TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng đề xuất thuê nhà 15m2/người mới được đăng ký thường trú dẫn đến người giàu và thu nhập cao được hưởng lợi lớn, trong khi người thu nhập thấp bị ảnh hưởng. Từ đó sẽ nảy sinh mâu thuẫn xã hội rất lớn.

Đề xuất 15m2/người mới được thường trú nội thành Hà Nội: Ai chịu thuế đô thị?

Hoài Lam | 06/04/2023, 11:40

TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng đề xuất thuê nhà 15m2/người mới được đăng ký thường trú dẫn đến người giàu và thu nhập cao được hưởng lợi lớn, trong khi người thu nhập thấp bị ảnh hưởng. Từ đó sẽ nảy sinh mâu thuẫn xã hội rất lớn.

Người giàu hưởng lợi, người nghèo chịu thiệt

UBND TP.Hà Nội đang lấy ý kiến về dự thảo nghị quyết quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ. Dự kiến diện tích nhà ở tối thiểu đối với nội thành là 15m2 (gồm 12 quận), còn ngoại thành là 8m2 (gồm 18 huyện, thị xã).

Vào thời điểm cuối năm 2022, quy định diện tích tổi thiểu để được giải quyết thủ tục thường trú là 20m2/người. Tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng, 20m2/người là quá cao, cao hơn nhiều so với 8m2 đã đưa ra. Hiện nay Hà Nội đã điều chỉnh xuống còn 15m2.

Thành phố Hà Nội cho hay, dự thảo này nhằm cụ thể hóa quy định của Luật Cư trú 2020 và kỳ vọng quy định này sẽ góp phần đảm bảo đời sống, an sinh xã hội, trật tự xã hội của người dân. Đặc biệt trong bối cảnh các đô thị, thành phố lớn đang gặp áp lực gia tăng dân số cơ học lớn.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới về vấn đề này, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, việc Hà Nội đề xuất chính sách này được coi là giải pháp "hàng rào kỹ thuật" hay "phí ngoại trừ/thuế đô thị" trong bối cảnh TP đang chịu sức ép rất lớn về hạ tầng với dịch vụ công ích do quá tải dân số ngụ cư.

thu-phi-tham-quan-hoi-an-giai-phap-nao-hai-hoa-loi-ich-2.jpg
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR)

Theo ông Việt, trong chính sách công có ví dụ phân tích về giải pháp thu "phí ngoại trừ" khắc phục tình trạng tắc nghẽn và tổn thất xã hội do số lượng người dùng quá lớn, vượt quá sức tải của hàng hóa công cộng (con đường, công viên). Tuy nhiên, khi áp dụng phí ngoại trừ này, câu hỏi rất quan trọng là ai phải gánh chịu và liệu việc áp dụng có tạo thêm các chi phí thậm chí còn vượt quá mức tổn thất xã hội ròng do tình trạng quá tải gây ra?

“Nếu áp dụng như hiện nay, vô hình trung việc áp phí ngoại trừ sẽ chỉ dành cho những người thu nhập thấp (đa phần là lao động trẻ tìm cơ hội việc làm/thu nhập tại Hà Nội và gia đình họ), trong khi những người giàu và thu nhập cao (nhất là những người đã/sẽ mua được nhà, có sẵn hộ khẩu, thậm chí có thêm căn nhà thứ 2 cho thuê) lại được hưởng lợi lớn từ chính sách này. Từ đó sẽ nảy sinh mâu thuẫn xã hội rất lớn, và đặt ra câu hỏi về tính công bằng, khả thi của chính sách khi được thông qua”, ông Việt nói.

Ông Việt cũng chia sẻ: “Thật tình cờ nhìn lại chính sách đánh thuế căn nhà thứ 2 của TP.HCM đã bị rút lại trong thời gian rất ngắn. Chính sách này nhìn qua tưởng là đánh vào người có tài sản (và việc đầu cơ tài sản đất đai) nhưng nếu phân tích kỹ lại thấy người gánh chịu có thể lại là những người nghèo/thu nhập thấp. Lý do là mọi chi phí tăng thêm cuối cùng sẽ vào giá cho thuê (cửa hàng/phòng trọ) và như thế lại đè nặng chi phí lên người nghèo/thu nhập thấp, và cũng khó khả thi”.

