Mấy ngày qua, dư luận rất quan tâm đến việc lăng mộ của một vị Tài nhân là vợ vua Tự Đức tại P.Thủy Xuân, TP.Huế, Thừa Thiên - Huế đã bị đơn vị thi công bãi đỗ xe tham quan lăng Tự Đức dùng máy xúc san ủi trong sự xót xa của Nguyễn Phước Tộc! Và dư luận cũng quan tâm, liệu di tích nào của đất cố đô sẽ tiếp tục bị tàn phá nếu tình trạng này tái diễn?

Di tích cố đô Huế: Làm thế nào để sự tàn phá không tiếp diễn?

29/06/2017, 05:33

Mấy ngày qua, dư luận rất quan tâm đến việc lăng mộ của một vị Tài nhân là vợ vua Tự Đức tại P.Thủy Xuân, TP.Huế, Thừa Thiên - Huế đã bị đơn vị thi công bãi đỗ xe tham quan lăng Tự Đức dùng máy xúc san ủi trong sự xót xa của Nguyễn Phước Tộc! Và dư luận cũng quan tâm, liệu di tích nào của đất cố đô sẽ tiếp tục bị tàn phá nếu tình trạng này tái diễn?

Trên tấm bia đá được phát hiện bị chôn vùi sâu khoảng 60cm, có dòng chữ Hán, nội dung: Tiền triều Tài nhân Cửu giai Lê Thị thụy Thục Thuận chi mộ

Như báo chí đã đưa, ngày 21.6 từ thông tin người dân phản ánh đơn vị thi công bãi đỗ xe khách tham quan Lăng Tự Đức và Lăng Đồng Khánh thuộc P.Thủy Xuân, TP.Huế, Thừa Thiên - Huế (chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Chuỗi Giá trị) đã ủi bay lăng mộ được cho là của một bà phi của vua Tự Đức, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước Tộc tại Huế đã kiến nghị dừng thi công để xác minh làm rõ.

Từ ngày 21 - 24.6.2017, con cháu của Hội đồng trị sự Nguyễn Phước Tộc cùng các cơ quan chức năng đã phối hợp tìm kiếm. Cho đến 14 giờ ngày 24.6.2017, đã tìm thấy tấm bia mộ bị chôn vùi khoảng 60cm dưới khu đất làm bãi đỗ xe vừa san ủi.

Thanh tra Sở Văn hóa -Thể thao tiến hành lập biên bản sau khi phát hiện tấm bia của lăng mộ bà Tài nhân với sự chứng kiến của Hội đồng trị sự Nguyễn Phước Tộc và Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế

Tấm bia được tìm thấy đã bị ủi đi xa vị trí nghi có lăng mộ khoảng hơn 100m. Tấm bia có kích cỡ rộng 32cm, dài 67cm, dày 10cm. Trên bia có dòng chữ Hán, nội dung: Tiền triều Tài nhân Cửu giai Lê Thị thụy Thục Thuận chi mộ.

Đối chiếu với danh sách các phi tần của vua Tự Đức được thờ trong lăng, có bài vị của bà Tài nhân họ Lê Thị thụy Thục Thuận, được thờ ở án bên tả ngay vị trí thứ nhất.

Biên bản được lập với đầy đủ chữ ký của những người chứng kiến

Điều đáng nói là trong lúc thi công, đơn vị thi công mặc dù đã phát hiện tấm bia lộ thiên và người dân đã yêu cầu dừng lại nhưng chủ đầu tư không quan tâm mà vẫn cho tiến hành san ủi một cách vô tội vạ. Đây là một việc làm vô cùng tùy tiện, xúc phạm. Một ngôi mộ vốn nằm trong quần thể di tích, cho dù đó không phải là mộ vợ vua Tự Đức thì cũng cần xử lý cẩn trọng. Việc làm này của đơn vị thi công đi ngược lại với thuần phong, mỹ tục của dân tộc Việt Nam.

Thường mộ các bà vợ của các vua rất ít được coi trọng, ngoại trừ những người có cấp bậc cao. Tuy nhiên, đối với triều Nguyễn, mộ phần của vợ các vị vua được xây cất rất trang trọng. Điều đó thể hiện sự nhân văn, tôn trọng của các vua đối với thê thiếp của mình. Một đặc trưng mà hiếm có triều đại nào thể hiện như nhà Nguyễn.

Về bãi đỗ xe 17.000 m2 và trách nhiệm của Sở Văn hóa - Thể thao và Sở Du lịch Thừa Thiên Huế

Theo tờ trình của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên - Huế (từ tháng 6.2016 tách thành 2 Sở Văn hóa - Thể thao và Sở Du lịch) trình UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vào tháng 6.2015 đề nghị xem xét phương án tổng thể mặt bằng trong dự án bãi đỗ xe mà chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Chuỗi Giá trị (TP.Huế) với các hạng mục: bãi đỗ xe, nhà hàng, ki ốt…Tờ trình này đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đồng ý và phê duyệt.

