Để bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, phúc đáp yêu cầu thực tiễn, dự thảo Luật Phòng chống mua bán người bổ sung quy định nghiêm cấm mua bán bào thai, nghiêm cấm sự thỏa thuận mua bán người từ khi còn là bào thai.
Theo dòng thời sự

Đề xuất nghiêm cấm sự thỏa thuận mua bán người khi còn là bào thai

Lam Thanh 13/08/2024 14:00

Để bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, phúc đáp yêu cầu thực tiễn, dự thảo Luật Phòng chống mua bán người bổ sung quy định nghiêm cấm mua bán bào thai, nghiêm cấm sự thỏa thuận mua bán người từ khi còn là bào thai.

Tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật sáng 13.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng chống mua bán người (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết dự thảo luật được tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung.

Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy khái niệm “mua bán người” trong dự thảo luật cơ bản đã bảo đảm tính thống nhất, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, phúc đáp yêu cầu thực tiễn trong đấu tranh phòng chống mua bán người, bảo đảm tiệm cận với các điều ước quốc tế về phòng chống mua bán người mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, để bảo đảm thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự, Luật Nuôi con nuôi, và bảo đảm phù hợp với thực tế, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị bổ sung cụm từ “trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” vào sau cụm từ “lợi ích vật chất khác” vào đoạn 2 khoản 1 điều 2.

Liên quan đến khái niệm nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, bà Nga cho rằng việc xác định nạn nhân cần phải dựa trên tiêu chí cụ thể, như bị xâm hại bởi hành vi mua bán người và được cơ quan có thẩm quyền xác định.

Thêm nữa, dự thảo luật cũng quy định rộng hơn so với yêu cầu của các điều ước quốc tế trong việc hỗ trợ cả người đang trong quá trình xác định là nạn nhân. Do đó, ủy ban đề nghị giữ như dự thảo luật.

Ngoài ra, để bảo đảm tính nhân đạo và bảo vệ quyền trẻ em, dự thảo luật đã có quy định hỗ trợ người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân như hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, y tế, tâm lý, chi phí đi lại, hỗ trợ pháp luật, phiên dịch.

nga-1.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu

Về hành vi mua bán bào thai, Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy tình hình mua bán bào thai đang diễn biến phức tạp và việc xử lý hành vi mua bán bào thai chưa được pháp luật điều chỉnh.

Vì vậy, để bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, phúc đáp yêu cầu thực tiễn, dự thảo luật bổ sung quy định về hành vi bị nghiêm cấm: “mua bán bào thai; thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai”.

Đối với chính sách của Nhà nước về phòng chống mua bán người, tiếp thu ý kiến của đại biểu quốc hội, khoản 6 điều 5 của dự thảo luật đã được bổ sung nội dung “địa bàn có tình hình mua bán người diễn biến phức tạp”.

Bên cạnh việc đề cao trách nhiệm của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái, dự thảo luật đã bổ sung 1 điều quy định về trách nhiệm của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia phòng ngừa mua bán người. Điều này nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm của tổ chức này trong công tác phòng chống mua bán người.

Dự thảo luật cũng bổ sung quy định đối tượng được bảo vệ là “Cá nhân tham gia phòng chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân” để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và khuyến khích họ tham gia công tác phòng chống mua bán người; bổ sung quy định về phạm vi bảo vệ đối với người thân thích của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và cá nhân tham gia phòng chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân.

Về đối tượng và chế độ hỗ trợ, Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy, để bảo đảm tính nhân đạo và bảo đảm quyền lợi tốt nhất dành cho trẻ em, điều 38 của dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được hưởng các chế độ hỗ trợ như nạn nhân, trừ hỗ trợ học nghề, tư vấn việc làm, trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn.

Quy định này đã được cân nhắc kỹ để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước. Các chế độ hỗ trợ khác dành cho trẻ em (nếu có) thì được thực hiện theo quy định của pháp luật về trẻ em.

Điều 38 của dự thảo luật cũng được chỉnh lý theo hướng nạn nhân là công dân Việt Nam và người dưới 18 tuổi đi cùng đang ở nước ngoài thì được hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ y tế và chi phí phiên dịch. Sau khi những người này được cơ quan có thẩm quyền ở trong nước tiếp nhận và xác minh thì họ sẽ được hưởng chế độ hỗ trợ khác như người đang trong quá trình xác định là nạn nhân ở trong nước.

Về cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân (điều 47), Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị vẫn giữ quy định thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân vì quy định này mang tính dự liệu nhằm huy động các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ nạn nhân, hoạt động không sử dụng ngân sách nhà nước.

Liên quan đến trách nhiệm của Bộ Tài chính (điều 58), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, để bảo đảm thống nhất của hệ thống pháp luật và thực hiện nguyên tắc của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị bỏ điều 58 về trách nhiệm của Bộ Tài chính trong dự thảo luật.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
13 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề xuất nghiêm cấm sự thỏa thuận mua bán người khi còn là bào thai