Điện ảnh Việt Nam có lịch sử đến 70 năm, nhưng đến nay việc tìm kiếm dữ liệu về các bộ phim vẫn còn khó khăn vì chưa được chuyển đổi số.
Điện ảnh - âm nhạc

Điện ảnh Việt và câu chuyện chuyển đổi số

Hoàng Lê 04/05/2024 16:20

Điện ảnh Việt Nam có lịch sử đến 70 năm, nhưng đến nay việc tìm kiếm dữ liệu về các bộ phim vẫn còn khó khăn vì chưa được chuyển đổi số.

"Tôi không bao giờ xem phim Việt", "Xem phim Việt là phản bội lại sức lao động của mình", "Nền điện ảnh ao làng chẳng ai biết tới"... Những câu nói như thế có thể gặp thường xuyên ở phần bình luận dưới các bài bình phim Việt trên báo chí hoặc trên mạng xã hội. Thực tế, điện ảnh Việt đáng trân trọng hơn thế nhiều, tiếc rằng kho tàng di sản này chưa được quan tâm và khai thác đúng mức.

Dữ liệu thông tin không được số hóa

Với những người làm điện ảnh, nếu “bị” ai đó bất ngờ đưa ra câu hỏi: “Việt Nam có bao nhiêu bộ phim truyện điện ảnh từ xưa đến giờ? Có bao nhiêu người đang làm nghề đạo diễn, biên kịch, diễn viên, họa sĩ họa sĩ thiết kế?... thì sẽ không có câu trả lời ngay vì dữ liệu thông tin về điện ảnh Việt hơn 70 năm qua vẫn chưa được hệ thống đầy đủ, quan trọng hơn là chưa được số hóa để lưu trữ và tiện cho việc tra cứu online.

hoidoua.jpg
Công chúng TP.HCM xem triển lãm "Dấu ấn 70 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam - Ảnh: T.L

Ở các nền điện ảnh khác, ví dụ điện ảnh Mỹ, nếu có một bộ phim nào vừa ra rạp hoặc phát hành trên Netflix, khán giả chỉ cần lên các trang IMDB (Internet Movie Database), Rotten Tomatoes, MetaCritic hay Letterboxd... đánh tên phim vào ô tìm kiếm. Tất cả các thông tin liên quan sẽ hiện ra, từ năm sản xuất, hãng sản xuất, thời lượng, thể loại, danh sách diễn viên và các thành phần đoàn phim; thậm chí ở IMDB còn có thêm mục các giải thưởng đã đạt được...

Còn nếu họ yêu thích mến mộ một gương mặt mới trong một bộ phim vừa chiếu trên các nền tảng kỹ thuật số và muốn tìm hiểu thêm về nhân vật đó thì có thể tra cứu theo tên nghệ sĩ trên chính những trang web đó. Các thông tin sẽ hiện lên từ năm sinh, quê quán, tóm tắt tiểu sử, và quan trọng hơn cả là danh mục các dự án phim mà nghệ sĩ này đã, đang và sẽ thực hiện...

Còn nếu là phim Hoa ngữ (Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc), khán giả có thể làm tương tự trên website Douban. Siêu website này sẽ giải đáp các thông tin cần thiết, thậm chí còn vượt ra ngoài khu vực phim ảnh đơn thuần mà tra cứu cả các sản phẩm hay thành tựu ở lĩnh vực âm nhạc và xuất bản. Vì Douban là siêu web tích hợp đa lĩnh vực.

Nếu là phim Hàn có thể vào trang Han Cinema hay KMDB (Korean Movie Database) để thao tác như trên.

Còn phim Việt thì sao?

Tính đến thời điểm hiện nay (5.2024), tại Việt Nam vẫn chưa một trang web cơ sở dữ liệu nào về kho tàng phim ảnh và các nghệ sĩ, đạo diễn, diễn viên hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, truyền hình.

