Di tích Lò gốm cổ Hưng Lợi thuộc phường 16 (quận 8, TP.HCM), không nằm trong phạm vi khu vực trung tâm nhưng nằm trong khung niên đại hình thành đô thị Sài Gòn. Đây là di tích khảo cổ học duy nhất trong nội thành TP.HCM được khai quật. Năm 1998 Lò gốm Hưng Lợi được công nhận là Di tích lịch sử – văn hoá cấp Quốc gia nhưng do công tác quản lý lỏng lẻo dẫn đến hoang phế và vừa bị người dân san phẳng.

Di tích lò gốm 300 năm ở Sài Gòn bị san phẳng như thế nào?

bai cao | 01/07/2019, 14:40

Di tích Lò gốm cổ Hưng Lợi thuộc phường 16 (quận 8, TP.HCM), không nằm trong phạm vi khu vực trung tâm nhưng nằm trong khung niên đại hình thành đô thị Sài Gòn. Đây là di tích khảo cổ học duy nhất trong nội thành TP.HCM được khai quật. Năm 1998 Lò gốm Hưng Lợi được công nhận là Di tích lịch sử – văn hoá cấp Quốc gia nhưng do công tác quản lý lỏng lẻo dẫn đến hoang phế và vừa bị người dân san phẳng.

Một cuộc khảo sát thực địa Lò gốm Hưng Lợi đã diễn ra ngay sau hội thảo diễn ra trung tuần tháng 6 vềBảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TP.HCM– nơi mà các chuyên gia đã cung cấp những thông tin không mấy tích cực về di tích lịch sử quốc gia này. Sau hai cuộc khảo sát, đối chiếu với những tư liệu trước đó, thay vì tường thuật chi tiết những ghi nhận thực tế, nhóm phóng viênNgười Đô Thịlựa chọn cách thể hiện là dựng lại những cột mốc để thấy cung cách quản lý lỏng lẻo, thờ ơ của chính quyền và các cơ quan hữu quan các cấp cụ thể đã "tạo điều kiện" cho di tích lịch sử quốc gia bị người dân lấn chiếm và san phẳng hoàn toàn.

Di tích quốc gia thành phế tích

TS Nguyễn Thị Hậu, một trong những chuyên gia gắn với di tích lịch sử này trong nhiều năm nghiên cứu đề tài từnhững năm đầu thập niên 2000, mô tả trong cuốn “Đô thị Sài Gòn –TP.HCM – Khảo cổ học và bảo tồn di sản”: di tích cấp quốc gia Lò gốm cổ Hưng Lợi đã hư hỏng nặng nề, khu vực lò sụp đổ mất hết dấu tích cuộc khai quật, cảnh quan xung quanh tiêu điều, mục đích bảo tồn và phát huy giá trị di tích không thực hiện được. Sự thờ ơ thậm chí phá hoại của con người, sự vô trách nhiệm của cơ quan quản lý văn hóa các cấp đã biến Di tích khảo cổ học cấp Quốc gia thành một “phế tích”.

Từ trái qua (1) Mái che di tích tháng 1.2009 (2) Mái che di tích tháng 11.2011 (3) Cổng vào di tích 11.2011. Ảnh tư liệu đề tài do TS Nguyễn Thị Hậu cung cấp

Thời điểm năm 2009, lối đi vào di tích từ phía bắc (kênh Ruột Ngựa) đã bị bít kín bằng khu mộ trước đây và hiện nay có thêm nhiều nhà ở. Trong khu di tích cỏ dại, cây rậm rạp, đặc biệt là nhiều cây keo rất hợp với đất ở đây nên nhanh chóng phát triển và cao lớn, xanh tốt trùm gần hết khu lò nung gốm, rễ cây ăn sâu vào lớp đất sẽ làm sụp đổ di tích.

Hàng rào xung quanh đoạn còn đoạn mất, di tích hiện nay như một khu vực đất hoang.

Phần chính của di tích (lò gốm) đã bị thời tiết, mưa nắng và con người san bằng gần như toàn bộ làm cho không thể xác định các vị trí đâu là cửa lò, vách lò… Các lớp đáy của lò chồng lên nhau cũng bị đất lấp kín. Những dấu tích lò trong quá trình khai quật đã giữ lại để bảo tồn bị người dân vào lấy đất và mảnh sành về san lấp lối đi, những khu vực còn lại bị cỏ cây và loại keo lớn mọc kín.

