4 năm 4 tháng phải sống cô đơn hoàn toàn trên hoang đảo - đó là cái giá phải trả cho cá tính ưa gây gổ và khinh đời của viên hoa tiêu người Scotland Alexander Selkirk sống thời cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18. Và rồi chính ông đã trở thành nguyên mẫu cho nhân vật Robinson Crusoe trong tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Anh Daniel Defoe (1660-1731).

Đi tìm nguyên mẫu của Robinson Crusoe

27/05/2017, 08:55

4 năm 4 tháng phải sống cô đơn hoàn toàn trên hoang đảo - đó là cái giá phải trả cho cá tính ưa gây gổ và khinh đời của viên hoa tiêu người Scotland Alexander Selkirk sống thời cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18. Và rồi chính ông đã trở thành nguyên mẫu cho nhân vật Robinson Crusoe trong tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Anh Daniel Defoe (1660-1731).

Robinson Crusoe một mình trên hoang đảo.

Ngày 2.2.1709 là một ngày bình thường với mọi người nhưng lại là ngày đặc biệt của hoa tiêu Alexander Selkirk. Ông đã chờ đợi ngày đó suốt hơn 4 năm, với mong ước cuối chân trời sẽ xuất hiện bóng dáng một con tàu nào đó để rồi nó sẽ cứu ông thoát khỏi hoang đảo và trở về cố quốc.

Robinson Crusoe săn dê trên núi

Vâng, suốt 4 năm 4 tháng Alexander Selkirk đã sống một mình trên hoang đảo chỉ vì một phút bồng bột dại dột của mình. Số là trong một cuộc cãi vã kịch liệt với thuyền trưởng, ông đã tuyên bố sẽ rời con tàu mà mình đang làm hoa tiêu, sẵn sàng lên bờ khi tàu cập bất kỳ hòn đảo nào gần nhất, cho dù đó là đảo hoang. Thực tâm, ông luôn hy vọng sẽ có con tàu nào đó khác ghé đảo và rồi ông sẽ “nhập hội” với thủy thủ đoàn trên tàu đó để trở về đất liền. Thực tế đã diễn ra như vậy, nhưng thời gian chờ đợi là vô cùng dài lâu so với dự kiến ban đầu. Quả thực, ngay cả trong những cơn ác mộng kinh hoàng nhất Alexander Selkirk cũng không thể hình dung ra những gì đang chờ đợi mình trong hơn bốn năm sau khi dại dột đưa ra lời tuyên bố thể hiện “nguyên tắc sống” của mình. Theo giới nghiên cứu, phê bình văn học, chính câu chuyện về những tháng năm mỏi mòn trên hoang đảo của Selkirk đã trở thành nguồn cảm hứng cho văn hào Daniel Defoe viết nên kiệt tác Robinson Crusoe.

Tượng Alexander Selkirk

Chuyện thật của 3 thế kỷ về trước

Cách đây hơn 300 năm, ở Scotland, cậu bé Alexander Selkirk rất mê những chuyện phiêu lưu mạo hiểm. Cậu hoàn toàn không muốn kế tục nghề thuộc da của cha mình. Khi đến tuổi trưởng thành, chàng trai này tuyên bố với gia đình rằng mình sẽ đăng ký chân thủy thủ trên một con tàu chuẩn bị hành trình sang châu Phi. Sau chuyến hải hành đầu tiên, Alexander có được một số tiền lớn cùng một số vàng bạc. Nhiều người trong số họ hàng, người quen… cho rằng có lẽ Alexander tham gia các toán cướp biển nên mới có nhiều tiền của như thế. Chuyện chàng trai có tham gia cướp biển hay không thì không rõ thực hư thế nào, nhưng chàng luôn đau đáu với “nghề đi biển kiếm tiền dễ như trở bàn tay”. Thế rồi vào đầu năm 1704, cơ hội lại đến với Alexander lúc đó 27 tuổi khi được nhận làm chân hoa tiêu trên tàu Cinque Ports, một thành viên hạm đoàn do tên cướp biển đồng thời là nhà hải hành nổi tiếng thời đó William Dapier làm chủ soái. Thời điểm này, Dampier đang chuẩn bị chuyến đi cho hạm đoàn đến Nam Mỹ để khai thác vàng, vì thế Alexander cảm thấy chuyến hải hành này sẽ dành cho mình rất nhiều hứa hẹn. Chuyến đi khởi đầu khá êm đẹp, mọi chuyện đều “buồm xuôi gió thuận”. Nhưng từ khi trên tàu có sự thay đổi nhân sự (Dampier chỉ định Thomas Stredling thay thế thuyền trưởng cũ), nhiều rắc rối bắt đầu nảy sinh. Stredling rất không ưa viên hoa tiêu bướng bỉnh Selkirk. Giữa hai người thường xảy ra cãi vã không chỉ trong những chuyện sinh hoạt mà còn cả trong các vấn đề chuyên môn. Viên thuyền trưởng luôn tự tin vào sự lựa chọn đường đi của mình, trong khi đó hoa tiêu lại khăng khăng cho rằng nếu đi theo hải trình của thuyền trưởng thì chắc chắn sẽ dẫn đến cái chết cho toàn bộ thủy thủ đoàn – vì đói và bệnh dịch.