Người yêu phim Việt có thể tìm kiếm dữ liệu cho một bộ phim hay một nghệ sĩ mà họ mến mộ thì thông tin sẽ có trên Wikipedia, hoặc tra Google để tìm đường dẫn đến các bài báo đã đăng… Tuy nhiên, đa số các thông tin này đều chưa đầy đủ, thậm chí có thể sai lệch.

Vào tháng 2.2023, người viết đã có một buổi trò chuyện với ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó viện trưởng Viện phim Việt Nam. Ông Hoàng cho biết rất hứng thú với ý tưởng số hóa thông tin và dữ liệu phim, nhưng cuối cùng vẫn trung thành với việc in sách phim mục như vẫn thường làm từ xưa đến nay.

Trong một cuộc trao đổi qua điện thoại gần đây với một lãnh đạo cao cấp của Cục Điện ảnh Việt Nam, người viết đặt ra vấn đề: Cục có nghĩ đến chuyện xây dựng một website cơ sở dữ liệu để hệ thống và giới thiệu các tác phẩm và thành tựu phim ảnh Việt đến công chúng hay không? Vị này cho biết, nếu có thể làm như vậy thì đó là nhiệm vụ của Viện phim Việt Nam.

Theo cơ cấu hiện nay, Viện phim Việt Nam (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) là đơn vị có trách nhiệm lưu trữ bảo quản phim của các cơ sở điện ảnh quốc doanh, thi thoảng có cho in những tập catalogue về phim Việt. Những cuốn sách này không xuất bản rộng rãi, chỉ lưu hành nội bộ hoặc là sách tham khảo đưa về một số địa chỉ. Người muốn tra cứu không có sách mà tra cứu, mà ngay cả có sách thì để tra cứu hàng ngàn bộ phim bằng cách lật giở từng trang giấy là một động tác lowtech (lạc hậu về công nghệ) cũng dẫn đến việc mất rất nhiều thời gian…

Viện phim Việt Nam là đơn vị có chức năng và nhiệm vụ lưu trữ di sản phim ảnh nhưng cho đến nay vẫn chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu của điện ảnh Việt Nam... thì câu chuyện chuyển đổi số để cung cấp các nguồn dữ liệu về điện ảnh nước nhà cho công chúng vẫn còn quá xa. Trong khi đó, từ thập niên 1990, thế giới đã có IMDB và Rotten Tomatoes, Trung Quốc có Douban từ năm 2005 còn Hàn Quốc cũng cho ra đời Han Cinema từ năm 2003 và KMDB từ năm 2006. Nghĩa là chúng ta chậm hơn các nước đến... 20 năm.

Ai chấm điểm cho toàn bộ phim Việt từ trước đến nay?

Trong khi chờ đợi các đơn vị có liên quan xây dựng cơ sở dữ liệu và số hóa thông tin cho điện ảnh Việt thì rất nhiều cá nhân tâm huyết với điện ảnh nước nhà đã có những hoạt động đáng ghi nhận.

Năm 2018, nhà báo - nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm đã cho ra mắt cuốn sách 101 bộ phim Việt Nam hay nhất. Cuốn sách tổng hợp 101 đầu phim Việt mà tác giả cho là có giá trị nhất trong lịch sử gần 70 năm của điện ảnh Việt. Đi kèm là từng bài bình phim tương ứng và một số thông tin gạch đầu dòng về phim. Đây là kết quả của cuộc khảo cứu hơn 1.000 bộ phim Việt trong hơn hai năm của tác giả, một dự án mà nhà báo, MC, BTV VTV Nguyễn Mỹ Linh đã nhận xét là "ngang với một đề tài nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành điện ảnh".

Cũng đầu năm 2018 đó, dịp lễ trao giải Cánh diều vàng, trước khi cuốn sách của nhà báo Lê Hồng Lâm ra mắt, Lê Minh Phương - một nhà báo mảng văn hóa chuyên về điện ảnh cũng đã có ý tưởng về một website cơ sở dữ liệu về toàn bộ phim Việt, học tập theo mô hình của các website đã rất thành công ở Mỹ, Trung, Hàn và trên thế giới như IMDB, Rotten Tomatoes, Douban, Han Cinema, KMDB... kể trên.

