Theo quy định hiện hành, người nước ngoài chỉ được mua nhà ở, chưa được mua các hình thức khác như bất động sản (BĐS) du lịch, nghỉ dưỡng trong khi nhu cầu thực tế là có.
Hỗ trợ cho hàng không, du lịch
Tại hội nghị với Chính phủ về du lịch sáng 15.11, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT Sovico Holdings cho rằng đây cũng là giai đoạn đầy biến động, thách thức.
“Hàng không chưa có lợi nhuận; du lịch, khách sạn, nhà hàng hoạt động cầm chừng. Những điểm đến quốc tế xinh đẹp như "đảo ngọc" Phú Quốc, vịnh biển Nha Trang đẹp nhất thế giới, con đường di sản miền Trung Huế - Đà Nẵng – Hội An, kỳ quan Vịnh Hạ Long… mỗi nơi đang đóng băng vài chục nghìn phòng khách sạn; dịch vụ giải trí, nhà hàng đều ngưng trệ”, bà Thảo nêu.
Theo đó, bà Thảo nhấn mạnh cần hành động khẩn trương để những điểm đến "đông vui trở lại".
Theo bà Thảo, cần tạo điều kiện để hàng không thu hút, đưa du lịch, giao thương, đầu tư quốc tế đến Việt Nam. Trong nước, phát động chương trình hành động quốc gia đẩy mạnh du lịch tới các sân bay, các điểm đến địa phương.
Ngoài ra, Chính phủ, các bộ cần tiếp tục thúc đẩy các đàm phán, hiệp định song phương, đa phương với các quốc gia để có các chính sách thuận lợi hơn về thị thực (visa); hỗ trợ các hoạt động mở đường bay mới thúc đẩy nhu cầu của người dân, du khách.
“Trong bối cảnh còn rất nhiều thách thức đối với cả ngành du lịch, hàng không, rất mong Chính phủ tiếp tục có các hỗ trợ về thuế môi trường đối với xăng dầu, giảm phí cho các đường bay quốc tế mới; ngân hàng giảm lãi suất cho hàng không, khách sạn, du lịch”, bà Thảo nói.
Thêm vào đó, cần có các chính sách hỗ trợ về phát triển đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam; chính sách quản lý slot bay, quản lý hoạt động khai thác tại các cảng hàng không để tăng năng lực thông qua cảng hàng không; phát triển hoạt động đào tạo, nhất là đào tạo nghề và tăng năng suất, chất lượng trong dịch vụ du lịch.
Chung quan điểm, bà Nguyễn Thái Hoài Anh, Phó giám đốc đối ngoại Tập đoàn Sun Group cũng đề xuất Chính phủ mở rộng miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, chi tiêu cho du lịch lớn và thời gian lưu trú dài hạn. Ví dụ như Australia, Canada, Mỹ, các nước còn lại thuộc EU và một số nước khu vực Trung Đông như Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Saudi Arabia, Kuwait…
Về tăng cường hợp tác hàng không, bà Hoài Anh đề xuất Bộ GTVT, Bộ Ngoại giao, Bộ VH-TT-DL thúc đẩy công tác mở rộng thị trường, mở thêm đường bay, đặc biệt ở các thị trường như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia...; mở lại các đường bay thẳng, đón dòng khách từ Nga và các quốc gia Đông Âu.
Đầu tư mạnh hơn vào công nghệ, du lịch xanh
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo nhấn mạnh cần đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại vào các hoạt động quản lý xuất nhập cảnh; cấp e-visa nhanh chóng và thuận tiện cho du khách quốc tế.
Cũng góp ý tại hội nghị, đại diện Tập đoàn Vingroup đề nghị nâng cao tỷ lệ số hóa, tự động hóa ở các cảng hàng không. Điều này nhằm mang đến sự thuận tiện, nhanh chóng và thoải mái cho du khách trong thủ tục xuất nhập cảnh; cần có chính sách liên quan đến thuế để gia tăng sức mạnh cạnh tranh của dịch vụ ngành du lịch.
Ngoài ra, cần nghiêm túc xây dựng kế hoạch hành động du lịch xanh – bền vững quốc gia và hành động để đạt được các tiêu chuẩn toàn cầu của Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu (GSTC) cho các cơ sở du lịch, khách sạn... Đây là một trong những chỉ số được du khách từ các nước phát triển đặt biệt đánh giá cao trong việc lựa chọn điểm đến.
Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines góp ý: Cần xây dựng kế hoạch phát triển hàng không xanh và bền vững. Đây không chỉ là cam kết của Chính phủ tại COP26 mà còn là sự quan tâm của khách hàng với vấn đề du lịch xanh và bền vững.
“Nếu chúng ta không triển khai tốt việc này thì du lịch Việt Nam sẽ mất lợi thế cạnh tranh”, ông Hà nêu.
Ông Hà cũng nhấn mạnh điểm kết nối dữ liệu khách du lịch và ứng dụng CNTT chuyển đổi số. Đây là một lợi thế mà các hãng đều đang đẩy mạnh sử dụng chuyển đổi số và có những dữ liệu khách hàng.
Theo đó, cần có một cơ quan giúp kết nối, tổ chức những thông tin này để phục vụ khách du lịch tốt, nâng cao trải nghiệm của khách đến Việt Nam cũng như để khách đến và quay lại Việt Nam.
Đề xuất mở rộng đối tượng được mua BĐS nghỉ dưỡng
Theo bà Hoài Anh, theo quy định hiện hành, người nước ngoài chỉ được mua nhà ở, chưa được mua các hình thức khác như bất động sản (BĐS) du lịch, nghỉ dưỡng trong khi nhu cầu thực tế là có. Trong khi các quốc gia trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan… loại hình này đang phát triển khá mạnh mẽ, thu hút nguồn đầu tư khá ổn định.
“Các dự án BĐS nghỉ dưỡng được đầu tư bài bản sẽ góp phần thu hút lượng khách lớn tới Việt Nam, đáp ứng được nhu cầu nghỉ dưỡng, trải nghiệm, khám phá, giải trí. Từ đó, du khách quốc tế sẽ có thời gian lưu trú dài ngày hơn, chi tiêu nhiều hơn, quay trở lại nhiều lần và mở ra những cơ hội đầu tư lớn”, bà Hoài Anh nêu.
Ngoài ra, việc mở rộng đối tượng mua BĐS nghỉ dưỡng là người nước ngoài sẽ thu hút lượng ngoại tệ lớn; góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh Việt Nam thân thiện, yên bình, đáng sống ra thế giới.
Vì vậy, doanh nghiệp này đề nghị cần xây dựng chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài và BĐS nghỉ dưỡng, giúp tăng trưởng kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng. Khi xây dựng cơ chế, chính sách, cần lưu ý cụ thể từ khâu điều kiện mua, quy định thanh toán, loại hình kinh doanh, chuyển lợi nhuận…