Trong tổng số 69 tổ chức phát hành chậm trả nợ trâu phiếu doanh nghiệp (TPDN) thì số các doanh nghiệp trong ngành bất động sản chiếm tới 62,3%. Ngành này cũng có tỷ lệ nợ xấu trái phiếu ở mức 20,17%.

Nợ xấu trái phiếu bất động sản tăng mạnh trên 20%

Hoài Lam | 04/04/2023, 19:00

Trong tổng số 69 tổ chức phát hành chậm trả nợ trâu phiếu doanh nghiệp (TPDN) thì số các doanh nghiệp trong ngành bất động sản chiếm tới 62,3%. Ngành này cũng có tỷ lệ nợ xấu trái phiếu ở mức 20,17%.

Theo báo cáo của Fiingroup, tính đến ngày 17.3.2023, đã có 69 tổ chức phát hành (TCPH) có một hoặc nhiều hơn lô trái phiếu lưu hành đã không thể đáp ứng nghĩa vụ nợ với tổng giá trị 94,43 nghìn tỉ đồng, chiếm 8,15% giá trị TPDN đang lưu hành.

Cụ thể, trong đó có 65 TCPH vi phạm nghĩa vụ nợ và 4 TCPH có TPDN đến hạn nhưng đã được tái cơ cấu nợ. Trong tổng số 69 TCPH chậm trả, có 43 TCPH là doanh nghiệp trong ngành bất động sản với tổng giá trị TPDN chậm trả nợ ở mức 78,9 nghìn tỉ đồng, chiếm 83,6% với tổng giá TPDN của các doanh nghiệp chậm trả nợ trái phiếu.

69 TCPH trên hiện có tổng nợ vay 233,7 nghìn tỉ đồng tại 31.12.2022, trong đó tổng giá trị TPDN đang lưu hành ở mức 169,7 nghìn tỉ đồng và phần còn lại 64 nghìn tỉ đồng là vay tín dụng ngân hàng và nợ khác. Trái phiếu đã ở tình huống chậm trả chiếm 37% tổng giá trị TPDN đang lưu hành.

Phần trái phiếu còn lại chưa đến hạn thanh toán là 75,286 nghìn tỉ đồng và có kỳ đáo hạn chủ yếu vào năm 2023 (ước tính 30,2 nghìn tỉ đồng) và 2024 (ước tính 21,9 nghìn tỉ đồng).

Trong đó, ngành bất động sản là ngành có tỷ lệ nợ xấu trái phiếu ở mức 20,17% cao thứ hai sau ngành năng lượng. Tuy nhiên, ngành bất động sản có quy mô lưu hành lớn nhất ở mức 396,3 nghìn tỉ đồng, chiếm 33,8% tổng giá trị lưu hành.

Thực tế, trong tổng số 69 TCPH chậm trả nợ TPDN thì số các doanh nghiệp trong ngành bất động sản chiếm tới 62,3%. Ngành năng lượng mặc dù có tỷ lệ nợ xấu trái phiếu ở mức cao nhất, lên tới 63,1% nhưng ở quy mô rất nhỏ và có tính tập trung vào một số ít doanh nghiệp, chiếm 0.3% tổng giá trị trái phiếu lưu hành.

Phân tích của Fiingroup dựa trên số liệu từ báo cáo tài chính của 33 TCPH bất động sản chậm trả cho thấy đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp này tăng gấp 9,5 lần so với thời điểm cuối năm 2017.

Tuy nhiên, tài sản hữu hình – thường là tài sản sinh lời của các công ty bất động sản có mức tăng khiêm tốn từ 25 nghìn tỉ đồng (2017) lên 33 nghìn tỉ đồng (2021). Trong khi đó, khoản phải thu (thường đến từ hợp đồng cho vay các bên liên quan) và khoản đầu tư dài hạn (thường là khoản đầu tư vào các công ty con và liên kết) lại tăng gấp hơn 4 lần.

“Vì dòng tiền không được tập trung đầu tư vào tài sản sinh lời nên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính không tăng trưởng tương xứng với nợ vay. Khả năng trả nợ của các doanh nghiệp này giảm mạnh do EBITDA chỉ tăng 4 lần trong khi nợ vay tăng 15 lần”, Fiingroup nêu.

tp.jpeg
Nợ xấu trái phiếu bất động sản tăng mạnh, lên trên 20%

Theo tổ chức này, trong một thời gian dài, nợ vay trên tương quan với lợi nhuận EBITDA (lợi nhuận không gần với dòng tiền tạo ra mới trong kỳ) ở mức rất cao, lên tới 30,5 vào năm 2020 lần và 23,5 lần vào năm 2021. Đây là mức quá cao so với kỳ hạn bình quân của một trái phiếu và các nghĩa vụ nợ của các doanh nghiệp này.

Báo cáo cũng cho thay, quy mô thị trường TPDN riêng lẻ hiện ở mức 1,15 triệu tỉ đồng tính theo giá trị lưu hành tại thời điểm 8.3.2023. Trong đó, trái phiếu của các tổ chức phát hành phi ngân hàng là 788,9 nghìn tỉ đồng và “bank-bond” ở mức 368 nghìn tỉ đồng.

Trong cơ cấu của trái phiếu phi ngân hàng 788,9 nghìn tỉ đồng thì trái phiếu bất động sản có giá trị 396,3 nghìn tỉ đồng, tức chiếm khoảng 50% tổng giá trị trái phiếu phi ngân hàng và 34% tổng TPDN toàn thị trường đang lưu hành.

Về xu hướng tình hình TPDN trong năm 2023 và 2024, Fiingroup cho rằng vấn đề cần quan tâm và rủi ro chính là 396,3 nghìn tỉ đồng đến từ 302 doanh nghiệp bất động sản (trong tổng giá trị TPDN lưu hành 788,9 nghìn tỉ đồng với 757 TCPH là doanh nghiệp phi ngân hàng).

“Chúng tôi cho rằng tỷ lệ nợ xấu trái phiếu sẽ tiếp tục đà tăng trong thời gian tới trước khi những thay đổi chính sách có hiệu quả trực tiếp và trước khi môi trường kinh doanh được dần cải thiện rõ rệt”, báo cáo nêu.

Lý do là áp lực nợ đáo hạn 107,5 nghìn tỉ đồng sẽ đáo hạn trong năm 2023 này trong khi triển vọng kinh doanh của ngành bất động sản đang gặp những trở ngại lớn và chưa có dấu hiệu khởi sắc trở lại.

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho rằng động thái hỗ trợ vừa qua như giảm lãi suất cho vay, Nghị quyết 33/2023/NQ-CP và Nghị định 08/2023/NĐ-CP ra đời được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết áp lực nghĩa vụ nợ qua hoạt động tái cấu trúc nợ, phát hành trái phiếu mới để tái tài trợ nợ cũ hoặc cấp tín dụng mới cho các dự án sạch về pháp lý được triển khai một cách hiệu quả.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nợ xấu trái phiếu bất động sản tăng mạnh trên 20%