Ba tháng qua, TP.Cần Thơ thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, gần 100% doanh nghiệp (DN) TP ngừng sản xuất kinh doanh. Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho rằng: “không chỉ DN Cần Thơ mà cả các DN vùng ĐBSCL đã kiệt sức rồi, cần có lộ trình sớm mở cửa trở lại”.
Theo ông Nguyễn Phương Lam, ghi nhận của VCCI trong 3 tháng qua, từ khi dịch bệnh bùng phát, DN trên địa bàn TP.Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL đã kiệt sức để chống chọi với dịch bệnh. TP.Cần Thơ đã có gần 10.000 DN đóng cửa. Trong tháng 8.2021 cả ĐBSCL chỉ còn chưa đến 250 DN hoạt động cầm chừng, sản xuất 20-40% công suất, trong tổng 75.000 doanh nghiệp. Dịch COVID-19 có tác động rất lớn đối với nền kinh tế toàn vùng.
Hiện nay, DN chờ được phép tái sản xuất kinh doanh như “Trời hạn trông mưa” và muốn chính quyền hỗ trợ: chi phí test COVID-19 định kỳ, các chính sách về quản lý, vận chuyển hàng hóa... Vay vốn để tiếp tục sản xuất kinh doanh, TP nhanh chóng thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ để doanh nghiệp có nguồn lực và điều kiện tái sản xuất.
VCCI Cần Thơ cùng các chuyên gia kinh tế và cộng động doanh nghiệp, kiến nghị các tinh ĐBSCL có lộ trình mở cửa, nhóm ngành ưu tiên và phương cách tổ chức sản xuất như sau:
Nhóm ngành sản xuất đông công nhân, điều kiện sản xuất trở lại: lao động được tiêm vắc xin (1 mũi và 2 mũi); lao động vùng xanh được đi làm nhưng có kiểm soát qua thông tin xét nghiệm định kỳ, doanh nghiệp chưa từng có ca nhiễm... là những điều kiện ưu tiên cho hoạt động ngay và tất cả được thực hiện theo mô hình "con người xanh - doanh nghiệp xanh - tuyến đường xanh".
Nhóm ngành nông nghiệp, nuôi trồng cung ứng nguyên liệu nông thủy sản, ưu tiên tiêm vắc xin ngay cho nhóm đối tượng là thương lái vận tải, bốc vác, người thu mua nguyên liệu...
Nhóm ngành thương mại dịch vụ, ưu tiên tái khởi động chợ truyền thống. Sớm ưu tiên nhà hàng, cơ sở ăn uống... thực hiện bán hàng mang về và tại chỗ với quy định giãn cách trên diện tích phục vụ.
Việc này sẽ giải quyết ngay thu nhập hằng ngày cho các cơ sở nhỏ cũng như lượng lao động đang chờ trợ cấp, giảm áp lực cho TP.
Theo báo cáo của VCCI Cần Thơ, trong 6 tháng đầu năm 2021, cả nước có 804 dự án FDI cấp mới (giảm 43,30% so với cùng kỳ năm 2020). Về dự án FDI cấp mới ở ĐBSCL 6 tháng đầu năm 2021 có 50 dự án (giảm 51,46% so với cùng kỳ năm 2020). Điều này cho thấy so với các dự án FDI cấp mới của cả nước thì các dự án FDI cấp mới 6 tháng đầu năm 2021 của ĐBSCL đang có xu hướng giảm về số lượng dự án. VCCI chưa có số liệu thống kê từ tháng 7 đến tháng 9, nếu có, chắc chắn số dự án đầu tư vùng ĐBSCL sẽ sụt giảm rất nhiều.