Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định với đợt dịch đang bùng phát tại Việt Nam, nhất là ở TP.HCM, số ca diễn tiến nặng gia tăng là vấn đề đáng lo ngại.
Lo ngại gia tăng các ca diễn tiến nặng, ca tử vong
Theo Thứ trưởng Sơn, dù việc điều trị bệnh nhân COVID-19 vẫn trong tầm kiểm soát nhưng tại một số tỉnh, thành, tỷ lệ F0 có triệu chứng diễn tiến nặng đang gia tăng, đặc biệt là TP.HCM. Còn tại Đồng Tháp, tỷ lệ bệnh nhân nặng đòi hỏi hỗ trợ oxy, oxy mask, oxy dòng cao (HFNC), ECMO..., ngày càng tăng. Nhu cầu máy thở của một số địa phương đã vượt quá khả năng đáp ứng của ngành y tế.
“Tỷ lệ tử vong ở Việt Nam hiện giờ là 0,43%. Tại TP.HCM có khả năng tăng lên hơn 0,6%. Tại Đồng Tháp, tỷ lệ tử vong sẽ còn cao hơn nữa. Điều này chứng tỏ Việt Nam đang tiệm cận với tỷ lệ tử vong trên thế giới. Chúng ta phải rất lưu ý các trường hợp bệnh nhân trở nặng và bắt buộc phải sử dụng biện pháp hỗ trợ”, Thứ trưởng Sơn cho hay trong hội nghị sáng 16.7 của Bộ Y tế.
Thứ trưởng cũng đề nghị các tỉnh, thành tập trung những biện pháp mạnh để giảm thiểu tác hại này bằng cách tăng cường các hệ thống về nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế, kể cả hệ thống oxy và khí nén cho các cơ sở điều trị và khu điều trị bệnh nhân nặng.
Thứ trưởng Sơn cũng cho hay Bộ Y tế đã nhận được đề xuất về hỗ trợ trang thiết bị điều trị COVID-19 của TP.HCM và một số tỉnh, nhưng phải "liệu cơm gắp mắm". Ngoài ra, ông cũng cho biết dù Bộ Y tế đã điều động máy test nhanh, máy thở HFNC cần thiết cho các địa phương nhưng số lượng hạn chế. Do vậy, các địa phương nên chủ động theo tinh thần "4 tại chỗ" và không nên phụ thuộc quá nhiều vào trung ương.
Dịch nổ như đom đóm khắp nơi và nguy cơ lây chéo trong khu cách ly
Về tình hình dịch tại TP.HCM, Thứ trưởng Sơn lo ngại về khả năng lây chéo ở các khu phong tỏa, cách ly.
Về cơ bản, dù thành phố đã kiểm soát, tầm soát được các khu phong tỏa, vùng nguy cơ cao, doanh nghiệp trong cộng đồng nhưng số lượng ca mắc COVID-19 được phát hiện ở khu cách ly và vùng phong tỏa khá cao rất đáng lo ngại.
“Bên cạnh việc chúng ta kiểm soát được, thì cũng có những vấn đề đặt ra liên quan lo ngại về khả năng lây nhiễm ở vùng này hay không. Một số địa phương chưa có camera. Bên cạnh đó, các hoạt động cách ly, chẳng hạn TP.HCM yêu cầu cách ly 2 người một phòng, liệu đã đảm bảo hay chưa? Đây là vấn đề chúng ta cần nhìn nhận thẳng thắn. Chúng tôi rất lo ngại trước tình hình này”, thứ trưởng chia sẻ.
Ông Sơn cũng cho biết công thức truy vết gồm phát hiện sớm, truy vết, khoanh vùng, dập dịch, chú trọng khu công nghiệp từng rất thành công trong các đợt dịch trước và ở một số tỉnh, thành có ca mắc tương đối ít, có thể kiểm soát. Họ có thể truy vết được từ một F0 ra hàng chục F1, thậm chí có những chuỗi dịch bệnh lan nhanh ra hàng trăm người.
“Bây giờ, dịch nổ ra như đom đóm khắp nơi. Chẳng hạn, TP.HCM hiện có khoảng 21.000 trường hợp F0 nhưng chỉ thu dung khoảng 42.000 F1 tại nhà lẫn trong khu cách ly. Tính ra tỷ lệ là 1/2, là hai người, quá ít và không hoàn toàn phù hợp với tính chất hiện nay. Do đó, công tác truy vết của chúng ta chưa cần đặt nặng lên trong giai đoạn này”, Thứ trưởng Sơn phân tích.
Ông cũng nhận định dịch COVID-19 đang có khả năng lan rộng ở các địa phương vùng lân cận với nhau, thậm chí, lan từ những tỉnh miền Nam đến Nam Trung Bộ. Trung Bộ cũng bắt đầu có khả năng lan rộng.
Trong bối cảnh này, thứ trưởng lưu ý vấn đề cách ly F1. Theo báo cáo nhanh về tỷ lệ dương tính đối với F1 được cách ly tập trung, 95% trường hợp được xác định dương tính trong tuần đầu tiên, 7-10 ngày chiếm 4%. 1% còn lại được phát hiện sau 10 ngày.
