Các chuyên gia khí tượng cho rằng người dân cần chủ động nắm thông tin dự báo để điều tiết kế hoạch làm việc, vui chơi, nghỉ lễ vì nắng nóng có thể bùng lên rất gay gắt.
Hiện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia chưa có cảnh báo về đợt nắng nóng đặc biệt gay gắt này. Trong khi một số chuyên gia khí tượng cho biết từ khoảng ngày 24.4 - 1.5, ở Trung Bộ, đặc biệt là từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có thể xuất hiện một đợt nắng nóng cực đoan, nhiệt độ lên mức 40 - 42 độ C.
Cùng khoảng thời gian này, vùng nắng nóng ở khu vực Tây Bắc Bộ sẽ mở sang Đông Bắc Bộ (bao gồm Hà Nội). Theo đó, nhiệt độ tại Hà Nội từ ngày 25.4 sẽ tăng dần lên mức 36 độ C và tiếp tục tăng những ngày sau đó, có thể vượt 40 độ C trong dịp nghỉ lễ 30.4, 1.5.
Một số đài khí tượng quốc tế theo dõi nhiệt độ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng có nhận định, nhiệt độ Hà Nội vào ngày 30.4 có thể đạt tới 43 độ C. Đây là mức độ nắng nóng đặc biệt gay gắt và rất hiếm gặp tại Hà Nội, xác suất phá vỡ các kỷ lục cũ lên tới 60%.
Không chỉ hoạt động mạnh ở miền Bắc và miền Trung, theo các chuyên gia khí tượng, đợt nắng nóng này cũng sẽ gia tăng nền nhiệt ở Nam Bộ và Tây Nguyên trong dịp nghỉ lễ 30.4, 1.5. Dự báo nhiệt độ tại Đông Nam Bộ đợt tới khoảng 39 - 40 độ C (thậm chí Đà Lạt - Lâm Đồng cũng sẽ có mức nhiệt độ cao nhất đạt 31 độ C).
Như vậy, từ khoảng ngày 26.4 - 1.5, nắng nóng sẽ bùng ra diện rộng trên cả nước. Do ban ngày nắng nóng nên về chiều rất dễ xảy ra hiệu ứng dông nhiệt, gây mưa rào, dông lốc, mưa đá…
Các chuyên gia khí tượng cho rằng, người dân cần chủ động nắm thông tin dự báo để điều tiết kế hoạch làm việc, đi lại, vui chơi, nghỉ lễ…
Trước đó, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết, về diễn biến nắng nóng, tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có xu hướng gia tăng trong thời kỳ từ tháng 5 - 7. Nắng nóng tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng nửa đầu tháng 5. Hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với cùng kỳ nhiều năm trước.
Tình hình khô hạn ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng nửa đầu tháng 5. Ở khu vực Trung Bộ, khô hạn có khả năng xuất hiện và kéo dài trong thời kỳ từ nửa cuối tháng 4 đến tháng 7.
Tháng 5, trên phạm vi toàn quốc nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 1 - 2 độ C, có nơi cao hơn. Tháng 6 - 7 cao hơn từ 0,5 - 1,5 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tổng lượng mưa tháng 5 - 7 phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Khu vực Trung Bộ, tháng 5, tổng lượng mưa phổ biến thiếu hụt từ 10 - 30% so với trung bình nhiều năm.