Các nhà nghiên cứu Trung Quốc và New Zealand phát hiện động vật biển hấp dẫn ở độ sâu hàng ngàn mét dưới dưới lòng đại dương.
Một con anglerfish (cá lồng đèn hay cá quỷ) màu đỏ đang bơi lộn ngược, hải quỳ có cuống cực dài và hải sâm trơn không gai bò dọc theo đáy biển một mình dưới thế giới đại dương sâu thẳm.
Đây chỉ là một số sinh vật biển sâu hiếm thấy sống ở độ sâu hàng ngàn mét dưới lòng đại dương, nơi Mặt trời không chiếu tới và thức ăn khan hiếm, phải chịu đựng áp suất nước có thể gấp hàng ngàn lần so với bề mặt biển.
Chúng là những động vật biển hấp dẫn được phát hiện bởi nhóm các nhà nghiên cứu từ Trung Quốc và New Zealand khi họ đi xuống một trong những nơi sâu nhất Trái đất – Rãnh Kermadec ở Nam Thái Bình Dương.
“Có lẽ đây là chế độ lấy mẫu khoa học hiệu quả nhất ở độ sâu hadal (dưới 6.000 mét) tồn tại vào thời điểm hiện tại”, theo David Bowden, nhà sinh thái học biển từ Viện Nghiên cứu Khí quyển và Nước Quốc gia New Zealand, người tham gia đoàn thám hiểm.
Nằm ở phía bắc New Zealand, Rãnh Kermadec có điểm sâu nhất tới khoảng 10.000 mét dưới bề mặt đại dương.
“Trong chuyến đi gần đây này, chúng tôi đã tăng đáng kể khối lượng dữ liệu có về Rãnh Kermadec nhờ hoạt động của Viện Khoa học và Kỹ thuật Biển sâu Trung Quốc (IDSSE)”, David Bowden vừa chia sẻ với trang SCMP.
David Bowden đã ở trên tàu lặn Fendouzhe (hay Striver) do Trung Quốc sản xuất, khi nó lặn xuống Rãnh Kermadec vào năm 2022 cùng nhóm khám phá và thu thập trầm tích, đá cũng như các mẫu sinh học và nước để phân tích trong phòng thí nghiệm.
Fendouzhe là tàu ngầm lặn sâu có người lái thứ ba do Trung Quốc chế tạo, được dùng để quan sát nhiều loài và sự phân bố sinh vật sống ở đáy biển.
Những sinh vật mà các thợ lặn nhìn thấy rõ ràng đã tiến hóa để thích nghi với môi trường biển cụ thể của chúng, chẳng hạn anglerfish di chuyển lộn ngược có thể để thu hút con mồi dưới đáy biển bằng mồi nhử giống cần câu trên đầu; các loài hải quỳ với thân cực kỳ dài có thể giúp chúng thoát khỏi vụ lở đất. Trong khi hải sâm "tối giản" vì không phải lo lắng quá nhiều về việc phát triển gai để trông không hấp dẫn khi mà số lượng đối thủ săn mồi rất ít.
Hai năm trước, tàu lặn Fendouzhe đã chạm tới đáy của Rãnh Mariana – rãnh sâu nhất Trái đất với độ sâu hơn 10.000 mét.
“Với chúng tôi (các nhà khoa học New Zealand), đó là một cơ hội lớn. Hoạt động khoa học và công nghệ mà IDSSE đã kết hợp đạt đẳng cấp thế giới và vượt xa mọi thứ mà chúng tôi hiện có thể làm ở New Zealand. Thông qua những sự hợp tác như thế này, chúng tôi có thể tìm hiểu thêm về môi trường tự nhiên của mình và hiểu thêm về cách thức hoạt động của nó”, David Bowden nói về chuyến thám hiểm Rãnh Kermadec.
Các rãnh đại dương có hình dạng giống cái phễu hoặc hình nón, đưa các sinh vật chết từ độ sâu ít hơn (nơi có ánh nắng Mặt trời) xuống đáy, là nguồn cung cấp thức ăn mà các sinh vật sống sâu dưới đáy biển chủ yếu dựa vào.
Các trận động đất lớn, thường xảy ra ở Rãnh Kermadec, cũng đẩy bùn và trầm tích cũng như các chất hữu cơ xuống đáy. Thế nhưng, việc cung cấp "thực ăn rơi" như vậy có thể không ổn định.
“Các loài động vật sống dưới đó đã thích nghi với sự sẵn có thức ăn đó. Chúng có thể không có thức ăn trong nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm”, David Bowden nói.
Các loài động vật cũng phát triển các cách để đối phó với việc sống trong bóng tối hoàn toàn, khi ánh sáng Mặt trời chiếu tới độ sâu chỉ khoảng 200 mét. David Bowden cho biết ông không thể nhìn thấy ánh sáng khi tàu lặn đi xuống hơn 200 mét, nhưng có những loài động vật có da hoặc mắt tạo ra ánh sáng thông qua phản ứng hóa học gọi là phát quang sinh học.
Việc sinh sản cũng có thể gặp vài khó khăn ở đại dương sâu tối tăm, nơi các loài động vật sống với mật độ khá thấp. Chúng cần một phương pháp truyền tín hiệu để xác định bản thân với bạn tình tiềm năng, nhưng chính những tín hiệu đó cũng có thể khiến những kẻ săn mồi chú ý.
“Có cả một trò chơi sinh tử đang diễn ra ở dưới đó. Nếu bạn làm một dấu hiệu nhẹ để nói: 'Tôi đây, hãy đến và nói chuyện với tôi', điều đó thật nguy hiểm vì những kẻ không phù hợp có thể đến khi bạn quảng cáo mình như bữa ăn tối”, David Bowden chia sẻ.
David Bowden nói thêm rằng giao tiếp cũng có thể xảy ra thông qua các giác quan khác, như rung động qua nước, mùi hoặc vị.
Ông nói: “Loài lưỡng cư, loài ăn xác thối nhỏ bé (ăn xác động vật) sẽ có thể ngửi thấy xác cá voi đang phân hủy từ rất xa và bơi về phía nó”.
David Bowden nói thêm, những con lưỡng cư nhanh nhẹn săn lùng xác chết và cá đến sau đó để ăn những con lưỡng cư.
Thế nhưng, cá không sống ở độ sâu dưới 8.000 mét vì các enzym và protein cần thiết cho hoạt động của cơ thể ngừng hoạt động khi áp suất nước cao ảnh hưởng đến cách cuộn gập protein.
Các nhà khoa học biển vẫn đang xem xét các lý thuyết để giải thích lý do tại sao một số loài động vật lại sống sâu dưới đáy đại dương.
“Động vật cuối cùng lại ở những nơi đó vì sự tò mò hoặc chỉ là tai nạn, định mệnh? Sau đó, điều thú vị là phần sống còn của chúng. Tất cả đều xoay quanh việc sống sót được ở bất cứ đâu có thể", David Bowden nói.