Năm nay dự đoán điểm thi cao và với việc xét tuyển hơn 70% chỉ tiêu ngay trong nguyện vọng (NV) 1, nếu không trúng tuyển ngay từ đầu, cơ hội ngày càng khó cho thí sinh (TS; ở các NV sau. Diễn ra ngay sau khi công bố điểm thi, buổi tư vấn trực tuyến truyền hình với chủ đề “Chọn trường xét tuyển” do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức chiều 22.7 đã cung cấp cho thí sinh nhiều thông tin trước khi bước vào giai đoạn xét tuyển.
Bốn nguyện vọng xét bình đẳng
Ngaỵ đầu chương trình, PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, giải đáp câu hỏi rất thời sự về ngưỡng xét tuyển đầu vào năm 2015. Theo ông Nghĩa, năm nay có rất nhiều tổ hợp xét tuyển khác nhau, trên cơ sở phân tích dữ liệu điểm thi toàn quốc, Bộ sẽ công bố mức điểm tối thiểu để TS được nộp hồ sơ xét tuyển. Đáng lưu ý, dù đủ tổng điểm theo quy định tối thiểu nhưng có môn thi bị điểm liệt (từ 1 điểm trở xuống) TS sẽ không được quyền nộp hồ sơ xét tuyển.
Ông Nghĩa lưu ý, điểm khác biệt trong quy trình xét tuyển năm nay là TS bắt đầu chọn trường và ngành xét tuyển sau khi biết kết quả thi từ ngày 1.8. Sau khi công bố kết quả thi, cụm thi sẽ in giấy chứng nhận kết quả thi chuyển về điểm đăng ký dự thi để thực hiện xét tuyển. Mỗi TS có 4 giấy chứng nhận kết quả thi, trong đó chỉ 1 giấy xét NV1.
Riêng NV1, ông Nghĩa nói, TS chỉ nộp vào 1 trường và đăng ký tối đa 4 ngành theo thứ tự ưu tiên. Trong 20 ngày từ 1 đến 20.8, TS có quyền rút hồ sơ để điều chỉnh NV đã nộp. Cũng theo quy định, Bộ yêu cầu 3 ngày 1 lần các trường phải công bố danh sách TS xét tuyển theo thứ tự điểm số để TS tham khảo.
Bốn NV trong đợt 1 xét bình đẳng, nếu rớt NV1 mà chuyển xuống ngành NV2, TS vẫn sẽ được xét bình đẳng với TS nộp vào ngành này theo NV1. Như vậy, càng có điểm cao, TS càng có nhiều cơ hội trúng tuyển.
TS cần lưu ý nếu đã trúng tuyển một ngành sẽ không được tham gia xét ngành tiếp theo. Còn khi xét tuyển bổ sung, TS được nhận 3 giấy chứng nhận kết quả thi để nộp cùng lúc và một trường được tối đa 4 ngành, có nghĩa sẽ có tối đa 12 NV. Tuy nhiên, ở đợt bổ sung này nếu đã nộp hồ sơ, TS không được rút ra để nộp lại trong thời gian xét tuyển.
Xét tuyển bằng tổ hợp môn có điểm
Tham dự chương trình, một phụ huynh đến từ Q.Bình Thạnh (TP.HCM) nêu câu hỏi cũng là tâm tư của nhiều bạn đọc: “TS có được phép và nên nộp 2 tổ hợp môn vào cùng một ngành trong một trường không?” Ông Trán Van Nghĩa giải đáp: “Điều này quy chế tuyển sinh cho phép và không phải vấn đề đáng lo. Vì sau khi công bố điểm, các trường phải công khai cách xác định điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp trong cùng một ngành trên website trường”. Từ đó ông Nghĩa cho rằng, TS chỉ cần xét tuyển bằng tổ hợp có điểm cao nhất.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc giaTP.HCM, tư vấn thêm: “Việc chọn tổ hợp môn nào không thể để mặc cho may rủi mà cần có tính toán và chiến lược nhất định. Điều này cần dựa trên phổ điểm chung của TS cả nước mà Bộ sẽ công bố trong thời gian sắp tới”
Trước thắc mắc về việc có thể xem điểm thi của TS khác cùng nộp vào một ngành, ông Nghĩa cảnh báo: “Hoàn toàn có thể được, vì Bộ quy định 3 ngày 1 lần các trường phải công bố danh sách TS xét tuyển lên website. Tuy nhiên, TS chỉ nên xem đây là thông tin tham khảo vì lượng TS nộp vào và rút ra thay đổi liên tục và ai cũng có tâm lý chờ đến cuối cùng. Việc rút ra nộp vào có thể sẽ mất thời gian, nếu đến cuối cùng mới nộp thì coi chừng sẽ mất cơ hội. Vì vậy, ông Trần Vân Nghĩa khuyên TS nên cân nhắc dựa trên điểm thi của mình, tham khảo với điểm chuẩn các năm trước. Bởi lẽ, ngành nào điểm trúng tuyển các năm cao thi năm nay sẽ tiếp tục cao và ngược lại.
