“Nếu ưu đãi cho người nước ngoài tự do mua nhà ở Phú Quốc thì liệu sẽ nảy sinh tình huống tiền thuế tính theo ngoại tệ hay không? Như vậy, điều này sẽ tạo tiền lệ xấu và Nhà nước sẽ rất khó kiểm soát sau này”, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ quan điểm về đề xuất cho người nước ngoài tự do mua bán nhà ở Phú Quốc.

Đề xuất tự do mua bán nhà ở đặc khu Phú Quốc liệu có tạo ra tiền lệ xấu?

Phan Diệu | 25/10/2017, 13:58

“Nếu ưu đãi cho người nước ngoài tự do mua nhà ở Phú Quốc thì liệu sẽ nảy sinh tình huống tiền thuế tính theo ngoại tệ hay không? Như vậy, điều này sẽ tạo tiền lệ xấu và Nhà nước sẽ rất khó kiểm soát sau này”, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ quan điểm về đề xuất cho người nước ngoài tự do mua bán nhà ở Phú Quốc.

Mới đây, Kiên Giang gửi đến các đại biểu Quốc hội đề xuất nhiều cơ chế chính sách đặc thù cho đặc khu ở Phú Quốc tại kỳ họp lần thứ 4 Quốc hội khóa 14. Trong đó, về chính sách nhà ở, Kiên Giang kiến nghị cho phép người nước ngoài vào làm việc tại đặc khu có thời gian hợp đồng từ 3 tháng trở lên, được mua nhà tại đây.

Đồng thời, người nước ngoài được tự do mua, bán nhà ở tại các dự án phát triển nhà ở trong đặc khu. Tổ chức, cá nhân nước ngoài (không bị giới hạn về điều kiện cư trú) được tự do mua bán nhà ở tại các dự án phát triển nhà ở trong đặc khu; bao gồm nhà chung cư, nhà ở có sân vườn hoặc nhà liên kế, với thời hạn vĩnh viễn (đối với nhà ở riêng lẻ, biệt thự) hoặc thời hạn 99 năm đối với nhà chung cư.

Tuy nhiên, đã có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến đề xuất cho phép người nước ngoài tự do mua bán nhà ở tại đặc khu Phú Quốc của Kiên Giang.

Sẽ gây nhiều phản ứng tiêu cực

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới về đề xuất này, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, với tư cách là nhà đầu tư, người nước ngoài muốn đến lao động tại Việt Nam thì những ưu đãi trên nếu thành hiện thực sẽ vô cùng hấp dẫn.

Thế nhưng, đứng ởvai trò người quản lý, nhà đầu tư muốn mua bán nhà ở tại Phú Quốc cũng phải tuân thủ các chính sách về thuế. Nếu ưu đãi cho người nước ngoài thì liệu sẽ nảy sinh tình huống tiền thuế có tính theo ngoại tệ hay không?

Điều này sẽ tạo tiền lệ xấu và Nhà nước sẽ rất khó kiểm soát sau này, bởi chúng ta phát triển đến ít nhất 3 đặc khu kinh tế. Vì vậy, đề xuất cho phép bán những tài sản bất động sản thuộc sở hữu toàn dân cho người nước ngoài sở hữu vĩnh viễn sẽ gây nhiều phản ứng tiêu cực hơn là tích cực.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định, kỳ họp Quốc hội lần này sẽ đề xuất cơ chế chính sách cho các đặc khu kinh tế, chắc chắn Phú Quốc sẽ được hưởng những chính sách như 2 đặc khu còn lại là Vân Đồn và Bắc Vân Phong.

“Tôi nghĩ sẽ không thể nào có quy định riêng áp dụng cho đặc khu kinh tế Phú Quốc. Có chăng thì chỉ là những chi tiết điều chỉnh phù hợp với đặc thù của vùng kinh tế biển đảo. Tuy nhiên, cơ chế chính sách chung của các đặc khu về cơ bản phải tương đồng”, ông Châu nói.

Theo ông Châu, đề xuất người nước ngoài vào làm việc tại đặc khu Phú Quốc có thời gian hợp đồng từ 3 tháng trở lên sẽ được mua nhà thì luật Nhà ở đã cho phép. Cụ thể, luật Nhà ở quy định cá nhân người nước ngoài nhập cảnh hợp pháp, có nhu cầu và khả năng tài chính được mua nhà ở Việt Nam.

