Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 469.000 ca bệnh COVID-19 và trên 6.900 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 85 triệu ca, trong đó trên 1,85 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 161.000 ca), Anh (54.990 ca) và Nga (24.150 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.307 ca), Nga (504 ca) và Anh (454 ca).
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, ngày 3/1, nhiều quốc gia tiếp tục siết chặt các biện pháp chống dịch khi số ca mắc mới tăng vọt.
Châu Mỹ
Mỹ ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày ở mức cao
Tính tới 6h sáng 4.1 (giờ Việt Nam), Mỹ ghi nhận trên 161.000 ca mắc mới. Trước đó, ngày 2.1, Mỹ đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất trong một ngày, với hơn 277.000 bệnh nhân mới.
Hiện Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 trên thế giới, với trên 21 triệu trường hợp mắc bệnh và gần 360.000 trường hợp tử vong.
Số các ca nhiễm mới tại Mỹ đã gia tăng trong những tháng gần đây, trong bối cảnh chuyên gia hàng đầu về dịch tễ của nước này - ông Anthony Fauci cảnh báo rằng "thời điểm tồi tệ nhất của đại dịch vẫn chưa đến" và Mỹ sẽ đạt "đỉnh nguy kịch" khi những chuyến du lịch nghỉ lễ cuối năm 2020 sẽ khiến virus lây lan nhanh chóng.
Theo giới quan sát, Mỹ đang tỏ ra lúng túng trong nỗ lực dập dịch COVID-19, khi những kế hoạch tiêm chủng gặp trở ngại do những vấn đề hậu cần và các bệnh viện quá tải. Hiện hơn 4,2 triệu người ở Mỹ đã được tiêm mũi thứ nhất của vaccine ngừa COVID-19 trong tổng số 13 triệu liều được phân phối tới nước này. Tuy nhiên, con số đó vẫn còn ở rất xa so với mục tiêu 20 liều vaccine mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đã cam kết hồi cuối năm 2020.
Theo thống kê trên trang www.ourworldata.org, mặc dù Mỹ đã đặt mua vaccine với số lượng rất lớn, nhưng tỷ lệ tiêm phòng tại nước này vẫn rất thấp, chỉ đạt 0,84%.
Canada: nhiều doanh nghiệp nóng lòng chờ chính phủ cứu trợ
Những lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19 tại Canada vẫn đang chờ các khoản cứu trợ bổ sung của liên bang mà chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau đã hứa hẹn khoảng một tháng trước.
Trong bản cập nhật kinh tế được công bố vào cuối tháng 11.2020, Bộ trưởng Tài chính Chrystia Freeland cho biết “Chương trình tín dụng dành cho các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất” sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực như du lịch, khách sạn, vận tải hàng không và giải trí, với nguồn tài chính hoàn toàn do chính phủ bảo đảm. Theo Ottawa, chương trình sẽ cung cấp các khoản tín dụng lên tới 1 triệu CAD (tương đương 790.000 USD), với thời hạn trả nợ lên đến 10 năm và lãi suất thấp hơn lãi suất trên thị trường.
Vào thời điểm đó, chính phủ cho biết chương trình trên sẽ "làm cầu nối cho các doanh nghiệp này vượt qua khủng hoảng" và thông tin chi tiết sẽ sớm được cung cấp. Tuy nhiên, trong một tuyên bố với tờ Globe and Mail vào tuần trước, Chính phủ Canada cho biết "rất có thể là vào tháng 1" sẽ có thêm thông tin về chương trình này. Theo một cuộc khảo sát của liên minh các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, thời gian chờ đợi như vậy là quá lâu đối với một số doanh nghiệp. Kết quả cuộc khảo sát cho thấy 23% số doanh nghiệp tại nước này dự kiến sẽ cạn tiền trong tháng 1/2021. Trong khi đó, 19% số các doanh nghiệp khác cho rằng nếu không có nguồn tài chính mới, họ sẽ không thể trang trải chi phí của mình sau tháng Hai. Đáng chú ý, 41% doanh nghiệp ước tính doanh thu trong tháng 11/2020 giảm từ 91-100% so với cùng kỳ năm 2019. Phần lớn trong số hơn 2.100 công ty đại diện cho các lĩnh vực du lịch - lữ hành và lưu trú tham gia cuộc khảo sát trên đóng trụ sở tại Ontario, British Columbia và Alberta.
