Một loạt Trưởng đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa Kinh Môn, Bình Dương và Long An cùng thanh tra cảng vụ có liên quan sau các vụ phương tiện thủy đâm vào cầu xảy ra thời gian gần đây đã bị đình chỉ công tác.
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã có quyết định đình chỉ hàng loạt Trưởng đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa Kinh Môn, Bình Dương và Long An cùng thanh tra cảng vụ có liên quan sau các vụ phương tiện thủy đâm vào cầu An Thái (sông Kinh Môn, Hải Dương), cầu Cơn Độ (kênh Nhà Lê, Hà Tĩnh) và cầu Ghềnh (sông Đồng Nai, Đồng Nai) xảy ra gần đây.
Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Hoàng Hồng Giang cho biết Cục đã yêu cầu đình chỉ công tác 15 ngày đối với một loạt cán bộ chịu trách nhiệm tại các khu vực liên quan tới các vụ việc nói trên.
|
Tàu Thành Luân 28 đâm gãy rầm cầu An Thái bắc qua sông Kinh Môn vào chiều 6.3. |
Theo ông Giang, Cục đã yêu cầu đình chỉ công tác đối với Trưởng đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa Kinh Môn, trưởng đội Thanh tra đường thủy số 2. Đây là trường hợp liên quan tới vụ tàu Thành Luân 28 với tải trọng 3.000 tấn đã đâm hỏng rầm cầu An Thái vào chiều 6.3 khiến giao thông qua sông Kinh Thầy nối huyện Kinh Môn và Kim Thành bị đảo lộn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh tế, xã hội.
Theo báo cáo của Chi cục Đăng kiểm Hải Hưng (đơn vị trực tiếp giám sát kiểm định chiếc tàu số hiệu HP-3016), tàu HP-3016 có trọng tải toàn phần 3.162 tấn, hết hạn đăng kiểm từ ngày 22.1 và đang trong quá trình kiểm định. Cụ thể, ngày 3.3, tại cảng Hà Bình (trên sông Thái Bình, tỉnh Hải Dương) tàu HP-3016 được đưa lên đà để kiểm tra phần chìm dưới nước. Kết quả kiểm tra thỏa mãn yêu cầu an toàn kỹ thuật hiện hành. Tuy nhiên, khi chưa được kiểm tra ở trạng thái nổi và thử máy tàu, tàu HP-3016 đã tự ý rời cảng Hà Bình tiếp tục lưu thông và gây ra vụ việc.
Ngoài ra, lãnh đạo Cục Đường thủy Nội địa cũng đình chỉ hoạt động cảng đóng tàu Hà Bình (vụ cầu An Thái) vì cố ý đưa phương tiện lên đà khi chưa được phép; kiến nghị ngành chức năng rút giấy phép kinh doanh đối với doanh nghiệp có tàu đâm vào cầu; xem xét trách nhiệm của trạm quản lý đường thủy liên quan.
Với vụ tàu đâm sập cầu Cơn Độ (Hà Tĩnh), Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa yêu cầu có văn bản đề nghị Sở Giao thông vận tải Hà Tĩnh kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể có liên quan.
Khoảng 8 giờ 30 ngày 12.3, tại xã Thuận Lộc, thị xã Hồng Lĩnh xảy ra vụ tai nạn đường thủy nghiêm trọng, làm cầu Cơn Ðộ (nối giữa phường Nam Hồng với xã Thuận Lộc, thị xã Hồng Lĩnh) bị đâm sập, chiếc sà lan bị khối bê tông của chiếc cầu nhấn chìm.
|
Để khắc phục sự cố cầu Ghềnh, sẽ tốn ít nhất khoảng 300 tỉ đồng. |
Đối với vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh, hai Trưởng đại diện Cảng vụ (tại Bình Dương và Long An) quản lý cảng, bến mà tàu kéo sà lan cập, rời trước khi đâm sập cầu Ghềnh và Trưởng đội thanh tra số 5, 6 (vụ cầu Ghềnh) cũng bị Cục đưa vào danh sách đình chỉ.
Vụ việc xảy ra vào lúc 11 giờ 35 ngày 20.3, tàu kéo sà lan (chưa rõ số hiệu) từ hạ nguồn lên thượng nguồn sông Đồng Nai đã đâm vào trụ cầu Ghềnh (tại km1699+860 thuộc khu gian Biên Hòa-Dĩ An) làm gãy trụ cầu và làm sập hai nhịp 2 và 3 của cầu.
Vụ việc đặc biệt nghiêm trọng này đã khiến tuyến đường sắt Nam - Bắc bị gián đoạn, ngành đường sắt thiệt hại nặng nề
Nam Phong