Luật này quy định mỗi cá nhân chỉ được sở hữu một căn, chứ không quy định phải ở Việt Nam trong thời hạn 3 tháng hay bao lâu. Thay vì đề xuất người nước ngoài có thời gian hợp đồng từ 3 tháng trở lên sẽ được mua nhà, ông Châu đề nghị nên cho người nước ngoài mua condotel sẽ phù hợp với các đặc khu.

Đặc khu kinh tế đã lỗi thời

Nhận định về đề xuất này, chuyên gia kinh tế TS Đinh Thế Hiển nói rằng “nghe qua thì rất hay” nhưng nếu áp dụng sẽ không phù hợp với nền kinh tế Việt Nam.

“Thử đặt câu hỏi, ở những nước chúng ta đang muốn học tập như Mỹ, Nhật Bản hay châu Âu - những nước phát triển rất mạnh về quản lý đô thị, chiến lược… thìcó mô hình khoa học nào nói về quản lý đặc khu hay không? Rõ ràng là không. Chưa có lý thuyết nào nói xây dựng đặc khu để phát triển kinh tế, chỉ có bài học trong quá khứ là đất nước Trung Quốc.

Nếu ai đó nói Hồng Kông nhờ mô hình đặc khu mới phát triển thì Thượng Hải, Thâm Quyến phát triển cũng không thua Hồng Kông nhưng đâu cần nhượng quyền nước ngoài. Những vấn đề này để trả lời rằng, việc đưa những đặc quyền như người nước ngoài được tự do mua bán nhà ở vào một nơi như Phú Quốc chỉ là những đề xuất nhất thời, không dựa trên thực tế hay khoa học quản lý nào, mà trên thế giới đã đúc kết và thành công”, ông Hiển chia sẻ.

Nõi rõ hơn về vấn đề đặc khu kinh tế của Trung Quốc, ông Hiển cho biết thời của ông Đặng Tiểu Bình là do chưa có chứng cứ về kinh tế thị trường nên nước này phải làm từng bước dò dẫm. Muốn dò dẫm thì phải tạo ra một Thâm Quyến, khác với Trung Quốc lục địa để không tránh xáo trộn quốc gia; hoặc trong trường hợp thử nghiệm sai thì không ảnh hưởng đến đất nước.

“Từ đó đến nay đã 30 năm phát triển kinh tế thị trường, chúng ta đã có quá nhiều vấn đề mới cần học hỏi thì đặc khu kinh tế đã quá lỗi thời. Trước Đặng Tiểu Bình, chưa có người nào dám nghĩ sẽ mở cửa nền kinh tế xã hội chủ nghĩa nên ông Đặng đã khoanh vùng để phát triển. Còn bây giờ, chúng ta nghĩ tới đặc khu là không có cơ sở lý luận và thiếu trách nhiệm trong phát triển”, ông Hiển nói.

Theo ông Hiển, ở TP.HCM hay Singapore - những nơi có năng lực kinh doanh phát triển thì nó vẫn phát triển. Do vậy, đề xuất cho người nước nhà thuê nhà ở 99 năm hay sở hữu nhà vĩnh viễn chỉ thể hiện sự yếu kém, nhút nhát, chỉ chọn con đường dễ làm mà thiếu trách nhiệm của những người quản lý.

“Đề xuất cho người nước ngoài làm, mình không làm gì hết và cho đó là sáng tạo; nếu như vậy thì đâu có còn trách nhiệm để phát triển quốc gia, phát triển địa phương? Chúng ta không thể cứ giao đất cho người nước ngoài làmtrong khi đáng lẽ mình phải học hỏi.

Tại sao TP.HCM, Singapore phát triển được mà Phú Quốc chưa phát triển thì phải học hỏi. Những quốc gia chúng ta mong muốn học tập để phát triển thì lại không làm theo, mà lại đi lùi về thời của Trung Quốc ngày xưa”, ông nói thêm.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng từ năm 2020 trở đi 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc sẽ có tính lan tỏa, đóng góp tăng GDP địa phương (GRDP) hàng tỉ USD mỗi năm. Từ năm 2030, nhờ các đặc khu này, thu nhập trung bình của người dân sinh sống ở 3 đặc khu này sẽ đạt từ 12.000 đến 13.000 USD/người/năm.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bàn giải pháp cấp nước sạch ở ĐBSCL bằng nhà máy di động trong container
6 giờ trước Theo dòng thời sự
Hiện đã có doanh nghiệp làm được nhà máy nước di động, đầu vào sử dụng nước ngọt và cả nước nhiễm mặn để xử lý thành nước sạch với công suất tới 3.000m3/ngày.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề xuất tự do mua bán nhà ở đặc khu Phú Quốc liệu có tạo ra tiền lệ xấu?