Toàn bộ mái che cho di tích hiện đã sụp đổ chỉ còn cổng di tích cũng bị nứt và dây leo mọc trùm lên. Tấm bảng ghi tên di tích đã được công nhận khi trước gắn vào cổng, nay không hiểu lý do gì mà đã được tháo gỡ, được người dân ở đây cho biết đã đem về cất tại Ủy ban nhân dân phường 16 quận 8. Hơn chục năm qua, nhân sự quản lý văn hóa của phường có nhiều thay đổi nhưng đều bất lực trước việc tranh chấp đai của người dân với khu di tích, có tâm lý ngán ngại đụng chạm… Hầu hết những người dân sống tại đây trong khoảng 10 năm trở lại đều không biết gì về di tích này, mặc dù họ chỉ cách đó một vài căn nhà. Do vậy, ý thức của mọi người về việc bảo vệ di tích không hề có.

Một chi tiết quan trọng được nhắc đến, đó là sau cuộc khai quật (1997 – 1998), nhất là từ lúc được công nhận di tích, các cơ quan quản lý văn hóa của quận 8 và Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM đã gặp sự phản ứng quyết liệt của một số gia đình sinh sống tại khu vực này liên quan đến quyền sử dụng đất và đền bù đất đai trong khuôn viên di tích. Quá trình giải quyết các thủ tục liên quan kéo dài nhiều năm, trong khi đó khu vực phường 16 quận 8 biến đổi thành khu dân cư mới, giá đất tăng nhanh…

Di tích lò gốm Hưng Lợi thành phế tích. Ảnh tư liệu:Trung Chánh

Nếu đối chiếu với chính sách “đãi ngộ” cho di tích này thời gian đầu, mới thấy công tác bảo tồn giậm chân tại chỗ: Ngay sau khi lò gốm cổ Hưng Lợi được công nhận di tích cấp quốc gia (1998), các cơ quan hữu quan của thành phố đã bắt tay vào việc khoanh vùng bảo vệ, đặc biệt đã xây tường ngăn để chống xâm hại, lấn chiếm di tích. Chiếc cổng khá kiên cố, xứng tầm di tích và một mái che kết cấu khung nhà bằng gỗ và tôn lợp được dựng lên che mưa nắng. Mặc dù mái che chưa có tính mỹ thuật, chưa tạo điều kiện tốt cho người vào ra nghiên cứu và tham quan di tích nhưng đã là động thái tích cực để bảo tồn. Chính nhờ có mái che mà vài năm sau, hiện trường di tích được đảm bảo, lò gốm cổ tuy không hoàn hảo nhưng vẫn giữ được hiện trạng các hố khai quật khảo cổ làm xuất lộ vách ngăn lò, ống khói, vách lò và những bờ bao chống lò ở vách đông cùng những cửa ra vào sản phẩm…

Nhà nước đã chi tiền cho một người (nhà ở liền kề di tích) mỗi tháng 200.000 đồng làm công tác bảo vệ.

Những cảnh báo đã bị phớt lờ

Năm 2001, báo chí bắt đầu đặt vấn đề di tích lịch sử lò gốm Hưng Lợi bị lãng quên. Bài viết trên Người Lao Động, mô tả: “Do không được quan tâm bảo tồn, gìn giữ nên di tích này đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Ngay cả anh Trần Văn Tuấn, cán bộ văn hóa - xã hội phường 16, quận 8, cũng bị lạc đường khi dẫn chúng tôi (tác giả bài báo - PV) vào khu di tích này.”

Thời điểm tháng 1.2018, nhiều cơ quan báo đài đã liên tục phản ánh về thực trạng di tích lịch sử lò gốm Hưng Lợi 300 năm tuổi nhưng bỏ hoang, giống nơi chứa rác. Vnexprees đưa tin: Theo UBND phường 16, khu di tích lò gốm Hưng Lợi đang dính tranh chấp chủ quyền với người đàn bà 61 tuổi ngụ gần đó. Quận 8 từng lập nhiều đoàn công tác để xác định, cắm mốc ranh giới nhưng bà này không đồng tình vì cho đây là khu đất gia đình có chủ quyền từ năm 1946-1947. Nếu muốn lập làm di tích, nhà nước phải có phương án bồi thường. Hiện, bà này vẫn tiếp tục khiếu kiện.

