Những thay đổi liên quan đề thi tốt nghiệp đã được thảo luận tại hội thảo công tác chuẩn bị đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 do Bộ GD-ĐT tổ chức chiều 11.3.
Giáo dục

Đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ có tính mở

Tú Viên 11/03/2024 18:30

Những thay đổi liên quan đề thi tốt nghiệp đã được thảo luận tại hội thảo công tác chuẩn bị đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 do Bộ GD-ĐT tổ chức chiều 11.3.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết, thay vì xây dựng câu hỏi theo tính bảo mật, khép kín hoàn toàn như hiện nay, ngân hàng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ có tính mở.

Hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT đang ra đề theo tính đóng, từ khâu soạn thảo các phiên bản đầu tiên đều mời các chuyên gia đến khu vực riêng, sử dụng hệ thống an ninh bảo mật 24/7 trong suốt quá trình làm đề. Tuy vậy, vẫn khó thực hiện kín hoàn toàn. Thực tế đã có hiện tượng đề thi giống với câu hỏi ôn luyện bên ngoài. Bên cạnh đó, việc khó tiếp cận với Internet dẫn đến hạn chế trong tham khảo thông tin, dẫn đến hiện tượng đề thi giống với đề khảo sát của một số địa phương.

z5077438260099_91ad00a96c0a0b2df380f3c12ac17cc1.jpg
Học sinh trường TH-THCS-THPT Thanh Bình, TP.HCM - Ảnh: CTV

Từ năm 2025, đề thi sẽ có tính mở theo hướng được xây dựng trên cơ sở phát huy trí tuệ toàn ngành. Cụ thể, các nhà trường, địa phương trong quá trình thực hiện kiểm tra, đánh giá, thi khảo sát có những câu hỏi hay, tốt sẽ được gửi về Bộ GD-ĐT. Bộ GD-ĐT sẽ có bộ phận đánh giá chất lượng câu hỏi bằng lý thuyết khảo thí. Kết quả đánh giá sẽ chỉ ra những điểm tốt, chưa tốt của các câu hỏi, gửi ngược trở lại cho các sở GD-ĐT để có sự điều chỉnh phù hợp nhằm nâng cao chất lượng câu hỏi kiểm tra, đánh giá.

Theo ông Hà, thực tế công tác khảo thí cho thấy việc đánh giá mức độ đề nhiều khi có yếu tố chủ quan của người ra đề nên chưa chính xác hoàn toàn. Do vậy, một ngân hàng đề sẽ chỉ có ý nghĩa thực sự và có tính khách quan nếu trải qua quá trình đánh giá, quá trình đó thể hiện ngay từ cấp sở và có thêm các đánh giá, chỉ báo từ Bộ GD-ĐT.

Các câu hỏi chất lượng sẽ được Bộ GD-ĐT đưa vào thư viện đề thi. “Được tập hợp từ các cơ sở giáo dục trên cả nước nên câu hỏi rất rộng và chỉ sau một năm đã có số lượng câu hỏi rất lớn. Nếu thu nhận các câu hỏi đó sẽ tiết kiệm thời gian, công sức. Điều này cũng tạo động lực cho các giáo viên, nhà trường, sở giáo dục trong việc nâng cao chất lượng câu hỏi thi, kiểm tra đánh giá”, ông Hà nói.

Cũng theo ông Hà, khi xây dựng câu hỏi thi, về nguyên tắc, những câu hỏi ở mức độ nhận biết có thể không cần điều chỉnh về nội dung. Những câu hỏi từ mức độ thông hiểu đến vận dụng bắt buộc phải có điều chỉnh nội dung để học sinh không thể chỉ nhớ máy móc mà làm được.

Ông Hà cho hay từ nay đến 2025, thời gian còn rất ngắn. Đây là một thách thức vì thời điểm này Bộ GD-ĐT mới ký quyết định công bố giáo khoa lớp 12, chưa bắt đầu dạy lớp 12 theo chương trình mới để có thể có đóng góp câu hỏi từ các địa phương.

Chia sẻ thêm về đề thi, Phó cục trưởng Nguyễn Ngọc Hà cho hay đề thi được xây dựng trên cơ sở có tính kế thừa. Do học sinh và giáo viên đang học chương trình 2018 nhưng đã quen với định dạng đề thi cũ là câu hỏi trắc nghiệm 4 lựa chọn nên đề thi vẫn giữ tỷ trọng nhất định câu hỏi dạng này.

Bên cạnh đó, đề có tính phát triển với những điểm mới, thể hiện ở việc đề sẽ có thêm hai dạng câu hỏi trắc nghiệm mới là trắc nghiệm trả lời đúng/sai và trắc nghiệm trả lời ngắn. Với các dạng câu hỏi trắc nghiệm mới sẽ giảm tỷ lệ trả lời xác suất của câu hỏi trắc nghiệm cũ đồng thời đảm bảo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới là đánh giá năng lực học sinh.

Cùng với đó, đề thi trắc nghiệm sẽ dài tối đa 4 trang A4 nên đề thi trình bày đủ trên 1 tờ A3, từ đó giảm bớt được khối lượng công việc, giảm bớt rủi ro in ấn, ghép tờ đề thi.

tot-nghiep-908.jpeg
PGS-TS Nguyễn Ngọc Hà - Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT - Ảnh: VNN

Theo ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025 vẫn đảm bảo một kỳ thi nhiều mục tiêu: xét tốt nghiệp THPT, là căn cứ để đánh giá chất lượng dạy và học của các cơ sở giáo dục và cung cấp dữ liệu tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Theo phương thức thi đã được Bộ GD-ĐT quyết định, thí sinh sẽ thi 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc là Ngữ văn và Toán, 2 môn thi tự chọn trong số các môn thi còn lại.

Việc xét tốt nghiệp THPT từ năm 2025 vẫn kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỉ lệ phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Với kỳ thi tốt nghiệp sau năm 2025, Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm chỉ đạo chung ra các văn bản hướng dẫn, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức kỳ thi.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả vụ nổ lò hơi làm 6 người chết ở Đồng Nai
12 giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả vụ nổ lò hơi làm 6 người chết, 5 người bị thương tại Đồng Nai.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ có tính mở