Tổng thống Mỹ Donald Trump thách thức Nga và Iran bằng cách dọa đánh bom Syria, nhưng điều này có thể khiến Mỹ sa lầy ở chiến trường Syria.

Tổng thống Mỹ thách thức Nga và Iran bằng cách dọa đánh bom Syria

28/06/2017, 14:11

Tổng thống Mỹ Donald Trump thách thức Nga và Iran bằng cách dọa đánh bom Syria, nhưng điều này có thể khiến Mỹ sa lầy ở chiến trường Syria.

Mỹ phóng tên lửa Tomahawk vào căn cứ không quân Syria - Ảnh: Popular mechanic.com

Đêm 26.6, Nhà Trắng lại tuyên bố sẽ bắt chính phủ Assad “trả giá đắt” nếu Syria lại tấn công dân thường bằng vũ khí hóa học.

Mỹ lo vũ khí hóa học lọt vào tay bọn xấu

Lầu Năm Góc nói rằng công tác chuẩn bị cho vụ tấn công này cũng từ căn cứ không quân Shayrat của Syria. Căn cứ không quân này là nơi xuất phát vụ tấn công bằng vũ khí hóa học vào ngày 4.4 ở thị trấn Khan Sheikhoun, tỉnh Idlib do phe nổi dậy kiểm soát. Vụ tấn công khiến ít nhất 87 người chết, trong đó có 31 trẻ em.

Khi đó, ông Trump đã quyết hành động quân sự. Ông nói: “Thái độ của tôi về Syria và Assad đã thay đổi rất nhiều”.

Ngày 6.4, ông ra lệnh cho 2 khu trục hạm hải quân Mỹ phóng 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk nhắm vào căn cứ không quân Sharaf của Syria. Đó là lần đầu tiên Mỹ tấn công vào căn cứ của chính phủ Tổng thống Bashar al Assad. Tổng thống Trump nói rằng ông không chấp nhận việc Syria sử dụng vũ khí hóa học vốn bị luật quốc tế cấm. Ông cũng rất lo vũ khí hóa học có thể rơi vào tay bọn cực đoan.

Chính phủ Syria đã bác bỏ cáo buộc của Nhà Trắng, khẳng định không hề sử dụng hóa chất bị cấm. Một nghị sĩ Nga gọi cáo buộc của Mỹ là “khiêu khích”, còn Ngoại trưởng Iran nói lời dọa của Mỹ làm “leo thang căng thẳng”.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc, thiếu tá thủy quân lục chiến Adrian Rankine-Galloway nói: “Sự tàn bạo của Assad đe dọa khu vực và quyền lợi Mỹ”, và bất kỳ cuộc tấn công nào của Syria bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) đều có nguy cơ kích động các lực lượng khác cũng sử dụng WMD.

Tổng thống Trump sẵn sàng mạnh tay

Vũ khí hóa học đã giết hàng trăm người từ khi bắt đầu nội chiến Syria. Liên Hợp Quốc quy trách nhiệm 3 vụ tấn công cho quân đội Syria và 1 vụ cho bọn khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS.

Mỹ cùng các đồng minh phương Tây, Ả Rập và các nhóm nổi dậy Syria đều cáo buộc chế độ Assad nhiều lần sử dụng vũ khí hóa học như chất độc sarin để tiêu diệt dân thường. Nhà Trắng đã dọa vẽ “lằn ranh đỏ” về vũ khí hóa học như cựu Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố.

Nhưng sự khác biệt là ông Obama rút lời đe dọa hành động quân sự, sau vụ tấn công năm 2013, thay vào đó chọn một giải pháp ngoại giao để dẹp kho vũ khí hóa học của Tổng thống Assad. Tổng thống Trump thì chứng tỏ ông sẵn sàng cho phép dùng sức mạnh quân sự.

Các quan chức Mỹ nói ông Assad không hề đáp ứng yêu cầu trong thỏa thuận giữa ông Obama với Nga, tức ông Assad vẫn giữ lại vài kho vũ khí hóa học. Chưa rõ chuyện gì sẽ xảy ra nếu Mỹ cho rằng chắc chắn Syria sẽ tấn công bằng vũ khí hóa học. Nhưng Nhà Trắng đã tỏ ra sẽ không nhắm mắt làm ngơ.

Từ khi ông Trump nhậm chức hồi đầu năm nay, Mỹ đã dấn sâu vào cuộc chiến tại Syria. Ngày 18.6, chiến đấu cơ Mỹ lại bắn rơi chiến đấu cơ Su-22 của không quân Syria. Lực lượng dân chủ Syria (SDF) cáo buộc chiến đấu cơ này ném bom quá gần vị trí đơn vị chống quân khủng bố IS của họ ở Raqqa.

