Đại dịch SARS- CoV2 vẫn đang hoành hành khắp thế giới với nhiều biến thể lây lan nhanh, kháng vắc xin và gây tử vong nhiều . Thật sự là một thảm hoạ !

Đề xuất 7 giải pháp căn cơ để chủ động sống chung lâu dài với SARS-CoV-2

Nguyễn Văn Lạng | 10/09/2021, 19:16

Đại dịch SARS- CoV2 vẫn đang hoành hành khắp thế giới với nhiều biến thể lây lan nhanh, kháng vắc xin và gây tử vong nhiều . Thật sự là một thảm hoạ !

Đại dịch SARS-CoV-2 vẫn đang hoành hành khắp thế giới với nhiều biến thể lây lan nhanh, kháng vắc xin và gây tử vong nhiều. Thật sự là một thảm hoạ!

Nhưng sự cố gắng, nỗ lực dập tắt đại dịch và tiêu diệt con vi rút Corona xuất phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) dường như là không thể ? Hôm kia, nhân vật lớn của WHO - ông Mike Ryan, Giám đốc điều hành y tế khẩn cấp của tổ chức y tế lớn nhất hành tinh đã phải tuyên bố: “Vi rút SARS-CoV-2 sẽ tồn tại cùng chúng ta và phát triển giống như vi rút gây đại dịch cúm. Nó sẽ phát triển để trở thành một trong những vi rút khác ảnh hưởng tới chúng ta”.

Tôi nhớ là rất nhiều tiên đoán, tuyên bố như thế ngay khi đại dịch bắt đầu bùng phát. Mới đây người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã phát biểu tương tự như thế.
Nhìn các số liệu toàn cầu và Việt Nam hàng ngày về số ca lây nhiễm, tử vong, biến thể mới, các cuộc chạy đua vắc xin, thuốc chữa trị COVID-19... chóng hết cả mặt. Loài người đã và đang trả giá cho các tham vọng, triết lý sống vật chất của mình, cho các hành động tàn phá thiên nhiên và xã hội, gây ra các cuộc chiến tranh liên miên...  Quá đắt !

Với thiển nghĩ của mình, tôi xin mạo muội đôi điều về COVID-19. Loài người lúc này phải bình tĩnh và chấp nhận chung sống với SARS-CoV-2 thôi. Để chuyển từ bị động sang chủ động cuộc chung sống lâu dài với COVID-19 thì cần các giải pháp căn cơ đồng bộ, nhất quán sau:

1. Vắc xin vẫn là cứu cánh. Phải tiếp tục nghiên cứu, phát triển vắc xin đáp ứng đủ về số lượng, chủng loại, chất lượng cho toàn thế giới. Tiêm đủ ít nhất 2 mũi vắc xin cho mọi người, tối thiểu 70-80% người dân để tạo miễn dịch cộng đồng - tiền đề cho cuộc sống bình thường mới. Với Việt Nam, nên chủ động sản xuất vắc xin của các nước và của mình tại Việt Nam. Cần lưu ý tới các đối tượng trên 65 tuổi, người có bệnh nền cũng như trẻ em dưới 18 tuổi (theo báo Dân Trí hôm 8.9 thì số ca nhiễm ở trẻ em tại TP.HCM khá cao)… cũng như các tác dụng phụ của vắc xin với tương lai loài người.

2. Tập trung mọi nguồn lực, nỗ lực của ngành y tế để chạy chữa cho các bệnh nhân đã mắc và phát bệnh, nhất là bệnh nhân nặng tại bệnh viện theo các phân tầng của Bộ Y tế. Cũng nên đánh giá rút kinh nghiệm điều chỉnh cho phù hợp và học tập quốc tế. Triển khai chữa các ca F0 tại nhà hay tại xã, phường với các phác đồ điều trị tốt nhất. Huy động y, bác sĩ tại chỗ tại địa phương kể cả công - tư và đã nghỉ hưu tham gia vào công cuộc này.

