thế của các doanh nghiệp điện ở Pháp và Việt Nam rất tương đồng”, ông Nhân nêu.

ha-2.jpg
Quốc hội thảo luận Luật Giá (sửa đổi)

Theo ông Nhân, năm 2022, tổng vốn đầu tư công không được sử dụng là gần 130.000 tỉ. Nếu sử dụng phần ngân sách này đã được Quốc hội phê duyệt nhưng không được sử dụng để cắt lỗ do phương pháp điều tiết giá của Nhà nước gây ra thì EVN sẽ chuyển sang một giai đoạn phát triển mới.

“Vì vậy, tôi thiết tha đề nghị bổ sung một nguyên tắc quản lý điều tiết giá của Nhà nước vào dự thảo Luật Giá 2023 là Nhà nước phải có nguồn lực tài chính công và dự trữ hàng hóa phù hợp với điều tiết giá để EVN - doanh nghiệp nhà nước quan trọng nhất ngành điện năm 2024 sẽ không tiến tới trạng thái sắp phá sản mà phải phát triển bền vững”, ông Nhân nói.

Dự thảo luật quy định danh mục 10 loại hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá nhưng không thấy có giá điện. Giá điện được quy định tại danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá. Trong khi đây là hàng hóa, dịch vụ quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp, tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân. Thực tế giá thay đổi thường xuyên theo hướng chỉ tăng mà không giảm, nhưng tăng giá điện vẫn chưa đủ bù đắp chi phí, dẫn tới ngành điện lỗ lớn, gây mất cân đối dòng tiền, kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Vì lẽ này, mặt hàng điện cần được cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện giải pháp ổn định giá và đưa vào danh mục bình ổn giá".

ĐBQH Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái)

Hiện nay Nhà nước đã định giá điện nhưng Nhà nước vẫn còn bao cấp. Vậy tại sao chúng ta không đưa vào quỹ bình ổn giá như bình ổn giá xăng, dầu đối với điện mà chúng ta loại ra mà chỉ để nhà nước định giá? Hiện nay tất cả 100% người dân đều tiêu thụ điện, đều phải trả tiền điện, nhưng xăng, dầu thì còn có người không sử dụng. Tôi đề nghị Quốc hội xem xét đưa ngành điện trở lại quỹ bình ổn giá cho người dân. Tôi nghĩ nếu đưa vào quỹ bình ổn giá đối với người dân, người dân rất hoan nghênh".

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
13 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề nghị chuyển 130.000 tỉ đầu tư công chưa sử dụng sang “cắt lỗ” cho EVN