Theo Chủ tịch VCCI, đợt bùng dịch thứ 4 tại Việt Nam diễn biến phức tạp, hiện đã ngấm sâu, không thể trở về trạng thái Zero COVID. Do đó nếu giãn cách xã hội mãi thì các doanh nghiệp sẽ sụp đổ.
Sáng 26.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
DN rút khỏi thị trường, người lao động mất việc
Thủ tướng cho biết từ đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 tới nay đã có nhiều cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp có yêu cầu, đề xuất gì, Chính phủ cố gắng đáp ứng trong điều kiện tốt nhất có thể.
Thủ tướng gửi lời cảm ơn đến cộng đồng doanh nghiệp trong suốt gần 2 năm vừa qua đã đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, nhân dân phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.
“Cảm ơn bao nhiêu cũng không đủ, chúng ta bằng hành động cụ thể để thể hiện tình cảm của Đảng, Nhà nước, nhân dân với doanh nghiệp và của doanh nghiệp với Đảng, Nhà nước, nhân dân”, Thủ tướng chia sẻ.
Nhấn mạnh quan điểm hài hoà lợi ích, chia sẻ rủi ro, Thủ tướng cũng khẳng định không vì khó khăn mà chúng ta bi quan, hoang mang, lo sợ. Tình hình càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, phát huy dân chủ, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau, lấy khó khăn, thách thức làm động lực vươn lên.
Thủ tướng cho biết Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng kịch bản thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19, xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất, kinh doanh…
Theo đó, hội nghị hôm nay tập trung thảo luận về những giải pháp tốt để tìm cách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch bệnh, để vừa chống dịch hiệu quả, thành công, vừa khôi phục và phát triển kinh tế.
“Nếu chúng ta chỉ tập trung chống dịch thì chúng ta hết nguồn lực; ngược lại chỉ tập trung phát triển kinh tế, không có giải pháp chống dịch thì chúng ta không bảo vệ được sức khỏe của nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết bức tranh chung của cộng đồng doanh nghiệp đang có sự suy giảm mạnh của quy mô hoạt động và sự gia tăng mức độ ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ các lĩnh vực, các ngành nghề sản xuất kinh doanh.
Chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, đã có trên 85.000 doanh nghiệp, tức trên 10% số doanh nghiệp cả nước rút khỏi thị trường, trung bình mỗi tháng trên 10.000 doanh nghiệp, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm 2020. Đằng sau mỗi doanh nghiệp phải ngừng hoạt động là sự mất đi sinh kế, nguồn sống của người lao động và sự suy giảm của nền kinh tế.
Với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản, ở phía nam chỉ có khoảng 30% số doanh nghiệp còn hoạt động nhờ đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ”, nhưng cũng vô cùng khó khăn vì chi phí tăng vọt. Với các doanh nghiệp ngành gỗ, đã có trên 50% số doanh nghiệp ngành này tại khu vực Đông Nam Bộ dừng sản xuất và đang đối diện nguy cơ phá sản…
Theo phản ánh từ các hiệp hội doanh nghiệp của các ngành hàng liên quan đến xuất khẩu và sử dụng nhiều lao động, chỉ có từ 15-20% các nhà máy sản xuất cầm chừng do theo được “3 tại chỗ”, còn lại đến 80-85% số nhà máy phải ngừng sản xuất.
Về lao động, theo khảo sát của VCCI, trung bình có 90,8% doanh nghiệp đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh. Nói cách khác, cứ khoảng 10 doanh nghiệp thì có 9 doanh nghiệp phải chấp nhận cho người lao động thôi việc do hoạt động sản xuất kinh doanh kém khả quan trong thời gian dịch bệnh bùng phát.
Tình trạng người lao động mất việc làm do ảnh hưởng từ dịch bệnh phổ biến nhất ở các tỉnh Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh duyên hải miền Trung với lần lượt 95%, 93% và 92% doanh nghiệp đang hoạt động ở các vùng này báo cáo phải cho người lao động thôi việc.
Giãn cách mãi doanh nghiệp sẽ sụp đổ
Theo Chủ tịch VCCI, đợt bùng dịch thứ 4 tại Việt Nam diễn biến phức tạp, hiện đã ngấm sâu, lan rộng và không thể trở về trạng thái Zero COVID. Do đó nếu giãn cách xã hội mãi thì các doanh nghiệp sẽ sụp đổ.
“Tình hình đã thay đổi, chúng ta cần có tư duy duy mới, quan điểm mới, chiến lược mới, cách làm mới về chống dịch. Cộng đồng doanh nghiệp thể hiện sự đồng tình, nhất trí cao với quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là “Phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp”, ông Công nhấn mạnh.
Quan điểm mới này dẫn đến cần thay đổi chiến lược ứng phó COVID-19. Thay vì dồn toàn lực tập trung cho một mặt trận chính là phòng chống dịch bệnh, từ nay chúng ta cần tập trung cho cả mặt trận thứ 2 là duy trì, phát triển kinh tế. Cả 2 mặt trận đều quan trọng và tác động qua lại với nhau.
Chủ tịch VCCI đề xuất 2 chủ trương mới. Thứ nhất, cần nhìn nhận các doanh nghiệp là một chủ thể trong ứng phó COVID-19, từ đó tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các doanh nghiệp.
Ví dụ như trong thời chiến, chúng ta đã trang bị và thành lập các đội dân quân tự vệ, nâng cao năng lực chiến đấu của cả nước. Trong cuộc chiến lâu dài chống COVID-19, chúng ta cần công nhận và cho doanh nghiệp chủ động tự xét nghiệm, tự điều trị các ca F0 nhẹ tùy theo khả năng, điều kiện của doanh nghiệp. Nhà nước chỉ cần hỗ trợ, hướng dẫn và ban hành các quy định, chính sách phù hợp.
Thứ hai, mặt trận kinh tế vững chắc là nền tảng cho chiến thắng trên mặt trận y tế, do vậy cần có chủ trương kiên quyết bảo vệ, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn của doanh nghiệp trong điều kiện sống chung với dịch. Dù COVID-19 thế nào, cũng phải tìm cách để duy trì sản xuất an toàn.
Ngoài ra, “mục tiêu kép cần có nhiệm vụ kép” và tương ứng với quan điểm mới của Thủ tướng về chung sống lâu dài với COVID-19, VCCI đề nghị xem xét đổi tên các “BCĐ Phòng chống dịch COVID-19” thành “BCĐ Phòng chống dịch COVID-19 và Phục hồi kinh tế”, để cùng với nhiệm vụ chống dịch, việc duy trì sản xuất, phục hồi kinh tế được xác định như một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp.
Với quan điểm coi doanh nghiệp là một chủ thể trong cuộc chiến chống COVID-19 và là lực lượng chủ lực trên mặt trận kinh tế, đồng thời xác định sống chung lâu dài với dịch bệnh, cộng đồng doanh nghiệp cũng đề nghị với Thủ tướng trong cơ cấu BCĐ phòng chống COVID-19 các cấp cần có sự tham gia của đại diện cộng đồng doanh nghiệp.
Cộng đồng doanh nghiệp nhất trí cao với 6 nguyên tắc, trong đó nhấn mạnh vắc xin, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết. Nói ngắn gọn, vắc xin là chìa khoá, việc mở cửa kinh tế phải đồng bộ với độ phủ về vắc xin; thứ hai, sản xuất phải an toàn. Kinh nghiệm thế giới cho thấy việc mở cửa lại nền kinh tế nếu không tuân thủ 2 nguyên tắc này thì hậu quả là khó lường.