Triển vọng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam 2021 vẫn phải đối mặt với nhiều nguy cơ lớn mà đại dịch COVID-19 là nguy cơ lớn nhất.
Triển vọng khả quan
Theo TS Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán nhà nước), vào tháng 3.2020, thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu đã chứng kiến mức độ biến động tương đương với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Tuy nhiên, sau đỉnh điểm bất ổn, thị trường đã nhanh chóng phục hồi và các chỉ số thị trường trở về mức trước đại dịch. So với mức chung của TTCK toàn cầu, TTCK Việt Nam có sự bứt phá ngoạn mục khi đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ tại nhiều chỉ tiêu.
Tiếp tục đà tăng trưởng của TTCK năm 2020, những tháng đầu năm 2021, TTCK Việt Nam vẫn duy trì mức tăng tương đối tốt. Chỉ số VN-Index ngày 18.3.2021 đã vượt ngưỡng 1.200 điểm, tăng 8,8% so với thời điểm cuối năm 2020.
Theo bà Bình, triển vọng TTCK Việt Nam năm 2021 là khả quan, có nhiều cơ hội tăng trưởng. Lý do là kinh tế Việt Nam năm 2021 được đánh giá là có cơ hội phục hồi cao hơn so với nhiều nước khác nhờ công tác quản lý, kiểm soát tốt đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại song phương, đa phương sẽ giúp nền kinh tế đất nước phục hồi nhanh. Việt Nam cũng có nhiều khả năng hưởng lợi từ sự dịch chuyển hiện nay của các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí sản xuất thấp.
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục trong năm 2021 với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,5%. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% trong năm 2021.
Cũng theo bà Bình, nội tại TTCK trong nước năm 2021 sẽ có nhiều thay đổi tích cực về chất với Luật Chứng khoán 2019 và 3 nghị định, 11 thông tư hướng dẫn có hiệu lực vào đầu năm 2021 sẽ tạo ra hành lang pháp lý chuẩn hóa, theo thông lệ quốc tế.
Ngoài ra, hệ thống bù trừ thanh toán theo mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) gắn với hệ thống công nghệ thông tin TTCK mới dự kiến đưa vào vận hành cuối năm 2021 sẽ làm thay đổi cơ cấu thị trường, đảm bảo hệ thống vận hành an toàn, ổn định; việc thành lập sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam sẽ góp phần tạo nên một TTCK tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát, phát triển thị trường.
Ngoài ra, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết theo báo cáo tài chính quý 4/2020 (chưa kiểm toán) ghi nhận 82% doanh nghiệp có lãi - mức tương đương với quý 4/2019, cho thấy sức chống chịu tốt của doanh nghiệp trước khủng hoảng.
Phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch
Tuy nhiên, bà Bình cũng cho rằng triển vọng tăng trưởng của TTCK Việt Nam vẫn phải đối mặt với những nguy cơ lớn mà đại dịch COVID-19 kéo dài trên toàn cầu sẽ là nguy cơ lớn nhất.
“Vì vậy, diễn biến của TTCK phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam cũng như mức độ hồi phục của nền kinh tế trong nước và quốc tế”, bà Bình nhấn mạnh.
Bà Bình cũng nhận định rằng hướng đi và những căng thẳng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc ở nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ mới vẫn là điều nhiều nhà đầu tư quan tâm, tiềm ẩn những rủi ro về chính sách tác động đến nền kinh tế toàn cầu và hoạt động giao thương giữa các nước trên thế giới.
Ngoài ra, sức cầu của thị trường đặc biệt là sức mua của nhà đầu tư trong nước cần đủ lớn để giữ đà cho nhịp tăng trưởng của TTCK trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng mạnh trên TTCK thời gian gần đây.
Nêu giải pháp phát triển TTCK, bà Bình cho rằng cần tập trung vào công tác phổ biến pháp luật; hoàn thiện phương án tổ chức thị trường trái phiếu doanh nghiệp và xây dựng, ban hành các quy định, quy chế về trái phiếu doanh nghiệp.
Cần hoàn thiện thể chế chính sách cho việc vận hành Sở GDCK Việt Nam sau khi Chính phủ đã ban hành Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg, cho phép Sở GDCK Việt Nam và các sở con thực hiện đúng chức năng và hoạt động theo quy định tại Luật Chứng khoán mới số 54/2019/QH14, cho phép tổ chức các phân mảng thị trường giao dịch một cách thống nhất và hiệu quả.
Bà Bình cho hay trong năm 2021, Ủy ban Chứng khoán nhà nước dự kiến sẽ tiếp tục giới thiệu thêm các sản phẩm giao dịch mới trên TTCK, đó là ra mắt sản phẩm Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ 10 năm, nghiên cứu để sớm đưa thêm sản phẩm hợp đồng tương lai trên các chỉ số cổ phiếu mới và các loại chứng quyền có bảo đảm, trái phiếu xanh, nghiên cứu triển khai số hóa các tài sản tài chính trên thị trường chứng khoán, áp dụng các công nghệ tài chính mới (Fintech).
Giải pháp tiếp theo là tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng phê duyệt, đưa các tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng điều kiện, chỉ tiêu an toàn tài chính vào diện kiểm soát, kiểm soát đặc biệt, đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm trên TTCK. Trong đó, ưu tiên thiết lập các cơ chế giám sát, cảnh báo sớm, có kịch bản phòng ngừa khủng hoảng, đảm bảo hoạt động ổn định của khu vực tài chính quốc gia; phát hiện và xử phạt nghiêm các vi phạm về thao túng, nội gián, gian lận. Song song với đó là xử lý triệt để vấn đề nghẽn lệnh thị trường, đảm bảo thị trường vận hành thông suốt, trật tự và ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư.
Trước mắt khuyến khích và hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp chuyển từ sàn giao dịch TP.HCM sang sàn Hà Nội. Bên cạnh đó, phối hợp với Tập đoàn công nghệ FPT trong việc triển khai áp dụng hệ thống phần mềm đang được vận hành tại sàn giao dịch Hà Nội cho hệ thống giao dịch tại TP.HCM. Mục tiêu trong năm nay sẽ hoàn thiện và đưa vào vận hành hệ thống giao dịch chứng khoán mới (từ Hàn Quốc) cho toàn bộ TTCK .
Một giải pháp nữa bà Bình đưa ra là đẩy mạnh thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, tập trung vào thực hiện nhóm các giải pháp như: tăng quy mô đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc gia tăng số lượng các công ty có vốn hóa lớn, thúc đẩy và tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn; nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp và báo cáo tài chính...