Ảnh lò gốm Hưng Lợi tháng bị người dân biến thành nơiphơi quần áo, trồng cây. Ảnh tư liệu:Báo Văn Hoá

Ụ đất là khu di tích lò gốm giờ đây đã bị che lấp (tháng 1.2018). Ảnh tư liệuVietnamnet

Di tích khảo cổ học cấp quốc gia Lò gốm Hưng Lợi, một trong những làng nghề nổi tiếng của Sài Gòn xưa giờ như một gò đất hoang cỏ cây mọc um tùm tháng 5.2018. Ảnh tư liệuVGP

Cùng thời điễm đó, chia sẻ với phóng viên, ông Lê Minh Tâm – Phó chủ tịch UBND phường 16, quận 8 (hiện nay ông Tâm là Quyền chủ tịch UBND phường 16), chia sẻ: "Đến cái cổng sắt dẫn vào trong lò gốm di tích bị hư hỏng mình xin kinh phí để sửa chữa cũng không được. Phường tự hào có một di tích cấp quốc gia nhưng lại không ai biết, không có khách đến tham quan... nghĩ cũng chạnh lòng”.

Trong tuyến bài liên quan đến Lò gốm Hưng Lợi, báo Văn hoá ngày 10.1.2018 có bài viết phản ánh mặc dù đây là khu vực cần phải bảo vệ nghiêm ngặt nhưng người dân vẫn thuê máy ủi san gạt đất, khiến cho di tích lò gốm bị biến dạng nghiêm trọng. Theo hồ sơ công nhận, khu vực bảo vệ di tích (khu vực bảo vệ bất khả xâm phạm) có chiều dài 100m, rộng 100m với tổng diện tích 10.000m2. Trong khu vực này tuyệt đối nghiêm cấm mọi sự xây dựng hoặc xâm chiếm. Không một tổ chức hay cá nhân nào được tự ý tháo gỡ, thay đổi vị trí hoặc làm hư hại, giảm giá trị vốn có của di tích. Thế nhưng, khoảng tháng 7.2017, một người dânđã tự ý thuê xe ủi tiến hành san lấp đất, trồng cây xanh trong khu vực bảo vệ.

Xác nhận với phóng viên tại thời điểm đó, ông Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch UBND phường 16, cho biếtthời điểm diễn ra vụ việc trên là ngày 14.7. Gia đình người dân nàyđã có hành vi thuê xe ủi để san lấp mặt bằng làm thay đổi hiện trạng khu bảo vệ di tích khảo cổ. Diện tích đất bị san phẳng khoảng 200m2. Trước sự việc nghiêm trọng này, phường lập biên bản xử lý nhưng người dân nàykhông ký văn bản vi phạm và khẳng định “đất của gia đình tui, không có khu di tích nào ở đây. Tôi muốn làm gì thì làm”. Công an quận 8 đãthụ lý hồ sơ xác định hành vi vi phạm về xâm hại di tích. Ông Tâm cho biết thêm, trước mắt để bảo vệ di tích không bị xâm hại, UBND phường 16 đã cử công an khu vực, cán bộ địa chính cùng lực lượng bảo vệ dân phố thường xuyên theo dõi, bảo vệ di tích.

Thậm chí tình hình còn xấu hơn khi mặc dù đây là khu vực cần phải bảo vệ nghiêm ngặt nhưng người dân vẫn thuê máy ủi san gạt đất, khiến cho di tích lò gốm bị biến dạng nghiêm trọng. Ảnh báo tư liệu báoVăn hoá

Ít tuần sau, Sở VHTT TP.HCM có văn bản báo cáo Bộ VHTTDL và UBND TP.HCM về vấn đề này. Văn bản của Sở VHTT TP.HCM nêu rõ “Qua phản ánh của BáoVăn Hóa, Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát thực tế tại di tích, qua đó nhận thấy nội dung phản ánh của BáoVăn Hóalà đúng với thực tế”. Văn bản cũng cho biết, việc xâm hại di tích do bà N.T.P. đã tự ý thuê xe ủi san lấp một phần diện tích khu vực bảo vệ I di tích. Các ban, ngành của quận 8 đã kịp thời ngăn chặn. Trên cơ sở đó, Sở có văn bản đề nghị UBND quận 8 chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc quận xử lý nghiêm hành vi nêu trên và rà soát, tiếp tục đề xuất việc điều chỉnh khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích phù hợp với tình hình thực tế và theo quy định của Luật Di sản văn hóa, làm cơ sở cho việc tu bổ, tôn tạo di tích.