Con tàu lênh đênh trên Đại Tây Dương suốt hơn một năm trời, thỉnh thoảng tổ chức tấn công các tàu buôn của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha để cướp hàng hóa và kiếm cái ăn. Khi đến gần bờ biển Chile ngày nay, tàu Sinque Ports chuyển hướng tới quần đảo Juan Fernández. Tại đây lại tiếp tục nổ ra một cuộc xung đột dữ dội giữa thuyền trưởng và hoa tiêu, kết cục là Selkirk nhất quyết đòi lên bờ ở hòn đảo gần nhất, chỉ một mình, với một vài vật dụng cần thiết. Được sự đồng ý của thuyền trưởng, anh em thủy thủ trao cho viên hoa tiêu trẻ tuổi một khẩu súng săn cùng một lượng kha khá thuốc súng, một ít thuốc lá sợi cùng ít diêm quẹt, một chiếc rìu, một con dao, một cái nồi và quyển Kinh Thánh duy nhất trên tàu. Khi cơn bốc đồng lắng xuống, Alexander Selkirk hối hận, muốn trở lại tàu (lúc đó còn neo đậu bên cạnh đảo). Viên hoa tiêu xin được tha thứ, nhưng thuyền trưởng vẫn không nhân nhượng, dứt khoát giữ nguyên quyết định của mình. Tàu nhổ neo, bỏ lại Alexander bơ vơ một mình trên hoang đảo.

Robinson Crusoe nuôi dê trên đảo hoang

Vật lộn với cuộc sống trên hoang đảo

Hòn đảo mà Selkirk phải sống cô đơn trên đó suốt hơn 4 năm ròng chính là đảo Mas - a - Tierra ngày nay (từ đầu thế kỷ 20, đảo này còn được dân chúng địa phương gọi là đảo Robinson Crusoe, theo tên nhân vật trong tiểu thuyết của Defoe). Thời gian đầu, ông vẫn lạc quan hi vọng mình sẽ nhanh chóng được cứu, vì các tàu thuyền chắc chắn sẽ ghé vào đây để lấy nước ngọt. Nhưng rồi dần dần ông hiểu ra rằng thời gian chờ đợi có thể sẽ kéo dài rất lâu và bản thân phải làm quen với cuộc sống cô đơn lâu dài nơi hoang dã.

Về sau, Alexander Selkirk kể lại rằng ông phải mất một năm rưỡi để thích hợp được với cảnh cô đơn và tạo lập, ổn định cuộc sống một mình trên hoang đảo. Dĩ nhiên, thời gian đầu, những món đồ dự trữ mang theo đã giúp ông thoát đói. Trên đảo có nhiều dê núi, ông có thể săn chúng lấy thịt để ăn và lấy da làm quần áo mặc. Khảo sát toàn khu vực, ông ước lượng hòn đảo có chiều dài khoảng 20km, chiều ngang chỗ rộng nhất – 5km. Ngoài dê núi, ông có thể bẫy chim, bắt rùa, câu cá để ăn.

