Lenore Angey, một cư dân thành phố Cleveland (Mỹ) chưa bao giờ tưởng tượng mình phải quay lại làm việc ở tuổi 76.
Do người chồng sức khỏe không tốt và giá cả mọi thứ từ xăng đến sữa đều tăng cao, nữ nhân viên phục vụ bữa ăn trường học đã nghỉ hưu này hiện làm nhân viên bán hàng bán thời gian tại một cửa hàng bách hóa địa phương để trang trải chi phí thực phẩm cùng thuốc men.
Bà Angey cảm thấy may mắn khi được làm thêm 10 giờ mỗi tuần trong mùa mua sắm bận rộn: “Các dịp lễ sẽ rất khó khăn, không chỉ với người lớn tuổi. May mắn là con dâu tôi nấu tất cả món ăn dịp lễ Tạ ơn và tôi mang thêm ít món đến. Nhưng bữa ăn Giáng sinh chắc chắn khiêm tốn hơn”.
Áp lực lạm phát có thể đang bắt đầu giảm, nhưng giá cả trong phần lớn thời gian năm 2022 luôn cao khiến túi tiền của người lớn tuổi hao hụt nhiều. Lạm phát tiêu dùng tháng 11 tại Mỹ vẫn tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lạm phát không chừa một ai, trong đó người trên 65 tuổi đặc biệt khó khăn vì họ thường chỉ dựa vào thu nhập cố định chứ không thể kiếm thêm bằng làm thêm giờ hay tiền thưởng.
Vấn đề trên sẽ trở nên phổ biến trong vài năm tới khi thế hệ sinh trong khoảng 1946 - 1964 (bắt đầu bước sang tuổi 65 vào năm 2011) gia nhập nhóm dân số nghỉ hưu. Cục Thống kê Dân số Mỹ dự báo đến năm 2050 nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên của nước này đạt 83,9 triệu người - gấp đôi so với 43,1 triệu người năm 2012.
Angey mỗi tháng chỉ nhận được lương hưu ít hơn 1.000 USD/tháng còn chồng bà nhiều hơn chút ít.
Khảo sát do Hiệp hội Người nghỉ hưu Mỹ (AARP) thực hiện tháng trước cho kết quả 1/3 người từ 65 tuổi trở lên nhận xét tình hình tài chính bản thân vào giữa năm nay tệ hơn 12 tháng trước - tháng 1 chỉ có 13% người trả lời khảo sát cảm thấy vậy.
Trong khi gần 50% số người độ tuổi 30 - 49 trả lời khảo sát tin rằng tình hình tài chính bản thân sẽ cải thiện sau 12 tháng, chỉ có hơn 1/4 người từ 50 tuổi trở lên nghĩ vậy.
Giám đốc văn phòng AARP tại bang Arizona Dana Kennedy cho biết: “Nhiều người đang sống bằng thu nhập cố định và phải cắt giảm chi tiêu, hay thậm chí trì hoãn nghỉ hưu”.
Giá cả tăng cao khiến cư dân thị trấn Eastampton (Mỹ) Frank Hiller xét lại thời điểm nghỉ hưu, cũng như suy nghĩ xem liệu có nên tiếp tục ở trong một căn nhà đến 4 phòng ngủ sau khi nghỉ hưu hay không.
“Tôi từng nghĩ thời điểm nghỉ hưu sẽ là 65 tuổi, nhưng giờ chắc là 67 tuổi. Và chúng tôi nghĩ rằng nhà mình cần nhỏ lại. Nhà hiện tại không gian quá lớn, tốn chi phí lớn để duy tu bảo dưỡng”, ông Hiller chia sẻ.
Dù chưa phải thay đổi nhiều để đối phó lạm phát, nhưng gia đình ông Hiller đã xem xét lại gói internet cùng truyền hình cáp, cân nhắc bỏ dịch vụ điện thoại internet.
Giám đốc Kennedy còn ghi nhận tình trạng giá căn hộ ở Arizona tăng cao khiến nhiều người lớn tuổi không thuê nổi.
Kasey Dungan cảm thấy may mắn khi được ở trong một căn hộ trợ cấp dành cho người lớn tuổi tại thành phố Phoenix, sau khi lâm vào cảnh vô gia cư đầu năm nay. Tuy nhiên, chi phí sinh hoạt khiến toàn bộ lương hưu của bà cạn kiệt vào cuối tháng.
“Tôi không có tiền đi xem biểu diễn hay bất cứ thứ gì”, Dungan chia sẻ. Bà tự đi chợ nấu ăn dù đôi lúc cần dùng xe đẩy hỗ trợ, mong chờ mức tăng 8,7% lương hưu tháng tới.
Cư dân Phoenix Lois Nyman may mắn còn khỏe mạnh và có được công việc trợ giảng tại một trường cao đẳng cộng đồng, nhưng lạm phát buộc bà phải thắt chặt chi tiêu.
Nyman cùng hàng xóm ăn tối ngoài quán 1 lần/tháng thay vì 1 lần/tuần như trước. Dịp Tạ ơn bà chỉ mua vài cái chân gà tây thay vì cả con như những năm trước đây.