Sở này cho biết, việc hình thành sân bóng đá mini (cỏ nhân tạo) trong khu vực bảo vệ di tích vào khoảng năm 2011. UBND quận 8 không báo cáo và xin ý kiến của Sở. Việc kinh doanh sân bóng đá mini nêu trên được thực hiện sau khi di tích được xếp hạng. Văn bản của Sở cho rằng, để xảy ra việc xâm hại di tích nêu trên, trách nhiệm trước hết thuộc về UBND phường 16 và quận 8.

Sở cũng nhận trách nhiệm chậm trễ trong việc tham mưu, đề xuất tu bổ, tôn tạo di tích và điều chỉnh khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích.

Mất bò mới lo làm chuồng

Trung tuần tháng 6.2019. Con hẻm 39/18 Nguyễn Ngọc Cung dẫn vào di tích quốc gia vẫn ngoằn nghèo nhưng càng về cuối cảm tưởng như đó là lối bộ hành của một dãy nhà trọ. Cánh cổng sắt còn mới của di tích với ổ khoá dán niêm phong, tường rào bằng thép b40 kế bên treo bảng thông báo, trong đó có dòng chữ to, chi: Nghiêm cấm mọi hành vi xâm hại di tích. Vậy nhưng, ngay trước cánh cổng sắt của di tích, người dân mặc nhiên phơi phóng quần áo.

Tuy nhiên, nhìn vào “di tích” mới thấy giật mình bởi đó chỉ là một nền đất trống, trên đó cắm chơ vơ tám biển có nội dung tương tự như tấm biển treo gần cổng sắt. Đem thắc mắc tại sao di tích lò gốm cổ sao giờ nhìn như một nền đất mới giải phóng mặt bằng, đầy xà bần và rác, Quyền chủ tịch UBND phường 16 thừa nhận là tháng 3 vừa qua dân lại vừa mới cho xe vào ủi. Vị này thừa nhận, hành động huỷ hoại di tích này diễn ra vào ngày cuối tuần đến thứ hai chính quyền đại phương mới biết. Chính quyền địa phương lập tức cho làm lại hàng rào, lắp cổng sắt như vừa mô tả. Điều đáng quan ngại là lúc cơ quan công an đang thụ lý điều tra vụ án san lấp huỷ hoại di tích từ năm 2017 thì nay tình trạng này lại tái diễn và chính quyền địa phương thì mất bò mới lo làm chuồng.

Một số hình ảnh về những gì còn sót lại của Di tích cấp Quốc gia - Lò Gốm Hưng Lợi:

Đầu hẻm vào di tích lò gốm Hưng Lợi có treo biển cảnh báo nhưng xem ra người ta không sợ luật khi không chỉ xâm phạm mà còn san ủi luôn vùng lõi di sản. Ảnh: Trung Dũng

Trước cổng di tích quốc gia - Lò gốm cổ Hưng Lợi. Ảnh Trung Dũng

Người dân phơi quần áo, để vật dụng ngay trước cổng di tích quốc gia.Ảnh Trung Dũng

Dấu niêm phong trên cổng sắt bảo vệ khu di tíchnhưng có vẻ mọi thứ đã quá muộn. Ảnh: Trung Dũng

Bởi bên trong, cái gọi là di tích quốc gia lò gốm Hưng Lợi như mộtnền đất đầu vừa mới được giải phóng mặt bằng xong. Ảnh: Trung Dũng

Nhiều người hẳn sẽ xót xa bởidi tích quốc gia giờ như một bải rác đầy xà bần. Ảnh: Trung Dũng

Theo Người Đô Thị

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Di tích lò gốm 300 năm ở Sài Gòn bị san phẳng như thế nào?