Trong quan hệ quân sự “tấm khiên và thanh kiếm” với Mỹ, vai trò xưa nay của Cục phòng vệ Nhật Bản (SDF) là “tấm khiên”, nhưng sẽ có sự thay đổi trong dự thảo Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS).
NSS do chính phủ Thủ tướng Fumio Kishida cập nhật, dự kiến sẽ được Quốc hội Nhật Bản phê chuẩn vào ngày mai 16.12, cùng hai tài liệu Chiến lược Phòng vệ Quốc gia và Chương trình Phòng vệ Trung hạn vốn liên quan các chính sách quốc phòng trong 5 - 10 năm tới. NSS tập hợp các chính sách cơ bản về ngoại giao - quốc phòng dài hạn của Nhật Bản.
Trước đây, Nhật Bản duy trì chính sách thiên về phòng thủ, do tuân thủ Điều khoản 9 trong Hiến pháp yêu chuộng hòa bình của nước này. Chính sách này có nghĩa Nhật Bản sẽ chỉ sử dụng vũ lực ở mức tối thiểu nếu như bị thế lực nước ngoài tấn công.
Nhật Bản được Mỹ bảo vệ theo một thỏa thuận an ninh Nhật - Mỹ ký năm 1960, theo đó, Washington có trách nhiệm bảo vệ lãnh thổ Nhật Bản khi nước này bị tấn công.
Chính phủ Nhật từng bàn việc có nên trang bị khả năng tấn công phủ đầu vào các căn cứ địch đang đe dọa tấn công Nhật Bản nhằm mục đích tự vệ, nhưng Tokyo không chọn khả năng này nhằm tránh đe dọa hoặc khiêu khích các quốc gia láng giềng.
Tuy nhiên, trong dự thảo NSS, chính phủ ông Kishida đề cập việc cần có năng lực tấn công trước vào các nước thù địch, nhấn mạnh “cần thiết phải nâng khả năng phòng chặn của quốc gia”.
Tokyo dùng thuật ngữ “năng lực phản kích” để mô tả những hoạt động tấn công phủ đầu. Về lý thuyết, Nhật Bản sẽ mô tả “năng lực phản kích” là một giải pháp phòng thủ không thể tránh được, và là một bước cần thiết tối thiểu trong việc đề phòng bị tấn công tên lửa. Giải pháp này sẽ thực hiện theo 3 điều kiện sử dụng vũ lực dưới đây:
Nhật Bản có thể sử dụng vũ lực nếu xảy ra một cuộc tấn công nhắm vào quốc gia này hoặc một quốc gia có quan hệ thân cận với Nhật Bản mà hậu quả là đe dọa sự tồn vong của Nhật Bản.
Dự thảo NSS nêu Nhật - Mỹ sẽ hợp tác làm việc khi thực hiện “năng lực phản kích”, như hai bên đã hợp tác khi đối phó những tên lửa đạn đạo.
Dự thảo này cũng đề xuất hợp tác phòng vệ Nhật - Mỹ gồm: trang bị các khả năng phản kích, và hai nước đồng minh tăng cường khả năng phòng chặn cũng như đối phó các tình trạng khẩn cấp. Để tăng cường khả năng phòng vệ, chính phủ Nhật Bản đề xuất SDF lập một đơn vị tên lửa đánh chặn từ khoảng cách xa.
Tokyo cũng dự tính triển khai tên lửa hành trình Tomahawk do Mỹ sản xuất, cùng tên lửa đất đối hạm Type 12 của Nhật Bản để tấn công các căn cứ địch đe dọa tấn công Nhật Bản.
Trước đó, đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Fumio Kishida chủ trương Nhật phải có khả năng tấn công căn cứ địch, nhưng đảng Komeito chủ trương yêu chuộng hòa bình lại cảnh giác, vì động thái này có thể thay đổi chính sách thiên về phòng vệ của Nhật Bản.
Để tránh bị cáo buộc vi phạm luật pháp quốc tế khi thực hiện một cuộc tấn công phủ đầu, trước tiên Nhật Bản cần phải xác nhận một thế lực thù địch đang tấn công nước này trước khi phóng tên lửa phản công. Chính phủ Kishida nói sẽ xem xét quyết định dựa trên cơ sở từng trường hợp, xét tình hình quốc tế, phán đoán ý đồ của nước thù địch và cách nước thù địch tấn công.
Dự thảo NSS cũng đề xuất lập kế hoạch phòng thủ mạng, các chương trình đặc biệt để bảo vệ tốt không gian mạng quốc gia; đề phòng các cuộc tấn công mạng có thể gây hậu quả nặng nề cho hoạt động của chính phủ cùng các cơ sở hạ tầng cần thiết, hoặc hạn chế thiệt hại nếu xảy ra tấn công mạng.
Trong các cuộc tấn công mạng của địch, các công ty tư nhân quản lý cơ sở hạ tầng quan trọng sẽ có nhiệm vụ chia sẻ thông tin chi tiết với chính phủ.
Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản cũng xem xét khả năng tăng quyền lực, để thực hiện các giải pháp phòng chống nguy cơ bị tấn công mạng vào các cơ sở hạ tầng nhạy cảm có thể gây nguy hại cho an ninh quốc gia. Các giải pháp này có thể gồm các bước xâm nhập và cô lập các máy chủ được sử dụng vào cuộc tấn công mạng.