Châu Âu
Na Uy áp đặt các hạn chế mới
Thủ tướng Na Uy Erna Solberg cho biết sẽ áp đặt các hạn chế mới để ngăn chặn sự đại dịch COVID-19 bùng phát lại, như lệnh cấm bán rượu trong nhà hàng và quán bar trên toàn quốc và người dân không được mời khách đến nhà. Người dân Na Uy cũng phải dừng các tiếp xúc xã hội trong vòng 2 tuần tới. Các trường đại học sẽ đóng cửa đến 18.1.
Số ca mắc COVID-19 tại Na Uy đã gia tăng trong tháng qua và hiện trung bình 1 người bệnh lây nhiễm cho 1,3 người khác. Trong cuộc họp báo, Thủ tướng Solberg đánh giá có nhiều dấu hiệu hơn về một làn sóng lây nhiễm mới, do dịp nghỉ lễ Giáng sinh và Năm Mới, cũng như sự xuất hiện của biến thể dễ lây lan hơn lần đầu tiên được xác định ở Anh.
Từ hôm 31.12.2020, Oslo đã bắt buộc tất cả những người nhập cảnh Na Uy phải xét nghiệm ngay khi tới nước này hoặc trong vòng 24 giờ để ngăn chặn sự lây lan của biến thể COVID-19 được phát hiện đầu tiên ở Anh. Các cửa khẩu biên giới nhỏ cũng bị đóng do không đủ khả năng lập trung tâm xét nghiệm. Quân đội cũng được tăng cường để kiểm soát khu vực biên giới với Phần Lan ở Bắc Cực.
Thủ tướng Anh khuyến khích học sinh đi học
Ngày 3.1, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định các trường học là môi trường an toàn và khuyến khích trẻ tiếp tục đến trường tại những khu vực cho phép điều này. Tuyên bố được đưa ra nhằm xoa dịu những lo ngại số ca mắc bệnh COVID-19 gia tăng khi các lớp học dự kiến được mở cửa trở lại sau kỳ lễ Giáng sinh.
Thủ tướng Johnson nhấn mạnh: “Tôi chắc chắn rằng các trường học đều an toàn và giáo dục là một ưu tiên”. Ông cho biết thêm chính phủ có thể cân nhắc siết chặt những biện pháp hạn chế để phòng dịch, nhưng không nêu cụ thể các biện pháp này.
Nhà lãnh đạo Anh cũng cho biết trong ngày 4.1, nước này sẽ nhận 530.000 liều vaccine phòng bệnh COVID-19 của Oxford/AstraZeneca. Ông bày tỏ hy vọng trong 3 tháng tới, hàng chục triệu người dân Anh sẽ được chủng ngừa.
Giới khoa học kêu gọi Thụy Sĩ thực hiện biện pháp bổ sung
Lực lượng khoa học chuyên trách COVID-19 của Chính phủ Thụy Sĩ kêu gọi thực hiện các biện pháp bổ sung và tiến hành xét nghiệm rộng rãi sau khi tại nước này ghi nhận những ca nhiễm biến thể mới của virus SARS- CoV-2 ở Nam Phi.
Thụy Sĩ đã ghi nhận ít nhất 3 trường hợp của biến thể từ Nam Phi và 6 trường hợp biến thể từ Anh. Hai biến thể của virus SARS-CoV-2 dường như dễ lây lan hơn nhiều và đang lan rộng trên thế giới.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết không có đủ thông tin để xác định liệu các biến thể có thể làm giảm hiệu quả của các loại vaccine đang được tung ra hay không.
