Tuần rồi, các thông tin mà Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đưa ra tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo TP.HCM khiến dư luận đồng tình. Bên cạnh thông tin về số phận sân golf Tân Sơn Nhất trên đất quốc phòng “trong lòng” sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được cân nhắc vì trên cơ sở “ưu tiên phát triển hàng không, phát triển kinh tế - xã hội”, hai thông tin khác liên quan đến hai vấn đề lớn khác, mở ra khả năng phân bổ lại nguồn lực và sắp xếp lại quản trị quốc gia.

Quân đội không làm kinh tế: Cần quyết sách phân bổ lại nguồn lực

27/06/2017, 15:42

Tuần rồi, các thông tin mà Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đưa ra tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo TP.HCM khiến dư luận đồng tình. Bên cạnh thông tin về số phận sân golf Tân Sơn Nhất trên đất quốc phòng “trong lòng” sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được cân nhắc vì trên cơ sở “ưu tiên phát triển hàng không, phát triển kinh tế - xã hội”, hai thông tin khác liên quan đến hai vấn đề lớn khác, mở ra khả năng phân bổ lại nguồn lực và sắp xếp lại quản trị quốc gia.

Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - Ảnh: Độc Lập/Thanh Niên

Bộ Quốc phòng cũng cho biết đang thực hiện thanh tra toàn bộ hoạt động sử dụng quỹ đất này cũng như sự cần thiết của nó đến an ninh, quốc phòng. Ông Chiêm đồng thời cho biết: "Qua thanh tra, nếu thấy vị trí nào cần thiết cho mục đích an ninh quốc phòng thì vẫn giữ lại, nơi nào không cần thiết Bộ sẽ giao TP.HCM để phát triển kinh tế”.

Thế nhưng quan trọng nhất có lẽ là thông tin “Bộ Quốc phòng cũng thống nhất quan điểm quân đội sẽ không tham gia làm kinh tế... Điều đó có nghĩa là sẽ tổ chức cổ phần hóa và thoái vốn khỏi các doanh nghiệp, dự án sắp đầu tư”.

Vậy là một nguồn lực khổng lồ sẽ được “giải phóng” để phục vụ cho phát triển - xã hội trong thời bình và tách bạch, chuyên nghiệp hóa cả hoạt động quốc phòng lẫn hoạt động kinh tế. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh chung - nguồn lực công cho các công trình cơ sở hạ tầng trọng yếu quốc gia đang dần cạn kiệt, và trong bối cảnh riêng của TP.HCM - siêu đô thị này đang rất cần quỹ đất để triển khai các công trình dân sinh như đường xá, bệnh viện, trường học…

Cũng trong buổi làm việc của Thủ tướng với TP.HCM nói trên, Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất cho TP.HCM giữ lại hơn 67.000 tỉ đồng từ nguồn vốn từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Đây là một trong những cách “gỡ thế bí vốn cho TP.HCM” để thực hiện các dự án đầu tư công cấp thiết.

Nhân đây, cũng nên nhìn lại tiến trình cổ phần hóa DNNN, thoái vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp giờ đã bước vào giai đoạn quyết định nhất, cũng là lúc cân đối ngân sách gặp rất nhiều khó khăn do bội chi, nợ công tăng cao. Hội nghị Trung ương 5 khóa XII vừa ban hành nghị quyết về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN. Bên cạnh quyết tâm đẩy nhanh tiến trình này, nghị quyết đặt ra yêu cầu: Tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước được quản lý tập trung và chỉ sử dụng cho các mục đích chi đầu tư phát triển; không sử dụng cho chi thường xuyên của ngân sách nhà nước. Trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu này rất quan trọng, có ý nghĩa đảm bảo mục tiêu chính sách.

Bởi còn nhớ, năm 2016, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016, theo đó, đồng ý sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước năm 2015 và các năm tiếp theo (khoảng 100.000 tỉ đồng) để xử lý hụt thu cân đối ngân sách Trung ương năm 2015 (khoảng 10.000 tỉ đồng). Bởi sắp tới đây, khi chủ trương cổ phần hóa và thoái vốn khỏi các doanh nghiệp, dự án quốc phòng sắp đầu tư được triển khai trong thực tế, nếu ta cứ “ăn thịt” chính mình, làm hao hụt nguồn vốn cho đầu tư phát triển thì sẽ không cách nào tạo được tăng trưởng kinh tế như kỳ vọng trong tương lai.

Ông Võ Viết Thanh - nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM - sau nỗi vui mừng trước khả năng TP.HCM được tiếp nhận những khu đất quốc phòng được dân sự hóa, đã cảnh báo: “Không được tùy tiện “biến” đất đó làm những nhu cầu khác, không giải quyết bức xúc của TP.HCM”. Nhưng đất cũng như tiền, nguy cơ không chỉ nằm ở mục đích sử dụng. Tiến trình cổ phần hóa DNNN đã và đang có nhiều lổ hổng khiến tài sản nhà nước thất thoát, mà mới đây nhất, Bộ Tài chính đã đề xuất thanh tra hàng loạt dự án bất động sản có nguồn gốc đất từ cổ phần hóa DNNN.

Nhìn rộng ra, những thông tin nói trên không chỉ được nhìn nhận dưới lăng kính giải phóng, huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế. Ở đó, còn đặt ta yêu cầu quản trị nguồn lực, kiểm soát đầu tư công. Muốn vậy, theo một chuyên gia luật, cần phải sắp xếp lại quản trị quốc gia, đảm bảo tất cả các thiết chế quyền lực ở nước ta phải có trách nhiệm giải trình trực tiếp, không né tránh và đùn đẩy trách nhiệm trước nhân dân. Và nếu thu hẹp được tối đa phạm vi DNNN, doanh nghiệp quốc phòng chỉ chuyên tâm phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, kết quả đạt được sẽ không chỉ là sự đảm bảo chức năng, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này, mà còn là tác động lan tỏa đến khu vực tư. Môi trường đầu tư, kinh doanh sẽ cải thiện hơn; sẽ có cạnh tranh bình đẳng, công bằng hơn; nguồn lực đất đai, vốn sẽ được phân bổ hiệu quả hơn… Doanh nghiệp khởi nghiệp thì quốc gia mới khởi sắc được!

THUẬN TRUYỀN

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 2: Những giọt nước nghĩa tình
2 giờ trước Bảo vệ môi trường
Bước vào cao điểm mùa khô, vùng ĐBSCL hiện có hơn 50.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Nguồn nước khan hiếm khiến cho bà con gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quân đội không làm kinh tế: Cần quyết sách phân bổ lại nguồn lực