Công tố viên vừa đề nghị hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Phạm Công Danh về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" trong đại án 6.126 tỉ đồng.
Ngày 30.7, phiên tòa sơ thẩm vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (viết tắt VNCB, nay là Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam - viết tắt CBBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (SacomBank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chuyển sang phần tranh luận.
Mở đầu phần tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM giữ quyền công tố tại phiên tòa đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo. Theo công tố viên, qua các hồ sơ, chứng cứ cũng như qua phần thẩm vấn tại phiên tòa cho thấy bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị VNCB, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) đã thực hiện hàng loạt hành vi phạm tội, lôi kéo nhiều bị cáo khác là lãnh đạo, cán bộ, nhân viên một số ngân hàng và công ty cùng tham gia.
Bị cáo Phạm Công Danh và các đồng phạm đã dùng tiền của VNCB gửi tại các ngân hàng khác để bảo lãnh cho 29 công ty vay vốn tại các ngân hàng. Bị cáo đã trực tiếp gặp lãnh đạo các ngân hàng Sacombank, BIDV và thông qua Nguyễn Việt Hà (Tổng Giám đốc Công ty CP quản lý Quỹ Lộc Việt) móc nối với lãnh đạo TPBank để thỏa thuận kinh doanh vật liệu theo mô hình mua nhà, lập khống nhiều hợp đồng mua bán trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh, Công ty Trung Dung để hoàn thành hợp đồng vay tiền của các ngân hàng. Hành vi này gây thiệt hại 6.126 tỉđồng cho VNCB.
Bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc VNCB) đóng vai trò giúp sức tích cực cho bị cáo Phạm Công Danh. Theo sự chỉ đạo, bị cáo Mai và các bị cáo khác đã lập khống các hồ sơ, giấy tờ để thực hiện hành vi vay tiền tại các ngân hàng. Bị cáo đã ký lệnh điều chuyển tiền, ký lệnh lấy hơn 6.126 tỉđồng của VNCB gửi các ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank bảo lãnh cho 29 lượt công ty vay vốn của các ngân hàng này, gây thiệt hại cho VNCB.
Bị cáo Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT, Chủ tịch HĐTD SacomBank) biết bị cáo Danh cần tiền sử dụng nhưng không thể vay tiền trực tiếp tại VNCB được nên đã bàn bạc thống nhất cho Danh vay tiền, với điều kiện là phải có tài sản bảo đảm là bất động sản hoặc tiền gửi VNCB.
Trầm Bê đã đưa Danh gặp bị cáo Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Sacombank) để trao đổi về việc Danh vay tiền. Sau đó, bị cáo Trầm Bê thống nhất với bị cáo Khang cho Danh vay 1.800 tỉđồng. Bị cáo Trầm Bê và các nhân viên của Sacombank đã không thẩm định, không kiểm tra các hồ sơ vay vốn. Sau khi cho vay đã bỏ mặc cho Danh sử dụng tiền vay trái quy định; khi cho vay đã tính trước khoản lãi vay của 12 tháng để yêu cầu VNCB dùng tiền gửi bảo lãnh và hết hạn cho vay đã tự thu hồi tiền vay thông qua tiền gửi, gây thiệt hại cho VNCB 1.835 tỉđồng. Hành vi của bị cáo Trầm Bê, bị cáo Khang và các nhân viên của Sacombank đã tạo điều kiện để bị cáo Danh có được tiền, sử dụng trái phép, gây thiệt hại cho VNCB.
Bị cáo Đinh Việt Cường (nguyên Giám đốc khối KHDN TPBank) đã có hành vi thống nhất với bị cáo Đặng Thị Bích Thủy (nguyên Phó Giám đốc khối KHDN, Giám đốc Trung tâm kinh doanh Hội sở TPBank) cho 11 công ty vay tiền, đảm bảo bằng tiền gửi của VNCB tại TPBank đầu tư trái phiếu không có giá trị để kinh doanh của Công ty Thiên Thanh và Công ty Trung Dung; đồng thời quyết định trực tiếp cho 3/11 công ty vay tổng số tiền 450 tỉđồng để mua trái phiếu không có giá trị.
Bị cáo Cường cũng đã quyết định cho vay tiền khi chưa thẩm định nguồn vốn tự có và nguồn trả nợ; cho vay khi không có đủ hồ sơ, tài liệu để xem xét, đánh giá khả năng tài chính nhằmxác định tính khả thi, hiệu quả của phương án vay vốn và khả năng hoàn trả nợ vay của khách hàng...
Bị cáo Đặng Thị Bích Thủy đã cùng bị cáo Đinh Việt Cường thỏa thuận, thống nhất với bị cáo Nguyễn Việt Hà cho các công ty vay vốn tại TPBank đầu tư trái phiếu Công ty Thiên Thanh và Công ty Trung Dung. Bị cáo đã chỉ đạo nhân viên TPBank phối hợp với Công ty CP quản lý Quỹ Lộc Việt cung cấp thông tin về khách hàng để VNCB làm các thủ tục dùng tiền gửi tại TPBank để cho các công ty vay tiền bảo lãnh và dự thảo các hợp đồng mua bán trái phiếu.
Cũng như bị cáo Cường, bị cáo Thủy đã cho vay tiền khi chưa thẩm định nguồn vốn tự có và nguồn trả nợ; cho vay khi không có đủ hồ sơ, tài liệu để xem xét, đánh giá khả năng tài chính để xác định tính khả thi, hiệu quả của phương án vay vốn và khả năng hoàn trả nợ vay của khách hàng...
- Bị cáo Phạm Công Danh mức án 20 năm tù, tổng hợp với bản án phúc thẩm vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn 1 đã có hiệu lực pháp luật thành 30 năm tù.
- Bị cáo Phan Thành Mai từ 12 đến 14 năm tù, tổng hợp với bản án phúc thẩm vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn 1 đã có hiệu lực pháp luật thành 30 năm tù.
- Bị cáo Mai Hữu Khương (nguyên thành viên HĐQT, nguyên Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) từ 10 đến 12 năm tù, tổng hợp với bản án phúc thẩm vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn 1 đã có hiệu lực pháp luật thành 30 năm tù.
- Bị cáo Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó Giám đốc phụ trách VNCB chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB chi nhánh Lam Giang) từ 2 đến 3 năm tù, tổng hợp với bản án phúc thẩm vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn 1 đã có hiệu lực pháp luật thành từ 21 đến 22 năm tù.
- Bị cáo Nguyễn Việt Hà từ 6 đến 7 năm tù.
- Bị cáo Trầm Bê từ 4 đến 5 năm tù.
- Bị cáo Phan Huy Khang từ 3 đến 4 năm tù.
- Bị cáo Đặng Thị Bích Thủy từ 5 đến 6 năm tù.
- Bị cáo Đinh Việt Cường từ 5 đến 6 năm tù.
- 37 bị cáo đồng phạm khác từ 2 đến 7 năm tù, trong đó có một số bị cáo được đề nghị cho hưởng án treo.
Về việc thu hồi tài sản để khắc phục hậu quả vụ án, công tố viên giữ nguyên quan điểm của viện kiểm sát, tiếp tục đề nghị hội đồng xét xử tuyên thu hồi hơn 6.126 tỉđồng từ ba ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV để trả cho CBBank. Đề nghị trên xuất phát từ quan điểm 3 ngân hàng này đã cho vay sai quy định, gây thiệt hại cho VNCB, nay là CBBank. Bị cáo Danh có trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền này cho Sacombank, TPBank, BIDV.
Theo Ái Chân/SGGP