Ngôi mộ bà Tài nhân đã bị san ủi hoàn toàn vào sáng ngày 20.6.2017

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là khu vực này lại nằm trong một quần thể di tích với lăng vua Tự Đức, nơi chôn cất của những người vợ của vua và những di tích lân cận. Chắc chắn rằng việc thu thập các thông tin liên quan về các dòng dõi gia tộc triều Nguyễn sẽ có thiếu sót vì không thể nào có đầy đủ tư liệu và nhân chứng. Điều này cũng dễ hiểu. Vấn đề ở đây là mặc dù trong hồ sơ của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế không có thông tin về lăng mộ này nhưng không phải vì vậy mà có thể tùy tiện và không có sự giám sát chặt chẽ khi thi công san ủi! Đó là sự vô trách nhiệm và thiếu cái tâm của những người làm công tác bảo tồn di sản và phát triển du lịch.

Ngoài ra, Sở Văn hóa - Thể thao và Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế thiếu những nghiên cứu, khảo sát và phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tại hiện trường trước khi trình dự án vì trong quần thể lăng mộ có rất nhiều ngôi mộ của các phi tần vua Tự Đức. Nếu trước đó có sự khảo sát thận trọng, giám sát và đưa ra những khuyến cáo cần thiết cho đơn vị thi công trong lúc thực hiện thì việc san ủi tùy tiện trên đã không xảy ra.

Một câu hỏi nữa cần đặt ra cho Sở Văn hóa - Thể thao và Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế : Đây là một công trình phục vụ cho du lịch nhưng quần thể di tích là những ngôi mộ các phi tần vua Tự Đức chỉ còn lại diện tích khá nhỏ, còn phần diện tích lớn dành cho công trình bãi đỗ xe, nhà hàng, ki ốt…

Trách nhiệm của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế và các cơ quan liên quan

Như đã đề cập ở trên, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế mà người đứng đầu là ông Phan Thanh Hải - Giám đốc cho biết, trước đây Trung tâm đã tiến hành lập hồ sơ các lăng phụ cận lăng Tự Đức, hồ sơ này cho thấy trong khu vực chỉ có lăng của bà Học Phi. Cách trả lời này chưa thỏa đáng và có phần vô trách nhiệm vì lý do khu vực này nằm trong quần thể bao gồm rất nhiều lăng của vợ vua Tự Đức. Dù trong hồ sơ chưa cập nhật đầy đủ nhưng với trách nhiệm của một đơn vị làm bảo tồn di tích thì ngoài những thông tin đã có trong hồ sơ thì cần phải phát hiện những thông tin mới. Cụ thể trước đó phải có sự phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Sở Du lịch để đưa ra các khuyến cáo và giám sát đơn vị thi công trong lúc thực hiện.

Ông Nguyễn Phước Vĩnh Khánh bên cạnh những gì còn lại của lăng bà Tài nhân

Dư luận cũng đặt câu hỏi, có phải Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế chỉ quan tâm đến các di tích lớn mà bỏ qua các di tích nhỏ xung quanh hay không? Lưu ý đây là một quần thể di tích chứ không phải là một công trình dân dụng. Bảo tồn di tích không chỉ là bảo tồn những hạng mục lớn mà phải chú trọng đến quần thể, cảnh quan xung quanh và cả những di tích cho dù là nhỏ. Mọi cách làm tùy tiện dễ dẫn đến hậu quả là một việc đã rồi, không thể nào trở về hiện trạng ban đầu.

Trong việc này, cũng không thể không nói đến vai trò, trách nhiệm của UBND Tỉnh Thừa Thiên - Huế - là cơ quan cao nhất quyết định, xem xét và phê duyệt cho các ngành chức năng trong dự án bãi đỗ xe 17.000 m2.

Cho đến nay, những người đứng đầu của UBND Tỉnh Thừa Thiên - Huế và UBND thành phố Huế đã lên tiếng về những sai trái của các đơn vị tham mưu hay chưa? Đây là những câu hỏi mà dư luận đang rất quan tâm.

Kiến nghị

Cuối cùng, dư luận muốn có sự trả lời cụ thể từ nhà chức trách địa phương về việc di tích lăng mộ trong dự án bãi đỗ xe này bị phá hoại Đây là những hành động không phù hợp với tinh thần của người Việt Nam. Việc này sẽ xử lý thế nào? Đây là một vấn đề cần phải giải quyết một cách rõ ràng và có giải pháp cụ thể để tránh những việc hủy hoại các di tích của cố đô Huế trong tương lai. Sau đây là một số kiến nghị cụ thể:

  • Xử lý các sai phạm của các cá nhân, tổ chức trong sự việc này.
  • Sở Văn hóa - Thể thao và Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cần lập một bản đồ thực địa các ngôi lăng mộ các phi tần. Đặt ra chính sách đặc biệt cho các quần thể di tích này để tránh việc tàn phá và xâm phạm.
  • Với mục đích phục vụ cho bảo tồn văn hóa thì trong vấn đề phát triển du lịch, việc xây dựng không được ảnh hưởng tới quần thể di tích và phá vỡ cảnh quan xung quanh vì giữa các quần thể này có mối liên hệ mật thiết với nhau.
  • Dừng dự án này để có những phản biện của các tổ chức, nhà nghiên cứu và đại diện Nguyễn Phước Tộc để tìm ra hướng giải quyết một cách thấu đáo.

QUANG LONG

Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của một giảng viên đại học, hiện sống tại TP.HCM.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Di tích cố đô Huế: Làm thế nào để sự tàn phá không tiếp diễn?