Cuộc gặp được mong đợi giữa hai lãnh đạo Nga - Mỹ sẽ diễn ra vào cuối tuần lễ thứ hai của tháng 7. Nhiều chuyên viên an ninh quốc gia và ‘diều hâu’ Mỹ lo ngại Tổng thống Putin mạnh ý chí sẽ ‘đàn áp’ ông Trump.
Nhà Trắng và Điện Kremlin ngày 29.6 đều đã xác nhận: Hai vị Tổng thống Nga - Mỹ Vladimir Putin và Donald Trump sẽ có cuộc gặp ở Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Hamburg (Đức) trong 2 ngày 7 và 8.7.
Tại cuộc gặp mặt đối mặt đầu tiên giữa hai vị tổng thống, chưa rõ ông Trump sẽ chuyển thông điệp nào đến ông Putin, vào lúc đang có căng thẳng cao độ giữa Washington và Điện Kremlin, về nghi án Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, cùng sự hiện diện quân sự của Nga ở Ukraine và Syria.
Ông Trump và Nhà Trắng đã bác bỏ cáo buộc người Nga can thiệp vào cuộc tranh cử tổng thống 2016.
Hai ông Trump - Putin đã nói chuyện qua điện thoại hai lần, kể từ khi ông Trump nhậm chức ngày 20.1.
Cựu điệp viên KGB chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc gặp...
Theo trang Politico, ông Trump đang theo đuổi việc lập quan hệ ấm nồng hơn, và rất muốn kết bạn với lãnh đạo Nga, dù đang có những cáo buộc nhóm tranh cử của ông thông đồng với các quan chức Nga.
Tuy nhiên, các chuyên viên an ninh quốc gia và các tay ’diều hâu’ trong chính phủ Mỹ lo ngại việc Tổng thống Trump nhiều tháng qua đề cập triển vọng thiết lập tình bạn với ông Putin, nên có thể ông Trump sẽ sốt ruột làm hài lòng người đồng cấp nhiều ý chí, và ông Putin còn là một cựu điệp viên KGB đầy kinh nghiệm chuẩn bị kế hoạch đến từng chi tiết.
Thomas Graham, giám đốc tổ chức nghiên cứu Kissinger Associates và cựu trợ lý Nhà Trắng (thời Tổng thống George Bush) phụ trách vấn đề Nga, nói:
“Ông Putin có nhiều việc để làm khi đến với cuộc gặp này. Ông ấy đến với các cuộc gặp này với sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Trong khi đó, từ nhiều tháng qua, ông Trump luôn nói về chuyện gặp ông Putin, nhưng những người khác trong chính phủ lại ngần ngại”.
Sếp của ông Graham là cựu Ngoại trưởng Mỹ và cựu Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Henry Kissinger, đã gặp ông Putin tại Moscow hôm 29.6.
Tổng thống Putin là cựu điệp viên KGB dày kinh nghiệm lập kế hoạch cạnh tranh với Mỹ
... “ Tổng thống Mỹ sẽ nói bất kỳ điều gì ông muốn nói”
Dù các quan chức chính phủ Trump lên án những hành xử của ông Putin ở nhiều lĩnh vực - như tấn công mạng vào hệ thống bầu cử Mỹ - các quan chức Nhà Trắng lại nói ông Trump chưa có kế hoạch đặc biệt nào cho cuộc gặp ông Putin
Ngay chính Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng HR McMaster thừa nhận với các nhà báo: “Không có chương trình làm việc đặc biệt. Thật sự sẽ là bất kỳ chuyện gì mà Tổng thống muốn nói đến”.
Nhà Trắng không cho biết chính xác thời gian và địa điểm cuộc gặp giữa hai ông Trump - Putin.
Thế nhưng tại một cuộc họp báo với ông McMaster, giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Mỹ Gary Cohn nói: Ông Trump sẽ có các cuộc gặp song phương với lãnh đạo các nước hàng đầu dự hội nghị thượng đỉnh G-7, và với Nga.
Cohn nói thêm rằng các cuộc gặp này cũng có khả năng không có “chương trình làm việc chính thức”.
Các chuyên gia về quan hệ Nga - Mỹ nói điều này có thể tạo ra sự mất cân bằng, khi ông Trump gặp Tổng thống Nga từng trải cả đời sắp xếp chuyện cạnh tranh giữa Nga với Mỹ.