Với mức trung bình 80 ca tử vong mỗi ngày, Thụy Sĩ đứng thứ 7 trên thế giới về tỷ lệ tử vong do COVID-19. Chính phủ Thụy Sĩ cảnh báo tình hình dịch bệnh COVID-19 tại quốc gia vẫn đáng lo ngại với mức độ lây nhiễm cao và sự xuất hiện của các biến thể mới của virus tại Thụy Sĩ. Chính phủ liên bang đã áp dụng biện pháp trên toàn quốc vào ngày 18/12, theo đó đóng cửa các quán bar, nhà hàng, cơ sở thể thao và văn hóa. Một số bang riêng lẻ được phép nới lỏng các biện pháp trong trường hợp tình hình dịch bệnh diễn biến không quá xấu, chỉ số lây nhiễm ở các bang này phải dưới 1 và tỷ lệ mắc bệnh trong 7 ngày ở bang này phải thấp hơn tỷ lệ mắc bệnh trung bình trong 7 ngày của toàn Thụy Sĩ.
Châu Á
Trung Quốc phát hiện SARS-CoV-2 trên bao bì phụ tùng ô tô
Nhiều mẫu bao bì đóng gói phụ tùng ô tô cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tại nhiều địa phương của Trung Quốc sau khi một công ty kinh doanh phụ tùng ô tô công bố trương hợp nhân viên nhiễm bệnh.
Văn phòng Kiểm soát và phòng ngừa COVID-19 của thành phố Tấn Thành, thuộc tỉnh Sơn Tây, miền Bắc Trung Quốc, ngày 2/1 cho biết Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh địa phương đã phát hiện virus trên bao bì đóng gói lốp ô tô. Ngay lập tức, văn phòng đã kích hoạt cơ chế phản ứng khẩn cấp, theo đó các sản phẩm liên quan đã bị niêm phong, những người tham gia quy trình đóng gói và vận chuyển hàng hóa đã được cách ly. Hiện tất cả đều có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Trong khi đó, các cơ quan chức năng thông báo đã phát hiện 3 mẫu đóng gói phụ tùng ô tô khác cũng có kết quả dương tính với virus nguy hiểm trên lần lượt tại thành phố Thương Châu của tỉnh Hà Bắc, thành phố Yên Đài và Lâm Nghi của tỉnh Sơn Đông.
Các nhân viên y tế đã tiến hành xét nghiệm axit nucleic đối với các mẫu phụ tùng ô tô và những người có liên quan tại nhiều thành phố khác của Trung Quốc sau khi một nhân viên của một công ty chuyên kinh doanh phụ tùng ô tô tại Bắc Kinh được xác nhận mắc COVID-19 và một số mẫu bao bì đóng gói phụ tùng ô tô có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 vào cuối tháng 12/2020.
Thêm 121 ca mắc tại nhà tù ở thủ đô của Hàn Quốc
Bộ Tư pháp Hàn Quốc ngày 3.1 cho biết Trung tâm giam giữ Dongbu ở thủ đô Seoul đã ghi nhận thêm 121 ca mắc COVID-19 sau đợt xét nghiệm hàng loạt mới nhất. Số bệnh nhân mới nêu trên đã nâng tổng số ca nhiễm tại nhà tù này lên 1.108 trường hợp kể từ khi bùng phát dịch tại đây hồi giữa tháng 12.2020.
Một số tù nhân ở Dongbu được chuyển đến các cơ sở cải huấn khác để giảm bớt tình trạng quá tải tại nhà tù này cũng đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV2 trong những ngày gần đây.
Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này đã ghi nhận thêm 657 ca COVID-19 mới và có thêm 20 ca tử vong bởi dịch bệnh này sáng 3/1. Tin vui là có thêm 929 bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục hoàn toàn và được xuất viện.
Ấn Độ phân lập và nuôi cấy thành công biến thể mới
Hội đồng Nghiên cứu Y tế Ấn Độ (ICMR) thông báo nước này đã nuôi cấy thành công biến thể VUI-202012/01 của virus SARS CoV-2 có nguồn gốc từ Anh.
