Giai đoạn 2016-2020 là khoảng thời gian đặc thù trong đó nhu cầu tăng vốn đầu tư mang tính ngắn hạn và cấp thời để tái cơ cấu nền kinh tế, vì thế cần điều chỉnh lại chỉ tiêu giới hạn nợ Chính phủ chi phù hợp với tình hình thực tế. Nhưng, điều đó có thực sự đúng và cần thiết hay không?

Đề xuất nâng giới hạn dư nợ Chính phủ: Có thực sự cần thiết hay không?

Nhàn Đàm | 22/10/2016, 12:11

Giai đoạn 2016-2020 là khoảng thời gian đặc thù trong đó nhu cầu tăng vốn đầu tư mang tính ngắn hạn và cấp thời để tái cơ cấu nền kinh tế, vì thế cần điều chỉnh lại chỉ tiêu giới hạn nợ Chính phủ chi phù hợp với tình hình thực tế. Nhưng, điều đó có thực sự đúng và cần thiết hay không?

Câu chuyện nợ nần lại một lần nữa trở thành đề tài nóng trong nền kinh tế Việt Nam những ngày gần đây, khi đây đang là thời điểm Chính phủ trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến kế hoạch vay-trả nợ công giai đoạn 2016-2020. Theo đó, nếu so với mục tiêu giới hạn nợ được ấn định trước đó - nợ công không quá 65% GDP, trong đó dư nợ Chính phủ không quá 50% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP) - thì Chính phủ đề xuất với Quốc hội cho phép điều chỉnh tăng thêm 5% đối với chỉ tiêu dư nợ Chính phủ từ 50% lên mức 55% (theo The Saigon Times).

Lý do được Chính phủ đưa ra là do năm 2016 xuất hiện nhiều tác động mới gây khó khăn khiến nguồn thu ngân sách sụt giảm trong khi quá trình tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 4 năm sắp tới lại khiến cho áp lực về vốn và tăng chi ngân sách là rất cao. Nói cách khác, giai đoạn 2016-2020 là khoảng thời gian đặc thù trong đó nhu cầu tăng vốn đầu tư mang tính ngắn hạn và cấp thời, vì thế cần điều chỉnh lại chỉ tiêu giới hạn nợ Chính phủ chi phù hợp với tình hình thực tế. Nhưng, điều đó có thực sự đúng và cần thiết hay không?

Nếu nhìn vào những con số thống kê vĩ mô về nền kinh tế Việt Nam trong năm 2016, thì có vẻ như nó đang có xu hướng ủng hộ những quan điểm từ phía Chính phủ trong vấn đề xin tăng chỉ tiêu dư nợ lên 55%. Việc tốc độ tăng trưởng không đạt được kế hoạch đặt ra là 6,7% trong cả năm 2016, và thậm chí việc có đạt được mục tiêu điều chỉnh 6,3-6,5% hay không vẫn là một điều chưa chắc chắn, dẫn đến việc phải điều chỉnh các hạn mức vay nợ tương ứng vì chỉ tiêu nợ công gắn chặt với con số GDP thực tế cao hay thấp.

Nói cách khác, việc tăng trưởng GDP sụt giảm trong năm 2016 sẽ có một tác động khá mạnh đến giới hạn tài chính mà Chính phủ có thể huy động và chi cho đầu tư phát triển trong năm 2017; đặc biệt là trong bối cảnh giai đoạn 2016-2020 lại là khoảng thời gian Việt Nam tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế vốn cần rất nhiều vốn để thực hiện, thì việc xin nâng giới hạn dư nợ Chính phủ có vẻ như là điều cần thiết. Theo báo cáo trước Quốc hội của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thì trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam dự kiến cần khoảng 10,567 triệu tỉ đồng (tương đương 480 tỉ USD) để có thể cải cách nền kinh tế.