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, phải đến 5 năm sau, tức đầu năm 2023, ý tưởng đó mới được hiện thực hóa và đang trong quá trình thiết kế website, nhập dữ liệu.

Khi website này ra đời, lần đầu tiên Việt Nam sẽ có một nguồn tư liệu online khổng lồ hệ thống thông tin của toàn bộ phim Việt từ xưa đến nay. Điều này rất thuận tiện cho việc tìm hiểu, tra cứu, đồng thời là kênh quảng bá giới thiệu hiệu quả cho các tác phẩm nội địa chỉ bằng một cú click chuột.

441017403_313103908337966_3979714449021160010_n.jpg
Trang web cơ sở dữ liệu sẽ vinh danh những bộ phim chất lượng của điện ảnh Việt, trong đó có nhiều phim chưa được nhìn nhận đúng - Ảnh: T.L

Thêm nữa, với chức năng học hỏi từ các website tương tự trên thế giới, website này (tạm gọi là PamaBati) sẽ cho các thành viên chấm điểm từng phim và để lại nhận xét, bình luận về các bộ phim họ xem. Điều này giúp mang đến cái nhìn tổng quan về chất lượng của các bộ phim (tất nhiên có thể không hoàn toàn chính xác và mang tính tham khảo).

Trên cơ sở đó, có thể tổ chức một cuộc bình chọn top 100 phim Việt hay nhất trong lịch sử. Việc bình chọn sẽ dựa vào đánh giá của các chuyên gia về lĩnh vực điện ảnh, các nhà làm phim, các nhà báo, những những cây viết phê bình phim và cả từ phía khán giả...

Với sự ra đời của trang web cơ sở dữ liệu phim Việt PamaBati, sẽ có một kênh vừa thống kê tổng hợp các giải thưởng, thành tích của phim, vừa có các bài review, bình luận về phim của các chuyên gia vừa có các comment của khán giả đại chúng. Và quan trọng không kém là phần tổng hợp điểm số trung bình của từng phim dựa trên số điểm mà người dùng website chấm cho các phim.

Từ đây, có thể lập ra danh sách những phim Việt đạt điểm cao nhất trong những khoảng thời gian nhất định. Ví dụ: Top 10 phim Việt thập niên 80 của thế kỷ 20, top 10 phim Việt thập niên 2000, top 100 phim Việt hay nhất thế kỷ 21, top 100 phim Việt hay nhất trong lịch sử, top 20 nhân vật hay nhất của điện ảnh Việt, top 10 biên kịch xuất sắc nhất…

Chia sẻ về ý tưởng này, cây viết chuyên về điện ảnh Lê Minh Phương nói: "Với tư cách một người theo dõi điện ảnh lâu năm, tôi tin danh sách top 100 phim Việt hay nhất lịch sử sẽ là bảng tập hợp những bộ phim giá trị, vừa quảng bá hữu ích cho những thành tựu tích cực của điện ảnh Việt vừa ghi nhận và khích lệ kịp thời các bộ phim giá trị và các cá nhân tài năng. Quan trọng hơn, điều ấy sẽ khiến nhiều người thay đổi quan niệm còn một chiều, nhiều định kiến về phim Việt và thúc đẩy sự cởi mở đầu tư vào ngành này...".

Bài liên quan
Điện ảnh Việt 2024: Nhiều hứa hẹn
Sự ra quân của phim nghệ thuật, tiềm năng của phim thương mại và sự nở rộ các liên hoan phim (LHP) quốc tế trên sân nhà... hứa hẹn trong năm 2024, điện ảnh Việt gặt hái nhiều thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
một giờ trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điện ảnh Việt và câu chuyện chuyển đổi số