VCCI vừa có văn bản góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính của Ngân hàng Nhà nước.

Đề nghị Ngân hàng Nhà nước lập chuyên trang về hoạt động cho vay tiêu dùng

25/04/2019, 12:19

VCCI vừa có văn bản góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính của Ngân hàng Nhà nước.

VCCI góp ý về hoạt động cho vay tiêu dùng - Ảnh: Internet

Theo VCCI, nếu buông lỏng quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính thì có thể gây ra những hậu quả tiêu cực như lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm, đòi nợ bằng các biện pháp không phù hợp, mất an ninh trật tự… Nhưng nếu siết quá chặt lại làm việc cung cấp và sử dụng dịch vụ này trở nên quá khó khăn, chi phí cao, thúc đẩy hoạt động ngầm của thị trường, tạo cơ hội cho các cá nhân, tổ chức cho vay không có giấy phép phát triển và có thể gây hậu quả xã hội lớn hơn.

Dự thảo hạn chế giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay thông qua 2 quy định: (1) chỉ giải ngân trực tiếp khi khách hàng có lịch sử tín dụng tốt và (2) tổng dư nợ giải ngân trực tiếp không quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng.

Theo VCCI, quy định này sẽ có tác dụng trực tiếp hạn chế các khoản nợ xấu cho các tổ chức tín dụng, giúp bảo đảm thanh khoản và an toàn tài chính.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ tình hình nợ xấu cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính ở mức độ nào, đã có trường hợp công ty tài chính nào mất thanh khoản vì lý do cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp quá mức hay chưa? Kể cả trong trường hợp đã có công ty tài chính mất thanh khoản vì cho vay tiêu dùng thì liệu có cần thiết phải áp dụng biện pháp này không khi nó sẽ làm tăng chi phí kinh doanh của các công ty tài chính, khiến cho việc tiếp cận tín dụng tiêu dùng trở nên đắt đỏ và khó khăn hơn.

Cần lưu ý rằng, cùng là hoạt động cấp tín dụng nhưng mục tiêu quản lý các ngân hàng khác so với mục tiêu quản lý các công ty tài chính. Đối với các ngân hàng, do huy động tiền gửi từ cá nhân, nên việc bảo đảm thanh khoản, bảo đảm an ninh tài chính - tiền tệ là mục tiêu quan trọng.

Do đó, việc áp dụng các quy định để chống nợ xấu trong hoạt động cấp tín dụng là rất cần thiết. Đối với các công ty tài chính thì mục tiêu quản lý theo VCCI là cần hướng vào việc chống gian lận, lừa đảo, mất an ninh trật tự.

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc về việc đưa ra chính sách hạn chế giải ngân trực tiếp, cần giải trình rõ hơn về sự cần thiết của quy định này trong bối cảnh đẩy lùi tín dụng đen, đặc biệt là vấn đề thực trạng nợ xấu và tính thanh khoản của các công ty tài chính.

Cùng với đó là không áp dụng Điều 4a.3 về lịch sử tín dụng đối với khách hàng vay trong lần đầu tiên vì lúc này chưa có lịch sử tín dụng để tra cứu; đưa ra thời gian chuyển tiếp để các công ty tài chính tiến hành phân loại khoản vay và giảm dần các khoản vay giải ngân trực tiếp về mức 30% tổng dư nợ tín dụng.

Mặc dù Điều 10.4 và Điều 10.5 của Thông tư 43 đã có quy định yêu cầu công ty tài chính phải cung cấp dự thảo hợp đồng cho khách hàng trước khi ký, giải thích chính xác, đầy đủ, trung thực nội dung hợp đồng… Tuy nhiên, trên thực tế, có trường hợp công ty tài chính, nhân viên công tài chính không thực hiện đầy đủ quy định này.

“Pháp luật cũng không có quy định về chế tài hay hệ quả pháp lý bất lợi nào cho các công ty tài chính khi không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trên. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung các quy định chặt chẽ hơn về nghĩa vụ cung cấp thông tin của công ty tài chính cho khách hàng”, VCCI nhận định.

VCCI cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần ban hành một văn bản “Những điều cần biết trước khi vay tiêu dùng” với dung lượng ngắn gọn (trong một trang giấy). Văn bản này gồm các nội dung: tóm tắt những quyền và nghĩa vụ cơ bản của khách hàng vay tiêu dùng theo quy định của pháp luật, website của NHNN cung cấp thông tin về cho vay tiêu dùng .

Khi giao kết hợp đồng vay tiêu dùng, công ty tài chính phải cung cấp cho khách hàng hai bản sao của văn bản trên, một bản khách hàng giữ (có chữ ký của nhân viên giao dịch) và một bản công ty tài chính giữ (có chữ ký của khách hàng).

Trường hợp có tranh chấp, nếu công ty tài chính không xuất trình được bản sao “Những điều cần biết trước khi vay tiêu dùng” theo mẫu của NHNN và có chữ ký của khách hàng thì không được hưởng lãi suất của khoản vay.

Ngoài thông tin do công ty tài chính cung cấp, khách hàng vay cần được cung cấp thông tin từ Ngân hàng Nhà nước. Hiện nay, website của Ngân hàng Nhà nước đã công bố danh sách các công ty tài chính được cấp phép định kỳ 6 tháng một lần. Việc đăng tải thông tin về các công ty tài chính được cấp phép là rất cần thiết để cung cấp thông tin cho người vay tiền.

Đáng chú ý, VCCI đề nghị Ngân hàng Nhà nước lập chuyên trang về hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính, trang thông tin điện tử này sẽ gồm những thông tin như: danh sách các công ty tài chính cho vay tiêu dùng được cấp phép; điểm giới thiệu dịch vụ cùng thông tin liên lạc của các công ty tài chính; quy định nội bộ cho vay tiêu dùng mà công ty tài chính đã gửi cho NHNN; khung lãi suất; văn bản những điều cần biết…

Lam Thanh

Bài liên quan
Kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy VCCI và ông Phạm Tấn Công
Ủy ban Kiểm tra Trung ương ngày 11 - 13.11 đã họp kỳ thứ 50. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú chủ trì.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề nghị Ngân hàng Nhà nước lập chuyên trang về hoạt động cho vay tiêu dùng