Còn tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng: “Chiến lược chờ chỉ xảy ra với các TS không cao. Cũng cần lưu ý, nếu cư trú xa với trường ĐH nộp xét tuyển thì việc rút hồ sơ để nộp vào cũng không đơn giản”.
Nhiều cơ hội cho thí sinh tại cụm địa phương
Cũng tại buổi tư vấn, một phụ huynh ở Q.8 băn khoăn. Với những trường vừa xét kết quả kỳ thi THPT quốc gia vừa xét tuyển học bạ THPT, có thể chọn nộp cùng lúc theo 2 phương thức này không? ông Trần Văn Nghĩa cho biết quy chế không ngăn cản việc này. Trên thực tế, nhiều trường ĐH cho biết đã và sẽ tiếp nhận hồ sơ xét tuyển theo cả 2 hình thức này gồm: Công nghệ TP.HCM Lạc Hổng, Văn Hiến và Kinh tế tài chính TP.HCM.
Bằng hình thức xét tuyển học bạ THPT quốc gia, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM sẽ nhận hồ sơ xét tuyển của cả TS thi cụm địa phương nếu đã tốt nghiệp THPT. Đặc biệt thạc sĩ Nguyễn Quoc Anh, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường DDH Công nghệ Tp.HCM, nhấn mạnh năm nay trường tuyển sinh 2 ngành mới: Đông phương học và thiết kế đồ họa.
Còn Trường ĐH Lạc Hồng cho biết sẽ dành 50% chỉ tiêu xét tuyển TS dự thi cụm thi do trường ĐH chủ trì và 50% chỉ tiêu dành cho TS dự thi tại cụm thi địa phương. TS dự thi cụm thi liên tỉnh sẽ xét bằng mức sàn của Bộ. Còn xét tuyển học bạ chỉ xét tuyển điểm trung bình của 2 học kỳ lớp 12 với mức 6.0 vào ĐH và 5.5 vào CĐ.
Trường ĐH Văn Hiến xét tuyển 3 học kỳ (2 học kỳ lớp 11 và 1 học kỳ lớp 12) với hình thức xét tuyển học bạ THPT. Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM cũng xét tuyển theo 2 hình thức trên.
Trả lời về nghẽn mạng xem điểm thi
Buổị trực tuyến xét tuyển diễn ra trong thời điểm Bộ GD-ĐT chính thức công bố điểm thi nên thí sinh và phụ huynh theo dõi trên Thanh Niên Online. Khoảng 15 giờ 30, rất nhiều phụ huynh và thí sinh đề nghị giải đáp ngay chuyện vẫn chưa tra cứu điểm thi được trên website của Bộ.
Trả lời cho thắc mắc này, PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT cho biết: "Thí sinh tại cụm thi nào thì nên truy cập vào cổng thông tin của trường tổ chức cụm thi đó, như vậy sẽ dễ dàng hơn là cùng tập trung vào một cổng thông tin của Bộ. Ngay sau đó, tình hình đã "dễ thở" hơn rất nhiều vì thí sinh đã tra cứu được điểm thi của mình tại các cụm thi.(Đăng Nguyên)
Hà Ánh / Thanh Niên