Nga đã nổi giận, tuyên bố sẽ xem máy bay Mỹ và đồng minh là “mục tiêu” của tên lửa đất đối không của Nga ở Syria.

Mỹ cũng đã hai lần bắn hạ máy bay không người lái của Iran.

Quân trung thành với Tổng thống Syria mừng chiến thắng

Mỹ sẽ sa lầy ở nội chiến Syria?

Từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thay đổi hẳn cách nhìn về Syria. Ông từng chỉ trích cách xử lý của người tiền nhiệm Obama và hứa sẽ hợp tác với Tổng thống Nga Vladimir Putin để đánh bại bọn khủng bố IS. Cuối tháng 3, ông Trump thậm chí còn đề nghị ủng hộ ngầm Tổng thống Assad.

Nhưng khi Nga - Mỹ cùng quyết tâm đánh bọn khủng bố IS, ông Trump lại đặt các chính sách của ông vào tầm xung đột với các chính sách của Nga, trong hy vọng giữ được một “miếng bánh lớn” có thể ở Syria đang tan hoang vì chiến tranh. Viêc này cũng để chống tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Iran, một đồng minh khác của ông Assad.

Lời dọa hành động quân sự của Nhà Trắng đối với chế độ Assad có thể đẩy Mỹ lún sâu vào cuộc nội chiến Syria. Washington hiện có hơn 5.000 quân Mỹ ở Iraq và 1.000 quân ở Syria.

Dù Lầu Năm Góc nói đã cảnh báo trước với Nga về vụ phóng tên lửa hành trình Tomahawk, nhưng việc đột ngột hành động quân sự này vẫn làm dấy lên sự bất đồng lớn giữa Nga và Mỹ trong việc kết thúc nội chiến Syria. Sau giai đoạn làm thân gồm các cuộc nói chuyện của hai Ngoại trưởng Nga - Mỹ Sergei Lavrov và Rex Tillerson, Mỹ lại tạo ra xung đột với Nga và Iran bằng cách triển khai sự hiện diện quân sự ở miền nam Syria hồi tháng 5.

Chính phủ Assad tuyên bố đó là hành động phi pháp.

Quân SDF ngồi cạnh quan tài đồng đội bị bọn khủng bố IS giết ở Raqqa

Đối tác chính của Mỹ để đánh bọn khủng bố IS ở Syria là SDF. Họ đang bao vây thủ phủ tự xưng Raqqa của bọn IS ở phía bắc Syria.

Nhưng Lực lượng tác chiến đặc biệt Mỹ (SOF) lại lập “vùng phi xung đột” ở thành phố Al-Tanf gần biên giới Jordan và Iran. Bộ chỉ huy quân Mỹ (CENTCOM) nói vùng này nhằm ngăn chặn các lực lượng thân chính phủ Syria. Mỹ đã đánh các lực lượng này hai lần trong vài tuần qua.

Nga đã nghiêm khắc cảnh cáo các vụ tấn công này, dù chúng không thể chặn quân đội Syria và các nhóm quân có Iran hỗ trợ kéo đến biên giới Iraq và tiến về phía bắc, hướng tới thành phố Deir Al-Zour vốn bị bọn khủng bố IS bao vây từ năm 2014.

Quân đội Syria giành thắng lợi trong việc giữ được vùng biên giới đông nam khỏi bọn IS, tạo điều kiện cho Iran hỗ trợ cho 4 thủ đô Beirut của Lebanon, Damascus của Syria, Baghdad của Iraq và Tehran của Iran.

Thắng lợi này gây thất vọng cho nỗ lực chống Iran của ông Trump, dù đồng minh Israel tiếp tục đánh bom các vị trí của quân đội Syria và các đồng minh được Iran ủng hộ. Ngoài ra, Ả Rập Saudi cũng bao vây Qatar nhằm ép nước này chấm dứt quan hệ với Iran.

Vĩnh Thụy (theo Newsweek, AP)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tiếp tục phổ biến câu chuyện về ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy kinh tế số nông thôn
12 giờ trước Khoa học - công nghệ
Trong quý 2.2024, Bộ TT-TT sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các câu chuyện về ứng dụng công nghệ số nhằm thúc đẩy, phát triển kinh tế số, xã hội số tại các vùng nông thôn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng thống Mỹ thách thức Nga và Iran bằng cách dọa đánh bom Syria