Một số nhà phân tích nhận định CHDCND Triều Tiên thử vũ khí dẫn đường chiến thuật mới nhằm cảnh báo Trung Quốc lẫn Mỹ rằng họ đang mất dần kiên nhẫn với các lệnh trừng phạt Liên Hợp Quốc.
KCNA ngày 18.4 đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un vừa giám sát một vụ thử vũ khí mới có chế độ dẫn đường đặc thù cùng đầu đạn uy lực. Hãng thông tấn còn dẫn lời nhận xét của ông: “Hoàn tất công tác phát triển hệ thống vũ khí này là sự kiện mang ý nghĩa lớn trong nỗ lực tăng sức mạnh chiến đấu của quân đội Triều Tiên”.
Động thái trên diễn ra giữa lúc đàm phán phi hạt nhân hóa rơi vào tình trạng đình trệ.
Theo nhà nghiên cứu Triệu Thông thuộc Trung tâm Chính sách toàn cầu Thanh Hoa - Carnegie, sự kiện mới nhất tương tự như lần thử vũ khí “công nghệ cao” tháng 11.2018, lúc tiến trình đối thoại giữa Triều Tiên với Mỹ bế tắc.
“Thông điệp gửi đến Mỹ chính là Triều Tiên quyết không khuất phục trước chiến dịch gây sức ép tối đa và họ có thể làm leo thang căng thẳng. Đây là cách chính quyền Bình Nhưỡng tái bắt đầu đàm phán, buộc bên kia nhượng bộ”, nhà nghiên cứu Triệu lý giải.
Nhà nghiên cứu Harry J.Kazianis đến từ Trung tâm Quyền lợi quốc gia (Center for the National Interest) chia sẻ quan điểm trên. Ông còn khuyến cáo về nguy cơ nhiều vụ thử nhỏ dẫn đến một vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa lớn khiến khủng hoảng quay lại.
Thời điểm diễn ra vụ thử vũ khí dẫn đường chiến thuật mới cũng rất đáng lưu ý khi lúc Trung Quốc sắp tổ chức hội nghị cấp cao Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) còn giới chức Moscow gấp rút chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh Nga - Triều.
Cường quốc châu Á dự kiến tiếp đón đại diện hơn 100 quốc gia, khoảng 40 nhà lãnh đạo trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tuần tới. Ông Putin trước khi sang Bắc Kinh sẽ gặp nhà lãnh đạo Kim tại thành phố Vladivostok.
Nhà nghiên cứu Triệu dự đoán với tư cách hai cường quốc ủng hộ dỡ bỏ trừng phạt Liên Hợp Quốc nhắm vào Triều Tiên, Trung Quốc với Nga nhiều khả năng không chỉ trích vụ thử vũ khí mới nhất quá mạnh mẽ.
Giáo sư Boo Seung-chan thuộc đại học Yonsei (Hàn Quốc) cho rằng lần này Triều Tiên chỉ thử vũ khí “chiến thuật” - ý chỉ tầm bắn ngắn - nên không làm cho cộng đồng quốc tế nổi giận. Có thể nhà lãnh đạo Kim muốn thông qua vụ thử xoa dịu giới quan chức quân sự vốn không vui vì bị đứng bên lề quá trình đàm phán.
Cựu quan chức Mỹ Sean King đánh giá: “Nhà lãnh đạo Kim muốn chúng ta nhớ rằng ông ấy vẫn còn đó, vẫn đủ sức tạo ra rắc rối”.
Cẩm Bình (theo SCMP)