Theo luật sư, yếu tố quan trọng là chứng minh được hành vi vi phạm và chứng minh được yếu tố lỗi, còn hậu quả gây ra cho xã hội đã rất rõ ràng.
Theo các chuyên gia y tế, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở nhiều nước trên thế giới, người nhập cảnh vào Việt Nam cần phải khai báo y tế trung thực, thể hiện trách nhiệm với chính bản thân mình, với gia đình. Đây là nghĩa vụ bắt buộc với xã hội để phòng, chống dịch bệnh. Các trường hợp đi qua vùng dịch nhưngkhai báo y tế gian dối, trốn tránh cách ly có thể gây ra hậu quả khôn lường trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh khiến dư luận xã hội bức xúc, gây ảnh hưởng xấu đến an toàn công cộng, làm lây lan dịch bệnh COVID-19 ra cộng đồng nhưng chưa trường hợp nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mới đây, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã có văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh. Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết việc ban hành văn bản hướng dẫn này là cần thiết, kịp thời, khai thông bế tắc trong việc áp dụng các chế tài hình sự để xử lý các hành vi vi phạm trong thời gian qua.
Theo văn bản hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, đối với hành vi trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối đối với người mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh hoặc thuộc đối tượng bắt buộc phải cách ly y tế nhưng cố tình không thực hiện, làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 BLHS.
Về điều này, luật sư Cường phân tích: “Ngoài việc chứng minh hành vi khách quan thuộc một trong các trường hợp nêu trên, CQĐT sẽ phải thu thập các tài liệu, chứng cứ để chứng minh ý thức chủ quan của người vi phạm, ở đây là yếu tố về lỗi”.
Cụ thể, theo luật sư Cường, trong các tội danh nêu trên thì lỗi vi phạm đều là lỗi cố ý, có thể là cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Để truy cứu trách nhiệm hình sự, CQĐT cần chứng minh rằng người vi phạm biết rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng cố ý thực hiện hành vi vi phạm, gây nguy hiểm cho cộng đồng, làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thì mới có thể xem xét xử lý hình sự đối với các trường hợp này.
Khi CQĐT có căn cứ chứng minh đầy đủ hành vi khách quan thể hiện ý thức chủ quan, xác định hành vi có lỗi và gây ra hậu quả làm bệnh dịch lây lan hoặc hậu quả gây thiệt hại đến kinh tế của Nhà nước, thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi khai báo gian dối, trốn tránh cách ly. Vị luật sư nhấn mạnh: “Yếu tố quan trọng là chứng minh được hành vi vi phạm và chứng minh được yếu tố lỗi, còn hậu quả gây ra cho xã hội là đã rất rõ ràng”.
Theo luật sư, văn bản hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao không phải là quy định mới của pháp luật để hình sự hóa các quan hệ hành chính, dân sự mà là văn bản hướng dẫn, giải thích, làm rõ một số điều mà BLHS đã có quy định. Vì vậy, những hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trước khi có văn bản này nhưng sau thời điểm BLHS năm 2015 có hiệu lực pháp luật thì vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo nội dung hướng dẫn.
1. Người nào thực hiện một trong các hành vilàm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:
c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.