Chưa thể có đột phá khi ông Trump chưa có chính sách rõ ràng về Nga
Dù ông Trump sẽ rất khó tránh những dịp tiếp xúc với ông Putin tại hội nghị thượng đỉnh, một số quan chức Mỹ cho rằng ông Trump nên hạn chế bất kỳ cuộc gặp nào với ông Putin, ngoài vài câu nói ngẫu hứng mà thuật ngữ ngoại giao gọi là “kéo riêng ra một bên”.
Các trợ lý Nhà Trắng được cho là đặc biệt lo ngại bất kỳ cuộc gặp nào với những quan chức Điện Kremlin, sau lần bị bẽ mặt vì vụ Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak được ông Trump tiếp trong Phòng Bầu dục.
Nhà Trắng không tính công bố ảnh chuyến thăm này, nhưng bị bất ngờ khi hãng thông tấn TASS đăng ảnh một phóng viên ảnh Nga có mặt ở phòng làm việc của Tổng thống Mỹ.
Các ảnh chụp ông Trump đang vui cười với các ông Lavrov và Kislyak, chỉ một ngày sau khi ông sa thải giám đốc Cục điều tra liên bang (FBI) James Comey, người chỉ huy cuộc điều tra nghi án nhóm tranh cử của ông Trump thông đồng với các quan chức Nga.
TV chiếu hình ảnh ông Trump vui vẻ nói cười với Ngoại trưởng Nga và Đại sứ Nga tại Phòng Bầu dục
Dù vậy, ông Trump xem ra không nản theo đuổi điều ông nói: Mối quan hệ đối tác với Nga sẽ có ích trong việc đánh bọn khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS.
Dimitri Simes, Chủ tịch - Tổng giám đốc Trung tâm vì quyền lợi quốc gia (ở Washington) là người gốc Nga, nói: “Theo tôi, đây là một tổng thống vẫn ráng cải thiện quan hệ với Nga. Ông ấy cảm nhận rất mạnh về điều này”.
Các chuyên gia cho rằng ông Putin cũng sốt ruột muốn cải thiện quan hệ với Mỹ, nhưng ông Simes và những người khác nói bất kỳ cuộc gặp nào giữa hai lãnh đạo Nga - Mỹ đều sẽ không có sự đột phá nào về chính sách, nhất là khi chính phủ Mỹ không có chính sách rõ ràng về Nga.
Ông Simes nói: “Ông Trump không giao nhiệm vụ và chính sách để buộc các trợ lý thi hành. Mà vì không có chỉ đạo đặc biệt từ tổng thống, rất khó cho một chính phủ phát triển một chính sách mạch lạc,chặt chẽ”.
Nga khẳng định chưa quyết định công thức cuộc gặp
Vẫn chưa có thông tin về thời gian diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh và công thức cuộc gặp, chưa rõ sẽ là cuộc gặp bên lề hay là “ngồi xuống nói chuyện”, tức là hội đàm song phương.
Điện Kremlin nói rõ: Cuộc gặp giữa hai ông Putin - Trump còn phải tùy lịch làm việc rất tất bật của lãnh đạo Nga.
Hãng thông tấn TASS ngày 30.6 dẫn lời người phát ngôn Dmitri Peskov của ông Putin: “Moscow cho rằng hội nghị G-20 sẽ là chỗ cho hai vị lãnh đạo gặp nhau. Tầm cỡ và thời gian của cuộc gặp “sẽ được quyết qua các kênh ngoại giao”.
Ông Yuri Ushakov, trợ lý cấp cao của ông Putin và từng là đại sứ Nga tại Mỹ, cho biết sẽ cung cấp lịch trình chuyến đi Hamburg của ông Putin cho người Mỹ biết, sẽ có ý kiến với họ về cuộc gặp mà hai bên đã đồng ý, và sẽ ráng thu xếp cuộc gặp vào lịch trình làm việc vốn đã rất phức tạp
Ông nói thêm: Nga - Mỹ đang thảo luận công thức cuộc gặp, giữa ông Putin với ông Trump, với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Lịch trình của ông Trump xem ra ít bận rộn hơn: Ông muốn gặp hai nữ Thủ Tướng Đức - Anh Angela Merkel và Theresa May, Tổng thống Mexico Enrique Peda Nieto, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Thủ tướng Nhật Abe.
Vĩnh Thụy (theo Politico)