Trong tuyên bố đăng trên mạng Twitter ngày 2/1, ICMR khẳng định chưa có quốc gia nào trên thế giới thông báo về việc phân lập và nuôi cấy thành công biến thể SARS-CoV-2 ở Anh. Tuyên bố nêu rõ: “Biến thể virus ở Anh, với tất cả các thay đổi về đặc tính, hiện đã được phân lập và nuôi cấy thành công tại Viện Virus Quốc gia (NIV) từ các mẫu bệnh phẩm của những người trở về từ Anh”.
Theo Bộ Y tế và phúc lợi gia đình Ấn Độ, nước này đã ghi nhận tổng cộng 29 người nhiễm biến thể VUI-202012/01.
Tính đến sáng 4.1 (giờ Việt Nam), Ấn Độ đã ghi nhận thêm 16.660 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số bệnh nhân trên cả nước lên 10,34 triệu người, trong đó có 149.686 ca tử vong.
Trong thông báo mới nhất, cơ quan dược phẩm Ấn Độ xác nhận đã cấp quyền sử dụng khẩn cấp đối với hai loại vaccine, trong đó có sản phẩm do AstraZeneca và Đại học Oxford hợp tác bào chế, và vaccine của công ty Bharat Biotech (Ấn Độ) sản xuất.
Thái Lan áp dụng các biện pháp mạnh tại “vùng đỏ”
Trung tâm quản lý tình hình dịch COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) vừa ban bố các biện pháp kiểm soát nghiêm khắc hơn tại 28 tỉnh “vùng đỏ”, trong bối cảnh số ca nhiễm SARS-CoV-2 tiếp tục gia tăng.
Phát ngôn viên của CCSA Taweesilp Visanuyothin cho biết cơ quan này và Trung tâm Chiến dịch tình trạng khẩn cấp (EOC) đã thống nhất áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn do các ca lây nhiễm trong cộng đồng tiếp tục gia tăng. Các biện pháp kiểm soát dịch bệnh mới sẽ có hiệu lực từ
Các biện pháp kiểm soát tăng cường, sẽ được trình lên Thủ tướng Prayut Chan-o-cha vào ngày 4.1, được chia làm hai nhóm. Nhóm biện pháp thứ nhất hạn chế thời gian hoạt động của các loại hình kinh doanh, đóng cửa các loại hình nguy cơ cao, truy tìm và bắt giữ những người tụ tập bất hợp pháp, không khuyến khích di chuyển giữa các địa phương, đóng cửa các loại hình giáo dục, khuyến khích làm việc tại nhà ở các địa phương thuộc "vùng đỏ". Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại đối với những người đến từ các vùng đó, truy vết các ca bệnh và điều tra dịch tễ.
Nếu nhóm biện pháp thứ nhất không có hiệu quả trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, nhóm các biện pháp thứ hai sẽ được áp dụng. Nhóm biện pháp này được áp dụng ở mức độ kiểm soát dịch bệnh cao hơn, có thể bao gồm việc áp dụng lệnh giới nghiêm, bổ sung các loại hình kinh doanh vào danh sách hạn chế thời gian hoạt động, đồng thời một số loại hình kinh doanh khác buộc phải đóng cửa và cấm tụ tập đông người.
Phát ngôn viên CCSA cũng khẳng định hiện tại người dân vẫn được phép ăn uống tại các nhà hàng và không cần thiết phải tích trữ thực phẩm ở giai đoạn này. Trước khi ban hành lệnh đóng cửa các nhà hàng, CCSA sẽ đảm bảo cho các cơ sở kinh doanh có thời gian chuẩn bị.
Bangkok là một trong những "vùng đỏ" trong đợt bùng phát dịch lần này.
Israel đối mặt nguy cơ thiếu hụt giường bệnh
Các bệnh viện ở Israel đang thiếu hụt nghiêm trọng cơ sở hạ tầng điều trị và đội ngũ y bác sĩ, do số lượng bệnh nhân COVID-19 nhập viện tăng mạnh những ngày gần đây.