“Để có thể hoạch định và ban hành chính sách công không hề đơn giản. Hoạch định chính sách là công đoạn đầu của chu trình chính sách, nhưng nó lại cần hỗ trợ bởi toàn bộ quy trình phân tích thấu đáo, đầy đủ và tích hợp của chính sách công. Thiếu những phân tích chính sách đúng đắn, khách quan, thấu đáo, thực chứng thì sẽ không thể có chính sách tốt, công bằng và khả thi. Do đó, cần phải có đơn vị tư vấn chính sách độc lập, có nguồn lực thực hiện đánh giá tác động chính sách một cách cẩn trọng, từ đó đề xuất các giải pháp khả thi và công bằng”, ông Việt nói.

Đề xuất chưa hợp lý ở thời điểm hiện nay

Trả lời báo chí, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, "Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030" xác định mục tiêu phát triển nhà ở đến năm 2025 diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người toàn thành phố phấn đấu đạt 29,5m2/người, trong đó khu vực đô thị đạt 31m2/người.

Theo ông Nghiêm, Hà Nội đang có sự phân bố dân cư chưa hợp lý. Khu vực nội thành đang quá tải, ngược lại, tại nhiều khu vực ngoại thành, các thành phố vệ tinh, số dân cư lại chưa đáp ứng.

"Vấn đề dân số liên quan đến nhiều yếu tố, do đó cần phải đánh giá một cách chi tiết như hiện nay nội đô thế nào, các đô thị vệ tinh ra sao? Không thể lấy một chỉ tiêu bình quân như m2 cho tất cả Hà Nội mà phải tùy theo từng vùng. Khu vực nội đô hiện quá cao nên phải có cơ chế để hạn chế dân số tăng hơn nữa. Thế nhưng, ở khu vực đang phát triển như từ ngoài vành đai 3 trở ra thì lại đang rất cần tăng dân, nhất là các đô thị vệ tinh. Làm thế nào để có tỷ lệ dân số thích hợp ở những khu vực khác nhau của Hà Nội đó mới là điều quan trọng", TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ.

15.jpeg
Đề xuất tối thiếu 15m2/người mới được đăng ký thường trú nội thành Hà Nội chưa hợp lý

Ông Phan Văn Lâm, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và hòa giải (Viện Nghiên cứu pháp luật và kinh tế ASEAN) cho rằng việc Hà Nội đề xuất như vậy trong thời điểm này là chưa hợp lý. Lý do là với mức thu nhập của người dân như hiện nay, yêu cầu này đối với người thuê nhà sẽ khó đáp ứng được (diện tích này hiện có giá cho thuê từ 2-3 triệu đồng). Đối với người lao động trong khu vực công và công nhân chắc chắn sẽ không đáp ưng được điều kiện này.

Ông Lâm ví dụ, một cặp vợ chồng có 2 con cần 60m2 với giá thuê 10 triệu thì tiền dành cho thuê nhà chiếm trên 1/2 thu nhập của 2 vợ chồng. Điều này là bất hợp lý trong cân đối thu chi để gia đình tồn tại và có đăng ký thường trú tại Hà Nội.

“Hà Nội không chỉ cần người giàu vật chất về xây dựng, phát triển, mà Hà Nội cũng cần những trí thức, công nhân… để phát triển cho cả nước, vì vậy những quy định này trong thời điểm hiện nay không hợp lý”, ông Lâm nêu và cho rằng công dân sử dụng diện tích nhà ở ngày càng được nâng lên là điều đáng mừng và rất cần thiết. Tuy nhiên, theo ông Lâm, chúng ta nên căn cứ vào thu nhập của người dân, mức sống chung tại thủ đô để quyết định cho đúng thời điểm. Chính sách phải hợp lòng dân thì mới đi vào cuộc sống.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề xuất 15m2/người mới được thường trú nội thành Hà Nội: Ai chịu thuế đô thị?