NHNN tiếp tục điều chỉnh thêm 1% nhằm tạo chủ động cho doanh nghiệp và người giữ USD, tránh tình trạng găm giữ USD.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tỉ giá thêm 1% vào ngày 7-5, thời gian qua, tỉ giá trên thị trường vẫn biến động tăng và ở ngưỡng khá cao. Một số thời điểm tỉ giá niêm yết ở NH cao hơn thị trường tự do. Biên độ điều chỉnh tăng theo cam kết của NHNN đã hết. Điều này có tạo áp lực điều hành lên NHNN? Liệu từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ giữ ổn định hay phá vỡ cam kết tỉ giá?
TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, cho rằng tỉ giá năm nay chỉ dừng ở biên độ 2%.
Tăng tỉ giá: Giảm sức ép cho thị trường
Phóng viên: Ông nhận định thế nào về biện pháp điều hành của NHNN khi quyết định điều chỉnh hết biên độ tỉ giá ngay từ giữa năm 2015?
TS Cao Sỹ Kiêm: Theo tôi, NHNN điều chỉnh tỉ giá tăng 1% nằm trong biên độ cho phép và phù hợp với chủ trương của Chính phủ trong điều hành ổn định kinh tế vĩ mô bền vững. Cách điều hành này là bước đi hợp lý của NHNN, phù hợp với diễn biến của thị trường.
NHNN chọn phương án điều chỉnh tăng tỉ giá xuất phát từ các nguyên nhân: Thời gian gần đây cung cầu ngoại tệ có diễn biến mới, tỉ giá trên thị trường sát trần quy định của NHNN. Thị trường đang có biểu hiện xuất khẩu giảm, nhập khẩu tăng lên. Điều này làm cung cầu ngoại tệ mất cân đối, tạo sức ép lên nhiều NH, buộc các NH phải tăng tỉ giá lên sát với thị trường. Trong khi đó, sản xuất kinh doanh trên đà phục hồi, các doanh nghiệp (DN) phải nhập nguyên liệu sản xuất kinh doanh. Việc NHNN tiếp tục điều chỉnh thêm 1% nhằm tạo sự chủ động cho DN và người giữ USD, tạo sự an tâm hơn với họ, tránh tình trạng găm giữ USD.
Tại sao NHNN lại chọn mức tăng 1% thay vì 0,5% để còn dư địa cho cuối năm, thưa ông?
Việc điều chỉnh tỉ giá lần này đòi hỏi yêu cầu đáp ứng nhu cầu thị trường bởi nếu tăng giảm nhỏ giọt 0,5% không tác động nhiều đến nhu cầu thị trường. Mức 1% là mức vừa phải, không cao, không thấp để đủ sức tạo động lực cho thị trường. Đặc biệt tạo sự chủ động cho DN từ nay đến cuối năm trong sản xuất, kinh doanh có hiệu quả hơn. Đây là cách điều hành linh hoạt trong chính sách tiền tệ của NHNN.
Biên độ tỉ giá theo cam kết đã hết, điều này có tạo áp lực điều hành lên NHNN từ nay đến cuối năm?
Theo cam kết của thống đốc NHNN, tỉ giá sẽ điều chỉnh trong biên độ 2% trong năm 2015, khi NHNN thực hiện đúng cam kết này sẽ tạo được lòng tin cho DN và người gửi tiền. Tôi cho rằng tỉ giá năm nay chỉ dừng ở biên độ 2%. Nếu điều chỉnh thấp quá hoặc cao quá với mức 2,5%-3% thì sẽ mất lòng tin với thị trường.
Từ nay đến cuối năm, thị trường có thể biến động, nhất là cuối năm; nếu cơ quan điều hành chờ đến gần hết năm mới điều chỉnh sẽ khiến DN bị động trong sản xuất kinh doanh. NHNN chọn thời điểm giữa năm để điều chỉnh sẽ giảm bớt sức ép cho thị trường. Trong trường hợp xấu nhất, nếu cuối năm có biến động căng thẳng thì NHNN có thể chuyển qua đầu năm 2016 điều chỉnh tiếp giống như đầu năm 2015. Khi đó NHNN đã hoàn thành mục tiêu cam kết 2015, như vậy sẽ không ảnh hưởng đến lòng tin của DN và người dân.
Nên gửi tiết kiệm bằng VND
Tỉ giá trên thị trường những ngày sau khi NHNN điều chỉnh tiếp tục tăng. Điều này tác động ra sao đến nền kinh tế?
Tôi cho rằng đây là hiệu ứng rất bình thường. Tác động của điều chỉnh tỉ giá 1% lên thị trường thường có độ trễ. Tùy vào hoàn cảnh cung cầu, có thể từng thời điểm tỉ giá NH cao hơn thị trường tự do và ngược lại nhưng không ảnh hưởng và đáng ngại trên thị trường. Chúng ta phải chấp nhận theo quy luật thị trường.
Trong bối cảnh hiện nay, ông có lời khuyên gì với người dân khi họ băn khoăn nên gửi USD hay VND?
Theo tôi, đối với người dân gửi tiền thì tỉ giá như hiện nay là mức hợp lý. Nếu họ có USD thì có thể tiếp tục gửi NH. Tuy nhiên, người dân không nên rút tiền tiết kiệm VND để chuyển qua USD vì lãi suất VND đang cao hơn rất nhiều. Tùy vào thực tế và yêu cầu của từng đối tượng để có cách lựa chọn hợp lý.
NHNN điều chỉnh tỉ giá 1% thể hiện tính chủ động, linh hoạt trong điều hành, phù hợp với thị trường, đáp ứng được tâm lý kỳ vọng của thị trường. Đặc biệt trong bối cảnh đồng USD tiếp tục tăng giá (5%) so với các đồng ngoại tệ khác. NHNN đã tạo ra thông điệp rõ ràng đối với thị trường, tạo sự chủ động cho DN, từ đó để họ có kế hoạch tài chính, kinh doanh rõ ràng trong sáu tháng cuối năm. Tăng tỉ giá sẽ góp phần hỗ trợ xuất khẩu trong bối cảnh xuất khẩu chỉ tăng 8% trong bốn tháng đầu năm. Từ đó sẽ giúp giảm nhập khẩu, giảm nhập siêu.
Hiện nay lãi suất tiền gửi VND đang cao hơn nhiều so với lãi suất USD nên động thái tăng tỉ giá 1% của NHNN không tác động nhiều đến sự dịch chuyển giữa hai loại đồng tiền này. Nó chỉ dịch chuyển nếu tỉ giá tăng 3%-5%. Do vậy, không nên rút VND để mua USD gửi ngân hàng, gửi VND vẫn có lợi hơn.
TS CẤN VĂN LỰC, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV
Trà Phương / Pháp Luật TPHCM