Rất nhiều trung tâm y tế Israel đang phải tìm cách hoãn hủy từ 10-40% số ca phẫu thuật không khẩn cấp để chuyển phòng mổ thành phòng điều trị tạm thời cho bệnh nhân COVID-19.
Trước đó, Bộ y tế Israel cũng ra thông báo cho biết diễn biến dịch bệnh ở nước này đang trở nên tồi tệ hơn. Hiện đã có 30 bệnh nhân được khẳng định chính thức bị nhiễm biến thể xuất hiện tại Anh, trong đó riêng ngày 3.1 đã có thêm 7 ca. Điều đáng quan ngại là những bệnh nhân này không phải trở về từ nước ngoài, mà là do lây nhiễm từ cộng đồng.
Israel đã bước sang tuần thứ 2 trong đợt phong tỏa toàn quốc lần thứ 3 nhằm khống chế dịch COVID-19. Tuy nhiên, trong đợt phong tỏa lần này, các hoạt động kinh tế, xã hội vẫn được duy trì một phần. Bộ trưởng Y tế Yuli Edelstein ngày 3/1 đã kêu gọi thực hiện phong tỏa triệt để trong 2 tuần, trong bối cảnh số bệnh nhân mắc mới ở Israel vẫn ở mức cao.
Châu Phi
Số ca nhiễm tại Algeria vượt 100.000 ca
Tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này đã vượt 100.000 ca. Cụ thể, tính đến sáng 4.1, Algeria đã ghi nhận tổng cộng 100.408 ca mắc, trong đó có 2.772 ca tử vong do COVID-19. Algeria đang xếp thứ 7 trong 10 quốc gia châu Phi có số ca mắc COVID-19 cao nhất châu lục.
Trước đó, ngày 31.12.2020, chính quyền Algeria đã quyết định tiếp tục gia hạn lệnh giới nghiêm, kéo dài từ 20h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau, đối với 29 tỉnh thành có nhiều ca mắc COVID-19 mới trong những ngày gần đây, kể từ ngày 1.1.
Ngoài ra nước này còn áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn khác như hạn chế 50% số chuyến bay nội địa, nối lại các hoạt động vận tải công cộng nhưng chỉ cho phép phục vụ ở mức 50% công suất, đóng cửa các địa điểm vui chơi-giải trí, đóng cửa các bãi biển và các trung tâm văn hóa-thể thao.
Ai Cập mua vaccine ngừa COVID-19 của Trung Quốc
Bộ trưởng Y tế Hala Zayed ngày 3.1 thông báo chương trình chủng ngừa vaccine COVID-19 ở nước này dự kiến sẽ được khởi động trong tuần thứ hai hoặc thứ ba của tháng 1, trong đó nhân viên y tế tuyến đầu, bệnh nhân mắc bệnh mãn tính và người cao tuổi sẽ là những đối tượng được ưu tiên.
Bộ trưởng Zayed cho biết nước này đã thông qua việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 do tập đoàn dược phẩm lớn của Trung Quốc Sinopharm phát triển và hoạt động tiêm chủng sẽ bắt đầu triển khai từ cuối tháng 1.
Phát biểu trên kênh truyền hình MBC Masr địa phương vào chiều 2.1, bà Zayed nêu rõ lô vaccine đầu tiên đã được chuyển tới quốc gia Bắc Phi vào tháng 12.2020, và lô vaccine thứ 2 dự kiến tới vào tuần thứ 2 hoặc thứ 3 của tháng 1.
Mỗi đợt vaccine chuyển tới gồm 50.000 liều và Bộ Y tế thông báo nhóm tiêm chủng đầu tiên sẽ là các nhân viên y tế.
Bà Zayed tiết lộ Cairo định mua 40 triệu liều vaccine từ Sinopharm song các cuộc đàm phán với Pfizer cũng đang diễn ra.