Các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ ban hành văn bản pháp luật mới thay thế các Chỉ thị 15, 16, 19… với nội dung phù hợp chiến lược chống dịch mới và quan điểm “sống chung lâu dài với dịch bệnh”.

DN kiến nghị ban hành văn bản phòng chống dịch mới, thay thế Chỉ thị 15, 16

Lam Thanh | 26/09/2021, 11:38

Các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ ban hành văn bản pháp luật mới thay thế các Chỉ thị 15, 16, 19… với nội dung phù hợp chiến lược chống dịch mới và quan điểm “sống chung lâu dài với dịch bệnh”.

Sáng 26.9, tại hội nghị của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho biết, để các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ thực sự phát huy hiệu quả, việc xây dựng và thực thi chính sách cần được xác định theo cấp độ và có lộ trình thực hiện phù hợp.

Đối với các giải pháp cấp bách, cần thực hiện ngay, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị Chính phủ sớm xem xét, sửa đổi bổ sung các quy định về phòng chống dịch trong tình hình mới.

Theo đó, Chính phủ cần ban hành một văn bản pháp luật mới thay thế các Chỉ thị 15, 16, 19… với nội dung phù hợp tình hình mới, chiến lược chống dịch mới và quan điểm “sống chung lâu dài với dịch bệnh”. Hơn nữa, chỉ thị không phải một hình thức văn bản pháp luật, chỉ sử dụng trong trường hợp cấp bách, không nên sử dụng lâu dài.

Ngoài ra, cần có chủ trương, chính sách phát huy, hỗ trợ các doanh nghiệp đã có sẵn phòng y tế, tổ y tế nâng cao năng lực, trang thiết bị y tế, thuốc điều trị COVID-19, huấn luyện thực hiện "y tế tại chỗ" để tham gia hoạt động chống dịch tại doanh nghiệp; có cơ chế để huy động hệ thống y tế tư nhân tham gia công tác phòng chống dịch.

gian-cach.jpg
Cộng đồng DN kiến nghị ban hành văn bản thay thế Chỉ thị 15, 16

Các doanh nghiệp cũng đề nghị các bộ khẩn trương nghiên cứu hoàn thiện hệ thống “Thẻ xanh COVID-19”, thống nhất sử dụng 1 nền tảng/ứng dụng, liên thông dữ liệu giữa các bộ, ngành liên quan; điều chỉnh các quy định về nhập cảnh, giấy phép lao động cho phù hợp… để tạo điều kiện ổn định nguồn nhân lực lao động, chuyên gia, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp cũng đề nghị duy trì sản xuất kinh doanh an toàn trong bối cảnh sống chung lâu dài với dịch bệnh chính là điều kiện bình thường mới mà nhiều chính sách, quy định không còn phù hợp.

Chính phủ, Quốc hội cần kịp thời cho triển khai nghiên cứu, xây dựng, ban hành các chính sách, quy định mới, kể cả pháp luật, để chủ động tránh nguy cơ chính sách lạc hậu trở thành điểm nghẽn cho hoạt động của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới.

Bộ Y tế phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng Bộ Tiêu chí chung về sản xuất an toàn thời dịch bệnh để các doanh nghiệp, địa phương nghiên cứu, vận dụng vào tình hình thực tế; các địa phương bãi bỏ ngay các quy định riêng của địa phương về hạn chế, kiểm tra, kiểm soát vận tải hàng hóa giữa các vùng, chỉ kiểm tra tại các điểm giao nhận hàng hóa; không phân biệt hàng hóa thiết yếu; lái xe chỉ cần xét nghiệm âm tính, tuân thủ 5K và các biện pháp an toàn khác…

Doanh nghiệp cũng đề nghị xem xét nâng giới hạn làm thêm giờ để đáp ứng các yêu cầu riêng của các mô hình “3 tại chỗ”, mô hình “bong bóng sản xuất”; đáp ứng nhu cầu trả đơn hàng đúng hạn sau thời gian dài sản xuất bị đình trệ; triển khai chương trình chăm sóc tinh thần người lao động, động viên những người đã về quê quay trở lại doanh nghiệp làm việc.

Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp cũng đề nghị cơ quan liên quan khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện miễn, giảm các loại thuế, phí, tiền điện, nước và các biện pháp đã nêu trong Nghị quyết 105/NQ-CP; tăng ít nhất 30% số lượng các thủ tục hành chính liên quan tới doanh nghiệp được thực hiện theo phương thức điện tử, không tiếp xúc; rút ngắn 1/3 các thời hạn quy định cho các thủ tục này.

Doanh nghiệp cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có những chính sách hỗ trợ mạnh hơn như nới hạn mức tín dụng; miễn giảm, vay ưu đãi lãi suất thấp, nâng hạn mức tài sản thế chấp để tăng giá trị vốn vay lưu động từ 70% lên mức cao hơn. Tăng cơ hội tiếp cận vốn cho khu vực DNNVV, siêu nhỏ, hộ kinh doanh; giảm lãi suất cho vay.

“Việc các ngân hàng vẫn có lợi nhuận lớn trong lúc các doanh nghiệp đình trệ sản xuất, kinh doanh là một chỉ dấu không lành mạnh của nền kinh tế và của mối quan hệ cộng sinh giữa ngân hàng và doanh nghiệp”, ông Công nêu.

Theo cộng đồng doanh nghiệp, các gói hỗ trợ duy trì và phục hồi kinh tế cần đủ lớn và kịp thời để nắm bắt được thời cơ phục hồi. So sánh quy mô các gói hỗ trợ của Chính phủ một số nước trong khu vực năm 2020, như Thái Lan là 12,4%, Indonesia 5,4%, Philippines 3,6% GDP, thì với GDP ước tính năm 2020 của Việt Nam là gần 6,3 triệu tỉ, các gói hỗ trợ của Chính phủ có thể mở rộng đến 4% GDP, tương đương 250.000 tỉ. 

Về các giải pháp trung và dài hạn, Chủ tịch VCCI đề xuất cần xây dựng thêm các chính sách mang tính tái cấu trúc, hướng tới phát triển bền vững, như cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư công, chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, đẩy mạnh cải cách thủ tục xuất nhập khẩu và tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định FTAs...

Bài liên quan
"Nếu giãn cách xã hội mãi thì doanh nghiệp sẽ sụp đổ"
Theo Chủ tịch VCCI, đợt bùng dịch thứ 4 tại Việt Nam diễn biến phức tạp, hiện đã ngấm sâu, không thể trở về trạng thái Zero COVID. Do đó nếu giãn cách xã hội mãi thì các doanh nghiệp sẽ sụp đổ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
DN kiến nghị ban hành văn bản phòng chống dịch mới, thay thế Chỉ thị 15, 16