Hiện tại, đa số các thành viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đều tỏ ý không chấp nhận đề xuất này của Chính phủ, do lo ngại về những hậu quả tiêu cực trong trường hợp giới hạn nợ bị phá vỡ. Vì một thực tế là ngay từ thời điểm năm 2015, Chính phủ đã để tỷ lệ dư nợ của mình vượt mức trần Quốc hội quyết định (50,3% so với 50%) và kéo theo nghĩa vụ trả nợ, bao gồm cả đảo nợ trên tổng thu ngân sách năm đó vượt quá 25%. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến thừa nhận nhu cầu tăng chi của Chính phủ trong 4 năm tới là điều cần thiết khi tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế quốc gia, và đề xuất cân nhắc quy định nợ Chính phủ có thể vượt ngưỡng lên mức tối đa 53% nhưng phải đưa về mức 50% thời điểm năm 2020.

Tuy nhiên, nếu so sánh với các quốc gia lân cận trong khu vực, thì những con số thống kê lại đang có xu hướng phản bác lại quan điểm xin tăng chỉ tiêu dư nợ của Chính phủ. Theo số liệu thống kê của Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF) đang cho thấy một thực tế đáng chú ý, đó là tỷ lệ thu và chi ngân sách so với GDP của Việt Nam hiện đang ở mức cao hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực, chỉ xếp sau một số nền kinh tế đang có mức phát triển nhanh nhất châu lục và thế giới như Trung Quốc hay Ấn Độ. Cụ thể, tỷ lệ thu ngân sách so với GDP của Việt Nam ở thời điểm hiện tại chỉ thấp hơn Trung Quốc, và cao hơn nhiều so với Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Hàn Quốc,…

Trong khi đó, tỷ lệ chi ngân sách so với GDP của Việt Nam hiện cũng đang thuộc nhóm cao nhất so với các nước trong khu vực. Hiện tại, về tỷ lệ chi ngân sách so với GDP, Việt Nam đang là một trong 3 nước đầu bảng cùng với Ấn Độ và Trung Quốc, và cao hơn nhiều so với các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Philippines và Indonesia,… (theo The Saigon Times).

Đồng ý rằng các quốc gia lân cận trong khu vực hiện không/chưa có nhu cầu tái cơ cấu nền kinh tế một cách toàn diện như Việt Nam, và vì thế không có nhu cầu lớn và mang tính đột ngột ngắn hạn về vốn như chúng ta, nhưng điều đó không có nghĩa là Việt Nam hoàn toàn không có khả năng tận dụng những điều kiện đang có để phải gia tăng giới hạn dư nợ mà Chính phủ đang đề xuất.

Những số liệu thống kê về tỷ lệ thu chi ngân sách so với GDP kể trên đang chỉ ra một thực tế khá rõ ràng là: so với các nước trong khu vực có trình độ phát triển tương đồng, thì Việt Nam đang có mức chi lớn hơn khá nhiều để vận hành nền kinh tế. Nói cách khác, xét về quy mô nền kinh tế, Việt Nam hoàn toàn có thể giảm tỷ lệ chi ngân sách xuống ngang bằng với các nước trong khu vực bằng những biện pháp cải cách hợp lý.

Trong bài báo cáo trước Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế 2017 ngày 20.10 vừa qua, Thủ tướngđã đặt ra một mục tiêu quan trọng, đó là cam kết phấn đấu đến năm 2017 Việt Nam sẽ đạt các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh tối thiểu ngang bằng mức trung bình của ASEAN 4 (gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines) (theo CafeF). Theo ý nghĩa đó, thì lời cam kết này đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ lấy mức trung bình của ASEAN 4 làm mục tiêu để cải cách nền kinh tế ít nhất là đến cuối năm 2017, mà điều đó rõ ràng chỉ có thể đạt được nếu trước hết tỷ lệ thu và chi ngân sách so với GDP của Việt Nam trở về ngang bằng với các nước trong ASEAN 4. Cải cách nền kinh tế còn có nghĩa lý gì nếu như để đạt được mức phát triển tương đương với ASEAN 4 chúng ta lại phải bỏ ra một số chi cao hơn nhiều so với các quốc gia đó?

Nhàn Đàm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
13 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề xuất nâng giới hạn dư nợ Chính phủ: Có thực sự cần thiết hay không?