3. Chuẩn bị chu đáo về mọi mặt trước khi quyết định chung sống với SARS-CoV-2; pháp lý, tuyên truyền, cơ sở hạ tầng, lực lượng… Vẫn phải 5K, với an sinh xã hội, công nghệ mới và các ứng dụng công nghệ.

4. Xem lại các chính sách biện pháp hành chính không phù hợp mất lòng dân về phong toả, giãn cách, giấy đi đường… Nên đánh giá hiệu quả cách làm của Đà Nẵng, Bình Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh… để nhân rộng và thay đổi cách làm thủ công, lạc hậu, phiền phức, kém hiệu quả, mất lòng dân. Theo tôi, chỉ nên phong toả cục bộ các nơi có F0. 

5. Chuẩn bị nhập khẩu và tổ chức đầu tư sản xuất các loại thuốc chữa trị, phòng ngừa: uống, tiêm, nhỏ mũi họng… mà thế giới đã công bố; nhất là các loại vắc xin, thuốc do Việt Nam nghiên cứu, phát minh. Khuyến khích các phát minh, sáng chế của người Việt ở khắp nơi. 

6. Phải an dân bởi các chính sách dân sinh, xã hội từ chủ trương, chính sách tới tạo môi trường cho xã hội hoá để giảm thiểu các tổn thất về người, của và lòng tin của dân vào chống dịch, vào phục hồi kinh tế sau khi bước vào thời kỳ bình thường mới. Hãy tạo cho không khí bớt căng thẳng, nặng nề tâm lý trong xã hội … Tạo mọi điều kiện nâng cao sức khoẻ vật chất và tinh thần của người dân, tức nâng cao thể trạng sức đề kháng của mỗi người dân, là nâng cao cho cả cộng đồng. Chúng ta đừng quan tâm nhiều tới số ca nhiễm mới hàng ngày, mà hãy quan tâm tới số ca tử vong và số ca khỏi bệnh hàng ngày (nếu số lượng khỏi bệnh hàng ngày lớn hơn số ca nhiễm thì tình hình khả quan và đỉnh dịch đã qua). Đất nước và mọi người còn bao nhiêu bệnh tật khác cần cứu chữa, còn bao công việc khác phải làm, phải đối phó. Hãy bình tĩnh lại ! Hãy tạo thế cân bằng mới !

7. Có lẽ Bộ Y tế nên khuyến cáo chế độ ăn uống, rèn luyện tại nhà cũng như các loại thực phẩm chức năng, những giải pháp dân gian trong điều trị cảm cúm có tác dụng hỗ trợ điều trị và nâng cao thể trạng người dân. 

Rất mong sớm có các quyết định của Chính phủ trên cơ sở ý kiến của Ban chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế với các khuyến cáo của WHO, kinh nghiệm quốc tế cũng như các nước đã thành công. Sớm có kế hoạch, lộ trình phù hợp, khoa học cho SỐNG CHUNG VỚI SARS-CoV-2 trong thời gian tới. Như loài người đã từng chung sống với bao vi rút khác: cúm mùa, sởi, cảm cúm … Khi đó, sống cẩn trọng, bảo đảm sức khoẻ và tiêm vắc xin ngay từ nhỏ, đồng thời hàng năm tiêm nhắc lại. 

Theo nghị quyết của Chính phủ, mốc thời gian khống chế dịch cho Hà Nội, TP.HCM là ngày 15.9.2021, các địa phương khác thì sớm hơn. Dịch dã và thiên tai mà ai mà nói trước được. Mọi người hãy bảo trọng, bảo vệ mình, gia đình và cộng đồng. 

TS Nguyễn Văn Lạng (nguyên Chủ tịch UBND Đắk Lắk, nguyên Thứ trưởng Bộ KHCN Việt Nam)

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
26 phút trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề xuất 7 giải pháp căn cơ để chủ động sống chung lâu dài với SARS-CoV-2