Nhưng khi diêm và thuốc súng cạn kiệt, mọi khó khăn phức tạp bắt đầu nảy sinh. Nguy cơ bị đói rất cao. Nhưng rồi Selkirk cũng tìm ra lối thoát: khi tìm thấy những ổ dê mới đẻ, ông dùng dao cắt gân chân của dê con để về sau khi lớn lên chúng không thể chạy nhanh và nhờ vậy ông có thể rượt theo chúng để bắt bằng tay không. Để có lửa, ông bắt chước người tiền sử cọ hai thanh gỗ vào nhau cho đến khi phát cháy. Trong những thanh ván xác tàu trôi dạt vào bờ đảo, ông tìm được một số cây đinh quý giá dùng làm lưỡi câu và làm dùi khâu quần áo từ da dê. Dần dà, mọi vấn đề sinh hoạt được giải quyết tạm ổn. Nhưng viễn cảnh phải sống cô đơn trọn đời trên hoang đảo trở thành nỗi ám ảnh nặng nề. Mỗi ngày Selkirk đều dành một ít thời gian leo lên đỉnh núi cao dõi mắt về bốn phía chân trời, mong đợi một con tàu cứu mệnh. Cũng cần biết thêm rằng sau khi rời đảo Mas - a - Tierra không lâu thì tàu Cinque Ports gặp nạn bị đắm, không một ai sống sót, thành thử thông tin về chàng hoa tiêu Alexander Selkirko cùng, quyết định rời tàu.

Cũng cần biết rằng thỉnh hoảng Selkirk có nhìn thấy một vài con tàu, thậm chí chúng cũng ghé vào đảo lấy nước ngọt, nhưng đó toàn là tàu mang cờ Tây Ban Nha, mà thời đó, Anh và Tây Ban Nha thù địch nhau sâu sắc nên một người có dính dáng đến cướp biển Anh như ông khó lòng thoát sự trừng phạt của thủy thủ Tây Ban Nha.

Chỉ đến năm 1709, số phận mới mỉm cười với Selkirk – từ “vọng hải đài” của mình, ông nhìn thấy một con tàu mang cờ Anh. Con tàu Anh (có tên Duke) tiến gần đến đảo để lấy nước ngọt. Selkirk vội chạy nhanh xuống bến. Các thủy thủ trên tàu Duke thật sự hoảng hồn khi trước mặt họ xuất hiện một “người rừng” tóc râu rậm rịt, che thân bằng những mảnh da thú tả tơi, nói tiếng Anh ú ớ. Do suốt hơn 4 năm không hề được nói chuyện với ai nên đương sự gần như mất hết kỹ năng phát âm tiếng người. Nhưng dần dà, khi được mọi người trên tàu trợ giúp, Selkirk đã có thể kể tóm tắt về câu chuyện đời mình. Thuyền trưởng Woodes Rogers của tàu Duke thân mật gọi Selkirk là “chúa đảo Mas – a – Tierra”.

Robinson Crusoe phát hiện những kẻ thù nghịch và chàng không thể xuất hiện.

Tàu Duke dừng chân ở đảo gần 2 tuần, nhổ neo rời đảo vào ngày 14/2/1709, nhưng mãi gần 3 năm sau (chính xác là 33 tháng) mới cập cảng ở Scotland bản quán. Việc Alexander Selkirk trở về thành phố quê hương sau 7 năm lưu lạc trở thành đề tài nóng ở quê nhà. Trong số những người kéo tới nghe câu chuyện người thật việc thật về cuộc phiêu lưu đầy truân chuyên gian khó từ chính miệng của đương sự có cả nhà văn Daniel Defoe lúc bấy giờ đã khá nổi tiếng. Ý tưởng cho tiểu thuyết Robinson Crusoe của ông ra đời từ câu chuyện ấy.

Chuyến “lưu đày” (dù là tự nguyện) suốt hơn 4 năm trên hoang đảo vẫn không làm nhụt niềm đam mê của Alexander Selkirk với nghề đi biển. Vài năm sau ông lại xuống tàu ra khơi trong những chuyến viễn du đầy lãng mạn. Thật không may, năm 1720, trong chuyến hải hành tới vùng Tây Phi, Selkirk đã qua đời trong một cơn dịch sốt rét. Vì hòn đảo nơi ông sống một mình suốt hơn 4 năm đã “lỡ bị đặt tên” là Robinson Crusoe, tên ông ngày nay được đặt cho một hòn đảo gần đó, cũng thuộc quần đảo Ju.

Phạm Bá Thủy

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Lời giải bài toán thiếu nhân lực số tại Việt Nam
1 giờ trước Khoa học - công nghệ
Số lượng nhân sự về công nghệ số mà các công ty tại Việt Nam còn thiếu hằng năm khoảng 170.000 người. Giải pháp nào để tháo gỡ thực trạng này?
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đi tìm nguyên mẫu của Robinson Crusoe