Do đó, các tỉnh, thành nên lưu ý con số này, giảm một ngày cách ly F1 là càng được lợi trong bối cảnh số lượng ghi nhận hiện rất lớn.
Sử dụng sinh phẩm chẩn đoán ở mức cao hơn nhiều trong đợt dịch thứ 4
Trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 vào sáng nay 18.7, Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đánh giá, dịch bệnh trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều khu vực; đã xuất hiện các biến chủng mới được cảnh báo nguy hiểm hơn; nguy cơ bùng phát dịch là hiện hữu, kể cả tại các quốc gia đã đạt được độ bao phủ tiêm chủng cao.
Tại Việt Nam, đợt dịch này với biến chủng Delta có khả năng lây lan rất nhanh, đã được ghi nhận tại 58/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, TP.HCM và một số tỉnh miền Nam đang có diễn biến phức tạp với số mắc liên tục gia tăng do dịch bệnh đã lây lan ra cộng đồng, với các chuỗi lây nhiễm, ổ dịch chưa xác định được nguồn lây, nhiều người đã di chuyển đi/đến TP.HCM trong thời gian trước đó, có thể mang mầm bệnh nhưng chưa được phát hiện.
"Đợt dịch lần này, Việt Nam sử dụng sinh phẩm chẩn đoán ở mức cao hơn nhiều, tăng thêm 10 triệu test, so với đợt dịch trước là 2 triệu test. Với kinh nghiệm chống dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh vừa qua, lực lượng y tế có thể thực hiện gộp 3-5 với test nhanh cho kết quả tương đương khi làm gộp test PCR"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, trước diễn biến dịch căng thẳng ở TP.HCM, Bộ Y tế đã xuất cấp các máy thở chức năng cao cho Bệnh viện Hồi sức COVID-19 của TP.HCM để phục vụ điều trị bệnh nhân nặng. Đồng thời, Bộ Y tế thành lập kho trang thiết bị, vật tư tiêu hao dã chiến tại thành phố và sẽ điều phối 2.000 máy thở cho kho dự trữ này.
Ưu tiên tối đa trang thiết bị, vật tư y tế, nhân lực tinh túy nhất điều trị bệnh nhân nặng
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế thì hiện ngành y tế đang chuẩn bị tích cực, ưu tiên giảm số ca bệnh nặng, hạn chế tử vong, đặc biệt đối với các ca mắc có bệnh nền, bệnh mãn tính.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã trao đổi với lãnh đạo TP.HCM, quyết định thành lập Bệnh viện Hồi sức tích cực COVID-19 (đặt tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2) có công suất 1.000 giường, với cơ chế điều hành của bệnh viện Trung ương hạng đặc biệt. Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy được chỉ định sang làm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức tích cực COVID-19.
“Bộ Y tế ưu tiên tối đa trang thiết bị, vật tư y tế, những nhân lực tinh túy nhất để đưa về bệnh viện này, tối ưu hóa điều trị các trường hợp thở máy trên toàn thành phố, quyết giữ cho bằng được mặt trận này”- Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Chuẩn bị sẵn sàng cho "kịch bản xấu và xấu hơn"
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến với tất cả các tỉnh, thành phố để chuẩn bị sẵn sàng cho “kịch bản xấu và xấu hơn”.
Tất cả các bệnh viện hạng 2, hạng 3 (tuyến huyện và tương đương) buộc phải thiết lập hệ thống oxy trung tâm, chuẩn bị các giường hồi sức. Các bệnh viện tuyến tỉnh thiết lập tối thiểu 50 giường cấp cứu hồi sức tích cực để điều trị bệnh nhân nặng theo phân tầng điều trị. Ngoài ra Bộ Y tế thành lập các trung tâm hồi sức tích cực Trung ương tại các khu vực.
“Đợt dịch này, Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đang chuẩn bị cho "kịch bản xấu và xấu hơn”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang tính toán nhu cầu các thiết bị phục vụ điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch như hệ thống ECMO, máy thở chức năng cao, máy thở oxy cao áp (HFNC), bơm tiêm điện, máy theo dõi các chức năng sống của bệnh nhân, máy lọc thận chậm…
Ngoài nguồn ngân sách, Bộ Y tế đang tích cực huy động, kêu gọi sự đóng góp, chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân… Lãnh đạo Bộ Y tế cam kết không để đội ngũ y, bác sĩ thiếu các đồ bảo hộ, bảo đảm an toàn tối đa cho lực lượng điều trị tuyến đầu.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Y tế, TP.HCM đã ghi nhận 29.081 ca mắc, tăng 8.904 ca so với tuần trước đó, số ca mắc trung bình trong 7 ngày qua khoảng 1.500 ca/ngày và có xu hướng gia tăng liên tục qua từng ngày.
TP.HCM có 72 chuỗi lây nhiễm/ổ dịch trên địa bàn tỉnh, trong đó, có 45 chuỗi/ổ dịch ổn định và 27 ổ dịch đang diễn biến (6 chợ, 11 khu dân cư, 10 công ty, khu công nghiệp), trong đó phát hiện thêm 1 chuỗi lây nhiễm mới tại chợ Cầu Muối quận 1 có liên quan đến chợ đầu mối Thủ Đức, phát hiện từ hoạt động tầm soát cộng đồng.