Cuộc khủng hoảng dịch tả heo châu Phi ở Trung Quốc ngày càng trầm trọng, để lại 'di chứng' cho ngành chăn nuôi Trung Quốc, theo nhà phân tích Ross Gilardi của ngân hàng Merrill Lynch (Mỹ).

Dịch tả heo châu Phi gây 'di chứng' cho ngành chăn nuôi Trung Quốc

24/04/2019, 12:25

Cuộc khủng hoảng dịch tả heo châu Phi ở Trung Quốc ngày càng trầm trọng, để lại 'di chứng' cho ngành chăn nuôi Trung Quốc, theo nhà phân tích Ross Gilardi của ngân hàng Merrill Lynch (Mỹ).

Nhân viên phun thuốc tại một trại heo Trung Quốc bị nhiễm dịch tả heo châu Phi - Ảnh : Reuters

Dịch tả heo châu Phi bùng phát ở Trung Quốc hồi tháng 8.2018, không hề có cách chữa hoặc vắc-xin phòng chống. Một nhân viên của China Animal Husbandry Group (một tập đoàn nông nghiệp nhà nước) cho biết dịch tả heo châu Phi đã là “cú tát choáng váng” cho ngành chăn nuôi heo Trung Quốc: “Chúng tôi không có vắc-xin phòng dịch, và không thể kiểm soát dịch này bằng thuốc. Đó là lý do số heo chết cao, và chúng tôi không có cách nào tốt để giải quyết vấn đề này”.

Theo Tổ chức Thú Y thế giới, dịch tả lợn châu Phi “là một căn dịch virút nghiêm trọng, tác động đến heo nhà nuôi và lợn hoang", và dù “chịu trách nhiệm gây lỗ lã kinh tế và cho sản xuất, virút này không gây hại cho người”, nhưng lây nhiễm và gây tử vong cho đàn heo.

Virút dịch tả heo châu Phi cũng đã lan sang nhiều quốc gia từ Đông Nam Á cho đến Úc và châu Âu. Thị trường Mỹ đã phất cờ báo động, sau khi các cơ quan liên bang gần đây tịch thu một lô hàng thịt heo rất lớn buôn lậu từ Trung Quốc.

Virút dịch tả heo châu Phi đe dọa ngành chăn nuôi Trung Quốc và các ngành hỗ trợ, ví dụ như thức ăn cho gia súc. Dịch này khiến nguồn cung thịt heo bị thiếu và giá bán sẽ tăng cao, tác động đến người tiêu dùng Trung Quốc, vì thịt heo vẫn là nguồn thực phẩm chủ đạo của người dân nước này.

Ông Gilardi của ngân hàng Merrill Lynch nói cơn dịch này dẫn đến việc giá thịt heo tăng cao hơn, điều đó đã gây sức ép lên người tiêu dùng Trung Quốc, và buộc Bắc Kinh phải có những nhượng bộ trong cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung, vốn sẽ được nối lại từ ngày 30.4 ở Bắc Kinh và từ ngày 8.5 ở Washington. Gần đây, quan chức Mỹ - Trung đều nói sắp đạt được một thỏa thuận thương mại.

Trong thông báo gởi các thân chủ, ông Gilardi viết: “Mối đe dọa ngày càng tăng là lạm phát giá thịt lợn tràn lan đối với người Trung Quốc, điều này gây áp lực lớn hơn đối với Trung Quốc để dỡ bỏ mức thuế nhập khẩu 62% đối với thịt heo Mỹ, dù thịt heo nhập từ Mỹ đã tăng mạnh so với mức độ trước chiến tranh thương mại. Và xem ra khủng hoảng dịch tả heo châu Phi đã làm yếu tay của Trung Quốc, và là điều có thể dẫn đến việc nới lỏng lệnh hạn chế nhập đậu nành của Mỹ, điều có lợi cho nông dân Mỹ”.

Tình hình của Trung Quốc càng nặng nề hơn, từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, với các mức thuế áp lên đậu nành Mỹ (dùng làm thức ăn gia súc) khiến giá bán nông sản này tăng.

Theo CNBC, Trung Quốc là “nhà” của một nửa đàn heo của toàn thế giới, và người dân Trung Quốc tiêu thụ 28% trong tổng lượng thịt heo của thế giới, gồm một nửa nguồn cung từ toàn cầu.

Theo dự báo của Ngân hàng Nomura (Nhật Bản), cơn dịch này đã lan khắp Trung Quốc, nước sản xuất thịt heo lớn nhất thế giới, và giá thịt heo tăng cao trên toàn cầu (do nguồn cung thiếu trầm trọng) sẽ khiến bữa ăn của từng người trên thế giới trở nên mắc mỏ hơn.

Các nhà phân tích nói cơn dịch sẽ làm tăng giá bán, dù họ không thể đưa ra giá ước tính, dẫn từ việc Trung Quốc thiếu minh bạch hoặc không thể cung cấp chính xác số heo có được. Họ dự báo sản lượng thịt heo Trung Quốc chỉ có thể phục hồi từ năm 2021 hoặc nhiều năm sau nữa.

Theo dự báo của Nomura, giá thịt heo ở Trung Quốc có thể tăng 78%, lên tới mức đỉnh 33 Nhân dân tệ (4,90USD)/1 kg thịt kể từ tháng 1.2020, so với giá 1 kg là 18,5 NDT hồi tháng 2.2019.

Ngân hàng này còn nêu dù giá thịt heo tăng, nông dân nuôi heo có thể miễn cưỡng tăng nuôi đàn heo, vì lo ngại dịch. Điều có nghĩa giá bán cao sẽ kéo dài rất lâu.

Nomura cũng đề cập các yếu tố chính khác để dự đoán, ví dụ tỉ lệ giá thịt heo hơi giảm - cho thấy chi phí cho ăn so với giá của một con heo đã trở nên không có lợi - cũng như số lượng lợn nái sinh sản giảm xuống “cấp độ lịch sử”.

Theo cảnh báo của công ty cung ứng Beacon (Anh), giá thịt heo, thịt heo xông khói sẽ tăng trong vài tháng tới, do các nhà cung ứng ở châu Âu đối mặt với nguồn cầu tiêu thụ hai loại thịt này tăng lên. Beacon nói nhánh cung ứng Bidfoot của hãng đã phát hiện các nhà cung ứng thịt heo xông khói Hà Lan và Đức đã nhận đơn đặt hàng lớn từ Trung Quốc cho suốt năm 2019. Theo Bidfood, giá thịt heo xông khói đã tăng 18% từ tháng 2 đến tháng 4.2019, và giá thị trường thịt heo đã tăng 38%.

Hơn 10 năm trước, một vi-rút gây ra dịch “heo tai xanh” ở các trại heo Trung Quốc, gây nhiễm dịch cho 48.500 con heo và làm chết gần 18.000 con. Nhưng không như dịch tả heo châu Phi, Trung Quốc sớm sản xuất được một vắc-xin phòng chống dịch “heo tai xanh”, cùng phát triển được các kỹ thuật phát hiện dịch này.

Mỹ Trinh (theo CNBC)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dịch tả heo châu Phi gây 'di chứng' cho ngành chăn nuôi Trung Quốc